Đại biểu Quốc hội giám sát tiến độ thoái vốn

Theo Nghị quyết của Quốc hội (QH), từ nay đến năm 2020, Chính phủ phải bán 250 nghìn tỷ đồng vốn nhà nước. Các đại biểu QH sẽ giám sát tiến độ và các dấu hiệu thất thoát trong thoái vốn.

Trao đổi về “Bệnh thành tích trong cổ phần hóa” (Tiền Phong ra ngày 8/12), Tiến sỹ Kinh tế, đại biểu QH Trần Hoàng Ngân cho biết: Việc chậm thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nói riêng và hiệu quả của cổ phần hóa DNNN nói chung được nhiều đại biểu QH phân tích tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV vừa qua. Nhằm giải quyết vấn đề này, QH đã đặt ra mục tiêu, kế hoạch cụ thể trong các nghị quyết được thông qua cuối kỳ họp.

Cụ thể, trong nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, QH giao nhiệm vụ: Thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các DN thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư.

Cũng trong nghị quyết này, QH giao Chính phủ đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Cụ thể, Chính phủ cần: Đánh giá thực chất và đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước một cách công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường; Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản công. QH cũng giao Chính phủ xây dựng và công bố mục tiêu cụ thể hằng năm về thoái vốn nhà nước tại DN.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, mục tiêu cụ thể về thoái vốn tại các DNNN cũng được QH “đặt hàng” Chính phủ trong Nghị quyết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (được thông qua tại Kỳ họp QH vừa qua). Theo đó, QH giao chỉ tiêu: Tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 tối đa là 2 triệu tỷ đồng, trong đó tiền bán vốn Nhà nước tại một số DN là 250 nghìn tỷ đồng (bằng 5% số vốn 5 triệu tỷ đồng còn “chôn” trong DNNN được Chính phủ công bố hôm 6/12 vừa qua - PV).

“QH đã nhìn ra vấn đề và đặt ra kế hoạch cụ thể. Vấn đề là cần giám sát tiến độ thực hiện thoái vốn và không để xảy ra tình trạng thất thoát vốn Nhà nước trong cổ phần hóa” – ông Ngân nói. TS Ngân cũng đánh giá, việc Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới DNNN do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hôm 6/12 là động thái tích cực thực hiện các nội dung liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước trong các nghị quyết của QH.

Nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 sẽ cấp cho hai chương trình mục tiêu quốc gia (Nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững) hơn 72 nghìn tỷ đồng, giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành 5 nghìn tỷ đồng và các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia khoảng 80 nghìn tỷ đồng.

Sỹ Lực

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/kinh-te/dai-bieu-quoc-hoi-giam-sat-tien-do-thoai-von-1081947.tpo