Đại biểu Quốc hội đề nghị có quy hoạch vùng trời

Sáng 21.11, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quy hoạch, một số đại biểu (ĐB) Quốc hội đề xuất bổ sung quy hoạch vùng trời trong dự luật.

Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Q.H)

Cho ý kiến về nội dung quy hoạch, ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) đề nghị thêm một nội dung quan trọng là định hướng quy hoạch lĩnh vực quốc phòng và định hướng quy hoạch an ninh. 13 nội dung này không nói gì về quốc phòng, an ninh. Trong thực tế lĩnh vực này và tất cả các ngành, chúng ta thực hiện phát triển kinh tế - xã hội đều liên quan đến quốc phòng, an ninh, không phải là bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Còn ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng: Trong Hiến pháp quy định có vùng trời, ở đây chúng ta không quy hoạch vùng trời, chỉ quy định vấn đề biển và đất. Cơ bản nói về đất, tôi cho rằng đây là vấn đề còn thiếu sót. Tôi rất tâm đắc ý kiến của đồng chí Nghĩa vừa nói là chúng ta còn bỏ cả những vấn đề là chỉ bảo đảm an ninh, quốc phòng. Ở đây, chúng ta phải căn cứ trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược bảo vệ Tổ quốc thì chúng ta mới xây dựng được quy hoạch. Tôi cho rằng tên của luật và phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 là không phù hợp. Tên luật ghi là Luật quy hoạch, trong Điều 1 ghi là điều chỉnh hoạt động quy hoạch nhưng không rõ hoạt động quy hoạch gì. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, tên luật và Điều 1 đã khác hẳn nhau, khi chúng ta đưa chữ "hoạt động" vào là tăng thêm nội hàm và thu hẹp hẳn ngoại diên của đạo luật. Như vậy, chúng ta thấy nó không phù hợp.

“Tôi đề nghị chúng ta phải lưu ý rất rõ và tôi xin nhắc lại ở đây chúng ta có 3 vùng, vùng đất, vùng trời, vùng biển thì luật này có điều chỉnh cả ba vấn đề đó không, hay chỉ quy định về đất” – ông Nhưỡng nói.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Luật này ra đời sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế như thiếu tầm nhìn, kém chất lượng về quy hoạch gây thất thoát lãng phí, cản trở sự phát triển của đất nước, phân tán không hiệu quả dẫn đến tùy tiện, chia cắt, cát cứ và xung đột lợi ích giữa các ngành, địa phương. Để hướng tới tăng cường liên kết vùng và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương và phát huy hiệu quả khai thác và sử dụng các nguồn lực của đất nước.

Trước một số ý kiến đại biểu nêu quy hoạch về bầu trời, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói: Vấn đề này, chúng tôi đã đưa ra bàn bạc và xin ý kiến nhưng không hình dung là quy hoạch bầu trời là quy hoạch thế nào, chúng tôi hình dung nó chỉ là ranh giới lãnh thổ giữa các quốc gia với nhau về bầu trời để xác định không xâm phạm không phận của nhau. Trong một bầu trời như thế này, các máy bay bay trên trời được tự do, quan trọng là quản lý, điều hành bay và phối hợp giữa các cơ quan, mình không có giới hạn ai được bay đến đâu và chiều cao của bầu trời không xác định được. Chúng tôi thấy quy hoạch bầu trời rất khó, chúng tôi sẽ tiếp thu để nghiên cứu tiếp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Đối với quốc phòng, an ninh, chúng tôi ghi nhận ý kiến các đại biểu đề cập đến vấn đề này. Còn môi trường, trong ứng phó biến đối khí hậu đã có rồi. Tuy nhiên, chúng tôi xin báo cáo quy hoạch về quốc phòng, an ninh, chúng tôi quan tâm đến vấn đề sử dụng đất.

“Đất hiện nay xác định có ba loại, loại thứ nhất là dành cho quốc phòng và không được xâm phạm; loại thứ hai là có thể sử dụng lưỡng dụng trong thời bình, kết hợp kinh tế với quốc phòng; loại thứ ba là chuyển hẳn sang kinh tế. Khi không có chiến tranh, chúng ta có thể sử dụng theo 3 hình thức đó, nhưng khi có chiến tranh, chúng ta có thể huy động bất cứ một công trình nào, bất cứ một diện tích nào trên lãnh thổ Việt Nam để tham gia vào bảo vệ Tổ quốc, việc đó không có hạn chế, chúng ta có quyền huy động tất cả các nguồn lực của xã hội vào để tham gia bảo vệ Tổ quốc. Chúng tôi xin nói rõ vấn đề đó để cho cả quản lý điều hành sau này” – ông Dũng nói.

Xuân Hải

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-co-quy-hoach-vung-troi-613077.bld