Đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong hút khách du lịch

Nhiều ý kiến thảo luận về dự thảo Luật Du lịch sửa đổi ngày 8/11 vừa đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ và các ngành trong lĩnh vực phát triển du lịch, vừa đề xuất thêm các nội dung xây dựng dự án luật.

Đề xuất đưa thêm loại hình du lịch khám chữa bệnh

Thảo luận tại tổ sáng 8/11, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua trong việc thu hút khách du lịch.

Phát huy lợi ích của ngành kinh tế không khói, vị Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ có nhiều hoạt động, tiêu biểu hồi tháng 8 có một hội nghị toàn quốc về du lịch tại Quảng Nam…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc thu hút khách du lịch. Ảnh: Song Đào

Do vậy, theo bà Nga, việc sửa đổi dự thảo luật này là điều thực sự cần thiết và rất quan trọng do từ năm 2005 tới nay, tình hình đã khác nhiều. Đời sống của người dân được nâng lên tương đối nhiều, trước đây Tết chỉ cần “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”, nhưng nay ở TP lớn hoặc các địa phương thu xếp đi du lịch. Chính phủ cũng sáng tạo trong việc thu xếp cộng dồn ngày nghỉ lễ, Tết tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi du lịch, góp phần cho du lịch phát triển.

Góp ý cho dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, luật cần phải giải quyết một số vấn đề như tổ chức hoạt động du lịch như thế nào để khách quay trở lại; hay có những yếu tố ngành cần phối hợp với các ngành khác như an toàn giao thông, thực phẩm…

Bà Nga cũng góp ý, dự thảo cần phân loại các loại hình du lịch tâm linh, mạo hiểm và Ban soạn thảo lưu ý có hình thức quản lý sử dụng thương mại điện tử trong kinh doanh du lịch, đặc biệt với các tên miền ở nước ngoài…

Trong khi đó, Đại biểu TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, với những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên của ngành du lịch nước ta, nếu chúng ta biết tận dụng và làm tốt thì hiệu quả sẽ không kém các nước khác trên thế giới.

Trước những lợi thế đó, đại biểu Tâm nhận định, chính sách cho ngành du lịch phát triển là đặc biệt quan trọng. Các nước có du lịch phát triển là vì họ có chính sách, có bước đi, lộ trình và kèm theo lộ trình là chính sách đặc thù cho du lịch.

Tái cơ cấu kinh tế cần đặt du lịch ở trọng tâm phát triển. Ảnh minh họa: Nam Nguyễn

“Thời gian chuẩn bị cho Luật này còn nhiều nên đề nghị Chính phủ trình những chính sách kèm theo Luật này. Phải có chính sách phù hợp, đột phá thì ngành du lịch mới có thể đột phá được. Đặc biệt, trong tái cơ cấu cần đặt du lịch ở trọng tâm phát triển”- Đại biểu Tâm nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Phạm Như Hiệp, Thừa Thiên Huế lại đề xuất du lịch kèm khám chữa bệnh. Đây là một mô hình mới và Việt Nam có nên cân nhắc đưa vào luật hay không.

“Người Việt Nam theo tôi được biết hàng năm bỏ ra 2-4 tỷ USD một năm để khám chữa bệnh kết hợp với du lịch nước ngoài. Thứ 2, khách nước ngoài có thể đến Việt Nam chữa bệnh kết hợp du lịch”- Đại biểu Hiệp thông tin.

Cũng theo Đại biểu này, năm 2015, có gần 1.000 khách nước ngoài đến Bệnh viện Trung ương Huế, trong đó có quá nửa là đến kiểm tra sức khỏe khi đi du lịch. “Nên chăng điều khoản này nên được đưa ra vào dự thảo để đi theo hướng có lợi cho ngành du lịch, y tế, và một số địa phương có thế mạnh chuyên sâu y tế” – Đại biểu Hiệp nói.

Tập trung đào tạo nguồn nhân lực

Đồng tình cao với việc cần thiết phải sửa đổi Luật Du lịch 2015, Đại biểu đoàn Hà Nội Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho hay, loại hình du lịch nghỉ tại nhà dân - Homestay đang phát triển ở các nước và Việt Nam. Theo đại biểu, để phát triển loại hình này cần có cơ chế quản lý đặc thù trong Điều 61 và loại hình này chỉ cần quy định, điều kiện kinh doanh, không cần phân hạng, giao trách nhiệm cho Sở VHTTDL hoặc Sở Du lịch thẩm định, công nhận.

Ngoài ra, Đại biểu Thích Bảo Nghiêm đề nghị cần xác định rõ tổ chức và cơ quan đào tạo, cấp chứng chỉ cho hướng dẫn viên du lịch để tránh tình trạng các hướng dẫn viên đưa du khách đến các di tích tín ngưỡng nhưng không am hiểu lịch sử, tín ngưỡng…

Đại biểu Thích Bảo Nghiêm đóng góp ý kiến xây dựng dự án luật. Ảnh: Song Đào

Du lịch là khu vực kinh tế mang lại nhiều nguồn thu, việc làm và cần được coi là lĩnh vực ưu tiên trong phát triển kinh tế xã hội giai đoạn sắp tới. Trong điều kiện hội nhập, ban hành Luật Du lịch sửa đổi thực sự là cần thiết để thể chế hóa quản lý và các chính sách khuyến khích của nhà nước. Theo đại biểu Lê Quân, đoàn Hà Nội, dự thảo luật cơ bản đáp ứng được các yêu cầu đề ra, tuy nhiên cần bổ sung các nội dung về phát triển nguồn nhân lực cho du lịch.

Cụ thể, Điều 21 về nội dung quy hoạch, cần bổ sung quy định về quy hoạch về phát triển nguồn nhân lực du lịch bởi đây là cơ sở để triển khai hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch đáp ứng tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành.

Về hướng dẫn viên du lịch, đại biểu Lê Quân cho rằng, cần cân nhắc người nước ngoài để phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế về thị trường lao động và trong đào tạo nhân lực du lịch hiện nay.

“Hiện các cơ sở đào tạo nhận nhiều người nước ngoài đến học tập và có nhu cầu thực hành nghề nghiệp. Trong khi rất nhiều ngôn ngữ mà hướng dẫn viên của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành. Do vậy dự thảo cân nhắc việc cho phép người nước ngoài làm hướng dẫn viên du lịch để thuận lợi trong thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành” – ông Quân cho hay.

Ngoài ra, đại biểu này cũng đưa ra quan điểm rộng mở cho phép doanh nghiệp, hiệp hội, cá nhân tham gia sâu hơn vào xúc tiến du lịch trong khi chủ trương xã hội hóa dịch vụ công đang cần được đề cao.

“Trên thế giới, nhà nước đưa ra các yêu cầu và ngân sách. Các doanh nghiệp sẽ đấu thầu để trúng dịch vụ xúc tiến du lịch. Các hoạt động này do đó được triển khai theo cơ chế thị trường, có hiệu quả cao” – Đại biểu Quân chia sẻ./.

Song Đào – Quỳnh Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thoi_su/dai-bieu-quoc-hoi-danh-gia-cao-no-luc-cua-chinh-phu-trong-hut-khach-du-lich-218179.html