Đại biểu Quốc hội: Có tình trạng 'lạm dụng ngân sách để mua tài sản'

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho hay, bên cạnh tình trạng lạm dụng ngân sách mua sắm tài sản công còn do ý thức tiết kiệm kém, nhiều đơn vị vẫn cố mua bằng được.

Đại biểu Lê Thanh Vân trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: Vietnam+)

Theo báo cáo, kết quả rà soát với quyết định 32/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho thấy các bộ, ngành, địa phương dôi dư 2.334 xe công nhưng nhiều đơn vị vẫn mua sắm thêm.

Nhìn nhận vấn đề này, theo ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, bên cạnh tình trạng lạm dụng ngân sách mua sắm tài sản công còn do ý thức tiết kiệm kém, nhiều đơn vị vẫn cố mua bằng được vì đã nằm trong dự toán chi.

Bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14, đại biểu Lê Thanh Vân đã có một số chia sẻ với phóng viên về việc sử dụng và mua sắm xe công.

- Thưa Đại biểu, ông bình luận thế nào về việc các cá nhân bị xử lý sai phạm về tài chính ngân sách được Chính phủ báo cáo trước Quốc hội?

Đại biểu Lê Thanh Vân: Đây chính là con số mà Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị rồi đưa vào báo cáo chính thức. Phải làm rõ hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân đó như thế nào? Phải thống kê cụ thể để thấy được kỷ luật tài chính gắn liền với kỷ cương phép nước.

Theo báo cáo của Chính phủ mà Ủy ban Tài chính ngân sách nhận thẩm tra thì có 400 tập thể, 750 cá nhân sai phạm và có xử lý trách nhiệm.

Sai phạm về kỷ luật tài chính dẫn đến sai phạm về pháp luật hành chính, sai phạm về pháp luật hình sự. Do đó, phải có hình thức xử lý thích đáng từ đó mới chấn chỉnh được hoạt động thu chi ngân sách nhà nước.

[Thừa xe công, nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn vung tay mua xe mới]

- Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước có đề cập đến tình trạng trong khi số lượng ôtô công dôi dư rất lớn nhưng nhiều cơ quan, đơn vị vẫn sắm sửa thêm ôtô công. Ông nhìn nhận ra sao về ý thức chấp hành kỷ luật tài chính ngân sách trong mua sắm, sử dụng tài sản Nhà nước hiện nay?

Đại biểu Lê Thanh Vân: Ở đây liên quan đến ý thức của người thực thi công vụ. Việc lạm dụng ngân sách để mua tài sản là có trong thực tế.

Tuy nhiên, ở đây cũng có tình huống là người ta đã đưa vào dự toán và khi thực hiện dự toán đó thì họ mua bằng được. Trong khi đó, thực tiễn có thể thay đổi và nhu cầu cũng có thể thay đổi, nhưng nếu họ ý thức được vấn đề tiết kiệm, họ tự giác không mua sắm nữa để tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước.

Nhưng vì ý thức chưa cao, tinh thần tiết kiệm chưa cao nên dẫn đến việc cho dù tình huống đã thay đổi, nhu cầu đã thay đổi nhưng khi đưa vào kế hoạch thì vẫn thực hiện.

- Ông đánh giá như thế nào sau nhiều năm tình trạng lạm chi vẫn diễn ra dẫn đến khó khăn trong kiểm soát bội chi?

Đại biểu Lê Thanh Vân: Trong báo cáo kiểm toán và báo cáo của Ủy ban Tài chính ngân sách cũng đã nêu. Rõ ràng, tình trạng đó đã diễn ra nhiều năm chưa được khắc phục. Nên phải trở lại với câu chuyện kỷ luật tài chính chúng ta xử lý chưa nghiêm và chưa gắn với xử lý vi phạm pháp luật.

Sai phạm trong kỷ luật tài chính chính là một biểu hiện của vi phạm pháp luật. Vi phạm ở mức độ nào và bị xử lý như thế nào thì cần phải được minh bạch mới có tính răn đe đối với các tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

[Phát hiện 28,8 nghìn khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, quy định]

- Như vậy, ở đây là câu chuyện về ý thức thực thi, vì họ vẫn làm theo đúng dự toán. Vậy để xử lý thì theo ông cần có giải pháp nào?

Đại biểu Lê Thanh Vân: Theo tôi phải cho kiểm toán luôn từ khâu dự toán để từ đó xác định nhu cầu chi của các tổ chức đơn vị trước khi quyết định xây dựng dự toán.

Bên cạnh đó, có thể trong quá trình điều hành ngân sách, thấy rằng nhu cầu đã thay đổi, tình huống đã thay đổi thì có thể điều chỉnh dự toán chi. Như vậy, sẽ khắc phục được tình trạng lãng phí và thực hành tiết kiệm theo đúng theo Luật về thực hành tiết kiệm.

- Xin cảm ơn ông./.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, việc lạm dụng ngân sách để mua tài sản là có trong thực tế và cũng có tình huống là người ta đã đưa vào dự toán và khi thực hiện dự toán đó thì mua bằng được.

Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ôtô trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Cụ thể, văn phòng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được trang bị tối đa 3 xe ôtô/1 đơn vị. Các đơn vị khác thuộc bộ, cơ quan ngang bb, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (các vụ, ban và các tổ chức tương đương) được trang bị tối đa 1 xe ôtô/1 đơn vị. Ngoài ra, văn phòng tổng cục và văn phòng các tổ chức tương đương được trang bị tối đa 2 xe ôtô/1 đơn vị…

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/dai-bieu-quoc-hoi-co-tinh-trang-lam-dung-ngan-sach-de-mua-tai-san/448338.vnp