Đại biểu lĩnh vực Du lịch: Đầu tư cho du lịch còn hạn chế

Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi lần này thu hút được sự quan tâm đặc biệt với nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, xây dựng của nhiều Đại biểu Quốc hội, Đại biểu dự thính đã, đang công tác trong ngành du lịch.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Nguyên Giám đốc Sở Du lịch TPHCM: Ngân sách chi cho du lịch còn rất thấp

Ban soạn thảo Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) đã nghiên cứu, đề cập đến nhiều vấn đề hiện nay đang khúc mắc trong phát triển ngành du lịch. Trong đó cụ thể nhất là việc bảo đảm bình đẳng giữa khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa, thể hiện qua việc buộc phải mua bảo hiểm (cả khách quốc tế và khách nội địa).

Bên cạnh đó, những quy định, ràng buộc khác đối với các công ty du lịch quốc tế và nội địa để đảm bảo chất lượng phát triển du lịch là như nhau. Hay các vấn đề phát sinh để đảm bảo quyền lợi của du khách sau này cũng đã được đề cập trong Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi). Ví như về ký quỹ đều phải có các điều kiện tương đồng. Điều này cũng đã được ban soạn thảo tiếp thu, điều chỉnh.

Đại biểu Quốc hội TP HCM Văn Thị Bạch Tuyết: Ngân sách đầu tư cho du lịch còn thấp. Ảnh: Quỳnh Anh

Liên quan đến cấp thẻ hướng dẫn viên, đại biểu Tuyết cho rằng, Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) đã có nghiên cứu kỹ hơn, phù hợp hơn.

“Quy định về thẻ hướng dẫn viên đã tạo thêm cơ hội để cho nhiều đối tượng có thể tham gia, trong khi Luật trước đây hạn chế quyền tham gia làm hướng dẫn viên. Ngoài ra, việc giảm đi một số loại hình du lịch như trước đây đô thị du lịch - thực ra là không phù hợp trong thực tế - thì trong Dự thảo Luật mới đã có điều chỉnh”, đại biểu này nói.

Về ngân sách, đầu tư của Nhà nước dành cho du lịch, đại biểu Tuyết cho rằng còn hạn chế.

Theo đại biểu này, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên tất cả những đầu tư về bảo tàng, giao thông, cầu phà, bến đỗ... trong chừng mực nào đó cũng là phục vụ cho du lịch, góp phần phát triển du lịch.

“Tôi muốn nói rằng ngân sách chi riêng cho ngành du lịch rất thấp, đặc biệt là kinh phí dành cho xúc tiến du lịch so với các nước trong khu vực còn kém xa. Trong khi đó, đối với du lịch, việc quảng bá hình ảnh, giới thiệu về đất nước, con người, hạ tầng...phục vụ cho du khách lại vô cùng quan trọng, nhưng với kinh phí hạn hẹp chúng ta thời gian qua đã không làm tốt khía cạnh này.

Đương nhiên doanh nghiệp cũng bỏ kinh phí để quảng bá, nhưng quảng bá nhỏ lẻ đó không mang lại hiệu quả so với sự đầu tư của Nhà nước để doanh nghiệp có thể làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình”, đại biểu Tuyết chia sẻ quan điểm.

Đại biểu đoàn TP HCM cũng cho biết, trong Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) lần này có đề cập đến thành lập Quỹ phát triển du lịch. Tuy nhiên, theo Dự thảo thì chức năng của Quỹ này còn rất chung chung, trong khi du lịch có vô vàn các nội dung cần được hỗ trợ trong điều kiện quá khó khăn hiện nay.

“Tôi cho rằng, Quỹ này nên được quy định rõ ràng trong Luật Du lịch rằng đầu tư cho các lĩnh vực quan trọng như quảng bá xúc tiến du lịch...”, đại biểu Tuyết nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội Phạm Quang Thanh: Tổng cục Du lịch nên là cơ quan thẩm định chất lượng với khách sạn từ 3 sao trở lên

Đồng tình với việc sửa đổi Luật Du lịch 2005, Đại biểu Phạm Quang Thanh- người đang giữ chức Tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch Hà Nội cho hay, dự thảo đã bổ sung thêm nhiều nội dung mới như các hành vi bị nghiêm cấm, quản lý Nhà nước về du lịch cũng đã được đưa vào chương riêng.

Góp ý cho dự thảo luật, Đại biểu này cho hay, việc lược bỏ một số quy định về điều kiện thành lập doanh nghiệp kinh doanh lữ hành (có ít nhất 3 hướng dẫn viên được cấp chứng chỉ, người đứng đầu doanh nghiệp có ít nhất 4 năm hoạt động lữ hành) có thể sẽ phát sinh nhiều hệ lụy phức tạp. Do vậy, đại biểu này cho rằng, cần giữ nguyên theo quy định cũ.

Đại biểu Quốc hội Hà Nội Phạm Quang Thanh: Nên để Tổng cục Du lịch là cơ quan đứng ra thẩm định chất lượng khách sạn ít nhất là từ 3 sao trở lên. Ảnh: Song Đào

Việc xếp hạng sao cho cơ sở lưu trú nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách du lịch bởi liên quan trực tiếp đến giá phòng, do vậy, đại biểu này cho rằng cần có cơ quan chuyên môn đánh giá, nếu để các đơn vị tự xếp sao theo nguyên tắc tự nguyện sẽ dẫn tới tình trạng mất kiểm soát về chất lượng dịch vụ của các đơn vị lữ hành.

Đại biểu này cho rằng, nên để Tổng cục Du lịch là cơ quan đứng ra thẩm định chất lượng khách sạn ít nhất là từ 3 sao trở lên và sẽ định kỳ phải kiểm tra, nếu không đáp ứng được thì rút hoặc hạ sao xuống.

Đồng tình với việc nên thành lập thanh tra Du lịch, Đại biểu Phạm Quang Thanh cho hay, toàn quốc có mấy chục nghìn cơ sở lưu trú nhưng số lượng thanh tra còn hạn chế, không kiểm soát hết được, dẫn đến người đi du lịch thiệt thòi.

Ngoài ra, Đại biểu đoàn Hà Nội cũng mong mỏi nên sớm có văn bản hướng dẫn về việc thành lập văn phòng du lịch ở nước ngoài và các chính sách quảng bá hình ảnh Việt Nam để thu hút khách du lịch.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch: Kinh phí cho xúc tiến du lịch còn hạn chế

Trong buổi thảo luận tổ, nhiều đại biểu bày tỏ sự chia sẻ với Ban soạn thảo. Nhiều ý kiến nhận định rằng, kinh doanh du lịch rất khó và không thể phủ nhận những đóng góp mà ngành du lịch đã mang lại cho nền kinh tế - xã hội trong thời gian qua.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn: dự thảo luật được thông qua hy vọng sẽ mang lại nhiều hiệu quả, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ảnh: Nam Nguyễn

Ông Tuấn cho rằng, nếu đầu tư thêm cho du lịch hàng triệu USD thì ngành sẽ “kéo về” thêm hàng triệu khách. Giải thích về việc này, ông Tuấn cho biết, nếu muốn phát triển cho du lịch mà không có chính sách thì rất khó phát triển. Chưa kể đến, kinh phí đầu tư cho xúc tiến du lịch chỉ 2 triệu USD mỗi năm là quá hạn chế, chỉ băng 2% so với Thái Lan, Malaysia…

Ông Tuấn mong mỏi, dự thảo Luật Du lịch sửa đổi khi được thông qua sẽ mang lại nhiều hiệu quả, góp phần đưa du lịch trở thành ngành mũi nhọn./.

Song Đào – Quỳnh Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thoi_su/dai-bieu-linh-vuc-du-lich-dau-tu-cho-du-lich-con-han-che-218123.html