Đại biểu đề nghị thu hồi đất nông nghiệp bị các tổ chức sử dụng sai mục đích

Chiều 8.11, thảo luận nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, có đại biểu Quốc hội đề nghị xử lý nghiêm với những tổ chức sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp, bỏ hoang hóa đất nông nghiệp.

Hầu hết các đại biểu thống nhất miễn thuế toàn bộ đất nông nghiệp của hộ và cá nhân, coi đây là nguồn động viên người dân khuyến khích khai hoang, phát triển trang trại, triển khai cánh đồng mẫu lớn, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp.

Tuy nhiên, đi ngược lại với các ý kiến trên, đại biểu Hoàng Văn Cường, Hà Nội không ủng hộ đề xuất miễn 100% thuế nông nghiệp với các hộ gia đình và cá nhân. Đại biểu nói: “Tôi xuất thân từ nông dân, anh em tôi nhiều người đang làm nông nghiệp nên rất thấu hiểu, làm gì có lợi cho nông dân dù một đồng cũng ủng hộ. Nhưng nếu ủng hộ để thỏa mãn trước mắt mà lâu dài giam chân họ không phát triển thì cần xem lại sự giúp đỡ đó”.

Theo đại biểu, mục đích của việc miễn giảm thuế nông nghiệp không phải thu tiền cho ngân sách mà là phải sử dụng có hiệu quả. Có tình trạng ở nông thôn nhiều người được giao đất nông nghiệp nhưng không sản xuất, họ bỏ không hoặc sử dụng không hiệu quả. Do vậy không thể tích tụ đất đai cho những người sản xuất theo mô hình mẫu lớn.

“Khi thảo luận về tái cơ cấu nông nghiệp chúng ta đã nói vướng mắc lớn nhất là tích tụ dất đai, bỏ hạn điền, nhưng muốn vậy mà không có đất để giao. Để thuê được 10ha phải huy động hàng trăm hộ gia đình, rất khó khăn, người thuê cũng không yên tâm đầu tư máy móc hạ tầng”.

Đại biểu cho rằng chính sách miễn thuế nông nghiệp cho tất cả hộ giao đình đang cản trở sản xuất nông nghiệp, vì vậy đại biểu đề nghị chỉ miễn cho những người trực tiếp, còn hộ được giao không có nhu cầu sản xuất, cho thuê lại thì phải đánh thuế, thậm chí cao hơn. Khi phải nộp thuế họ không giữ đất nữa, trả lại đất cho nhà nước. Làm được điều này, cùng với xóa bỏ hạn điền, đại biểu cho rằng sẽ thay đổi được nền nông nghiệp Việt Nam.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề nghị có thể giao cho cộng đồng giám sát để tạo nguồn thu cho chính quyền địa phương, đảm bảo 3 mục tiêu: Đất không bị phân tán manh mún, người có nhu cầu có thể tập trung đất đai lớn hơn, ngân sách địa phương có thể tăng lên.

Tuy nhiên, Đại biểu Hoàng Thanh Tùng, tỉnh Sóc Trăng không đồng tình chỉ miễn thuế với diện tích mà hộ gia đình và cá nhân sử dụng trực tiếp, còn đất họ để hoang hóa hoặc không sử dụng thì vẫn áp thuế, như đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất. “Tôi cho rằng chính sách tam nông hiện nay đòi hỏi những động lực mạnh mẽ hỗ trợ cho nông dân, hộ gia đình. Hoang hóa đất đai là vì nhiều lý do” – đại biểu nói.

Đại biểu cho rằng khoản thu từ thuế nông nghiệp chỉ 53,5 tỉ đồng một năm nhưng miễn thuế sẽ tạo tâm lý đồng thuận trong dân, khoan sức dân, thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế.

Tuy nhiên đại biểu cho rằng, đề xuất thu 100% thuế với đất giao cho tổ chức mà họ không sử dụng, là chưa đủ, chưa cho thấy sự thượng tôn pháp luật, Đại biểu đề nghị xử phạt nghiêm, thu hồi đất đã giao cho các tổ chức, nông trường quốc doanh mà họ không sử dụng, giao khoán, chuyển giao cho người khác.

Về thời hạn miễn giảm, đại biểu Đặng Hoàng Tuấn, đoàn Long An, nhất trí với đề nghị chính sách miễn giảm lâu dài với nông dân là hộ gia đình và cá nhân. Với đất do các tổ chức, đại biểu đề nghị miễn giảm dài hơn đến 2030, nhưng đánh giá 5 năm một lần báo cáo Quốc hội để điều chỉnh cho phù hợp.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói, đề xuất thu 100% thuế với tổ chức được giao đất nhưng không sử dụng được đa số đại biểu nhất trí và phù hợp với Luật Đất đai 2013.

Về thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, đa số nhất trí đề xuất miễn thuế đến hết 31.12.2020. Có ý kiến đề nghị miễn thuế dài hơn, đến 2025, 2030. Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đề xuất như trên vì đây là thời hạn thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp nông dân nông thôn. Khi sắp hết thời hạn Chính phủ sẽ trình Quốc hội để đánh giá.

M.H

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/dai-bieu-de-nghi-thu-hoi-dat-nong-nghiep-bi-cac-to-chuc-su-dung-sai-muc-dich-609181.bld