Đề nghị tranh luận lại với ban soạn thảo Luật Về hội

Nhiều ý kiến cho rằng để đảm bảo đầy đủ quyền tự do lập hội của công dân, Quốc hội chưa nên thông qua Dự thảo Luật về Hội.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre, đã yêu cầu được tranh luận lại với Ban soạn thảo Luật Về hội trong buổi chiều nay, 25-10.

Ông Lưu Bình Nhưỡng là vụ trưởng - kiêm phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương. Khi tranh luận, tên ông không được hiện lên, thay vào đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu gọi theo số hiệu chỗ ngồi của ông là B14.

Đại biểu Quốc hội, TS Lưu Bình Nhưỡng trở thành đại biểu đầu tiên thực hiện quyền tranh luận tại Quốc hội. Ảnh: CHÂN LUẬN

Ông Nhưỡng cho rằng tất cả các đạo luật đều nói phải bám sát mục tiêu thể chế hóa đường lối của Đảng, đường lối đối ngoại của nhà nước, nhất là trong thời buổi hội nhập. Tuy nhiên, Dự thảo Luật Về hội chưa đáp ứng được điều này, nhất là đối với những quy định về liên kết, nhận tài trợ của nước ngoài.

Về sáu tổ chức chính trị-xã hội mà Dự thảo đặt ra ngoài phạm vi điều chỉnh, ông Nhưỡng yêu cầu làm rõ đơn vị “MTTQ Việt Nam”. Ông nói: “Cần làm rõ MTTQ Việt Nam là tổ chức nào, là Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hay bao gồm tất cả tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam”.

Ông Nhưỡng cũng cho hay, có nhiều loại hội chỉ mang tính chất giao lưu định kỳ, không cần trụ sở, không cần điều kiện nào cả. “Tôi có hội đại học, sinh hoạt mấy chục năm, chả lẽ bây giờ phải đăng ký sao?” - ông Nhưỡng đặt vấn đề. Đồng thời, ông yêu cầu phải xem xét, đánh giá tác động của dự thảo, cũng như của các tổ chức hội đối với xã hội.

“Sau sự cố BLHS 2015, QH phải thận trọng, luật phải có chất lượng mới thông qua. Tôi đề nghị chưa thông qua dự thảo Luật Về hội” - ông Nhưỡng dứt khoát.

Trước đó cũng có nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về những vướng mắc của dự thảo đối với những thực tế về ngoại giao, hoạt động, nhiệm vụ của các hội đang tồn tại. Đặc biệt, vấn đề liên kết, nhận tài trợ, viện trợ của nước ngoài được đề cập đến nhiều nhất.

Nhiều ý kiến cho rằng để đảm bảo đầy đủ quyền tự do lập hội của công dân, Quốc hội chưa nên thông qua dự thảo Luật Về hội.

'Chúng ta đang giằng xé'

Trong lịch sử lập pháp, có lẽ đây là luật được nâng lên đặt xuống nhiều nhất.

Nhưng nhìn về lịch sử, 70 năm trước, quyền lập hội được đưa vào hiến pháp; 60 năm trước sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa quyền lập hội thành văn bản pháp luật.

Năm 2006, lần đầu tiên một dự thảo luật về quyền này mới được đưa ra, rồi lại xếp lại, đến mươi mười lăm lần.

Lần này chúng ta đưa ra dự thảo trên tinh thần hiến pháp 2013, sau khi đã có những luật liên quan đến quyền con người như Luật Trưng cầu ý dân. Những cố gắng của chúng ta để thể chế hóa quyền con người là nỗ lực lớn nhưng lại không đơn giản.

Đại biểu Dương Trung Quốc.

Đứng trước một đạo luật khó thế này, tâm thế chúng ta vẫn bất ổn. Làm luật để thúc đẩy hay giữ sự an toàn? Sự an toàn là cần thiết cho phát triển nhưng làm luật là để quyền con người được đi vào cuộc sống. Còn giữ sự an toàn chúng ta có cả một hệ thống luật pháp.

Khi chúng ta bàn chi tiết từng điều luật tức là chúng ta đang giằng xé giữa quyền của người dân và yêu cầu đảm bảo sự ổn định. An toàn là cần thiết, chế tài để ngăn chặn tiêu cực là cần thiết nhưng điều quan trọng nhất lại là quyền lập hội của con người.

Nên ngay cả tên của luật, lẽ ra chúng ta phải gọi chính xác là Luật Về quyền lập hội nhưng chúng ta lại gọi đó là Luật Về hội. Vì thế, chúng ta sa đà vào những vấn đề kỹ thuật chứ không phải những vấn đề chính yếu.

Có những định nghĩa, ngay ở Điều 4 của dự thảo, nội hàm của nó đã loại trừ các đối tượng đã có rồi, những điều sau lại lặp lại. Rồi vấn đề liên kết, nguồn lực bên ngoài chúng ta cũng lúng túng...

Các hội, bản chất của chữ “hội” có ý nghĩa là tập hợp nhau lại. Chúng ta yếu ở chỗ không tạo ra những bộ luật gắn kết cộng đồng và hướng đến những điều tích cực. Nếu đặt vấn đề như thế thì sẽ tốt. Nếu chỉ đặt vấn đề đảm bảo an ninh thì phải xem lại dự thảo luật này.

Tôi rất muốn luật này ra đời càng sớm càng tốt nhưng nếu thông qua tại kỳ họp này thì không nên.

Đại biểu DƯƠNG TRUNG QUỐC (Phát biểu tại phiên thảo luận chiều 25-10).

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/chinh-tri/dai-bieu-dau-tien-thuc-hien-quyen-tranh-luan-tai-qh-660827.html