Đại biểu chất vấn Bộ Công Thương về tình trạng phân bón giả tràn ngập thị trường

Câu chuyện phân bón giả tràn ngập thị trường trong một thời gian dài ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sản xuất của người nông dân là chủ đề được nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh sáng 15/11.

Đại biểu Võ Đình Tín (Đăk Nông) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về tình trạng hàng giả hàng không rõ nguồn gốc ngày càng nhiều nhất là phân bón nhập lậu, phân bón giả, có hiện tượng cơ sở sản xuất phân bón giả tại tỉnh này mang sang bán cho tỉnh kia với giá rẻ hơn, sử dụng nhiều phương thức tinh vi.

Trả lời câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết hiện nay trên cả nước có hơn 60 công ty tổ hợp sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng có bán tại 48 tỉnh.

Hơn 60 công ty đang bán phân bón giả, phân bón kém chất lượng

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết về hàng lậu hàng giả, liên quan tới lĩnh vực phân bón đã tồn tại lâu và nhức nhối với quy mô lớn trên thị trường, ảnh hưởng tới đời sống KTXH của bà con nông dân và môi trường, môi trường kinh doanh là thực tế.

Vì sao hành vi sản xuất hàng phân bón giả ngày càng nhiều, Bộ trưởng Công Thương cho biết hiện đang có sự chồng chéo về mặt quản lý, hai Bộ cùng quản lý về phân bón.

"Quản lý phân bón vô cơ là Bộ Công Thương còn quản lý phân bón hữu cơ là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT). Trên thực tế hai bộ cùng tham gia quản lý trong khi phân bón đa dạng nhiều loại hình, lại có sự trộn lẫn giữa phân bón vô cơ và hữu cơ, rồi phân bón vi lượng dẫn đến có sự chồng chéo hai cơ quan, hiệu lực quản lý không đảm bảo", Bộ trưởng thừa nhận.

Quản lý phân bón đang có tình trạng cắt khúc chia đôi giữa hai Bộ.

Bộ trưởng cho biết hai Bộ đã nhiều lần phối hợp bàn thảo, kiến nghị cấp trên giao 1 cơ quan quản lý mặt hàng phân bón. Bên cạnh đó tăng cường hoạt động đấu tranh phòng chống hàng giả; sớm xây dựng khuôn khổ pháp lý đặc biệt về quy chuẩn, tiêu chuẩn để phát triển bền vững ngành hàng này.

Một nguyên nhân khác, theo Bộ trưởng là hiện Việt Nam có quá nhiều loại phân bón. Bộ NNPTNT hiện hợp quy cho 5000 loại phân bón hữu cơ, còn Bộ Công Thương cũng có hơn 5700 hợp quy khác cho phân bón vô cơ.

“Quá nhiều loại nên không thể kiểm soát, kiểm tra hết do không có đủ lực lượng. Mặt khác, nhiều loại phân bón hàm lượng định lượng không đảm bảo, khiến người dân phải tiêu thụ các sản phẩm phân bón giả, ảnh hưởng nặng tới mùa màng, môi trường”, Bộ trưởng cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT đã có báo cáo gửi Chính phủ, đề nghị giao trách nhiệm quản lý phân bón một cơ quan duy nhất quản lý Nhà nước trong lĩnh vực phân bón. Các bộ ngành liên quan phải giới hạn lại phân bón trên thị trường Việt Nam.

“Thực tế, ở các nước khác như Thái Lan cũng chỉ có hơn 100 loại phân bón được lưu hành”, Bộ trưởng dẫn chứng.

Phản biện lại trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nói: "Tôi cũng đã chất vấn xuyên qua hai nhiệm kỳ Quốc hội. Thiệt hại về phân bón giả cho nền nông nghiệp và nông dân là rất lớn. Vừa qua chúng ta phát hiện việc cấp khống hợp chuẩn phân bón hữu cơ tại Bộ NNPTNT. Các chuyên gia cho rằng cho tới 40% phân bón vô cơ là giả. Trách nhiệm của bộ quản lý nhà nước ra sao và các giải pháp Bộ trưởng đưa ra để hạn chế thiệt hại cho nông dân? Đề nghị Bộ trưởng Bộ NNPTNT tham gia trả lời.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu, không phù hợp, xây dựng hệ quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia để bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng và vấn đề môi trường. Trước mắt, ngoài việc hoàn thiện hệ thống quy chuẩn để gửi Bộ KH&CN thẩm định, sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT để quản lý lĩnh vực này cũng như giao cho các địa phương kiểm tra xử lý các sai phạm.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/dai-bieu-chat-van-bo-cong-thuong-ve-tinh-trang-phan-bon-gia-tran-ngap-thi-truong-20161115100725120p0c4.news