Đại án VNCB: Tổng giám đốc chỉ mới học lớp 7

Phạm Công Danh đã lập ra nhiều Công ty "ma" rồi bổ nhiệm những người thân quen làm giám đốc. Sau đó, các Công ty này thực hiện các họp đồng với VNCB để rút tiền ra ngoài tránh sự kiểm soát của tổ giám sát NHNN.

Bất ngờ về năng lực tài chính của Ngân hàng Trust Bank

Đứng trước vành móng ngựa, Phan Thành Mai – nguyên Tổng giám đốc của VNCB cho biết, quen Phạm Công Danh vào cuối năm 2011. Đầu năm 2012, được Danh mời về để tái cơ cấu lại Ngân hàng Trust Bank.

“Khi đó bị cáo Danh đưa ra ý tưởng sử dụng các doanh nghiệp liên quan đến xây dựng để thành lập một Ngân hàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp bất động sản. Thấy đó là ý tưởng hay nên bị cáo rất tâm huyết và lao vào viết đề án”, Mai nói trước HĐXX.

Phan Thành Mai là người đưa ra sáng kiến nâng cấp hệ thống Corebanking để lấy tiền ra mà tránh được sự giám sát của tổ giám sát NHNN.

Tuy nhiên, khi về Ngân hàng này, Mai vô cùng sốc trước năng lực tài chính hiện tại của Trust Bank. Vào tháng 7/2012, lỗ lũy kế của Ngân hàng 6.000 tỷ, vốn sở hữu thực âm 2.500 tỷ, tổng dư nợ cho vay 11.000 tỷ và có đến 95% là nợ khó đòi.

Cũng theo Mai, vào thời điểm đó, nếu như khách hàng rút số tiền khoảng 25 tỷ đồng thì Trust bank phải mất 3 ngày huy động toàn bộ hệ thống để chi trả.

“Đối với bị cáo, cái sốc lớn nhất không phải là số liệu lỗ mà là tiền chăm sóc khách hàng để duy trì tiền mặt và tiền gửi. Các giám đốc chi nhánh luôn kêu ca vì không có tiền chăm sóc cho khách hàng”, Mai trình bày.

Bị can Phạm Công Danh

Mai cũng cho biết, vào thời điểm đó, tiền chi cho chăm sóc khách hàng là luật bất thành văn của các Ngân hàng yếu kém với mục đích thu hút tiền gửi trong dân. Ngoài lãi suất NHNN quy định, các ngân hàng cạnh tranh nhau phải trả một khoản lãi suất bên ngoài từ 7 đến 10% theo từng thời điểm khác nhau. Với cách này, trung bình một quý Trust Bank thu 3.000 đến 4.000 tỷ đồng tiền gửi của dân.

Theo lời Mai, Phạm Công Danh đã phải bỏ tiền túi để duy trì hoạt động của Trust Bank. Tuy nhiên một doanh nghiệp không thể nào một mình "nuôi" Ngân hàng, Danh đã yêu cầu tìm mọi cách để có tiền cứu Ngân hàng.

“Vào tình hình lúc đó, bị cáo mới nghĩ ra cách nâng cấp hệ thống Corebanking để lấy tiền ra mà tránh được sự giám sát của tổ giám sát NHNN. Sau khi giải quyết được khủng hoảng lúc đầu thì sau này có tiền sẽ trả lại”, Mai nói.

Đưa xuống là ký và không biết gì ?

Khai trước tòa, Phạm Việt Thép - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và TM JSC An Phát cho biết, Công ty được lập ra nhưng không có bất cứ hoạt động nào. Không có bộ máy nhân sự, không phát hành hóa đơn, không có bất cứ hoạt động kinh doanh gì nên vào thời điểm đó năng lực thực hiện hợp đồng với VNCB là không có.

Cũng theo Thép, không biết mục đích lập Công ty ra để làm gì. Họp đồng với VNCB được Phạm Thị Trang (còn gọi là Trang phố núi, hiện tại đang ở Mỹ) đưa về cho ký.

“Khi nhận đủ 63,276 tỷ đồng, thì bị cáo và Công ty không sử dụng mà ký giấy chuyển tiền cho Nguyễn Quỳnh Thùy Trang là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh. Bị cáo là nhân viên của VNCB chi nhánh Lam Giang nên chỉ ăn lương ở đây. Còn chức danh giám đốc không hề có lương”, Thép cho hay.

Tương tự, Trần Văn Bình - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Trung Dung cho biết, vốn là nhân viên lái xe cho tập đoàn Thiên Thanh từ năm 2009. Được Phạm Công Danh bổ nhiệm làm giám đốc và được trả lương 10 triệu tháng.

“Bị cáo chỉ mới học tới lớp 7, không biết chức năng của Công ty lập ra để làm gì. Khi lãnh đạo cấp trên và kế toán đưa xuống thì chỉ biết ký. Bản thân của bị cáo cũng không biết Công ty có tiền hay không. Khi ký bị cáo cũng không biết đó là giấy tờ gì”, Bình cho biết.

Phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và các đồng phạm kéo dài trong vòng một tháng.

Quang Bình

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/dai-an-vncb-tong-giam-doc-chi-moi-hoc-lop-7-d44068.html