Đại án Vinashinlines: Kê biên tài sản 'khủng', 3 đơn vị 'đòi' tiền

Sau 2 ngày xét xử vụ Giang Kim Đạt và đồng phạm, chiều nay, HĐXX cấp phúc thẩm đã quyết định không chấp nhận kháng cáo kêu oan của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm về mức án và tội danh.

HĐXX tuyên tử hình đối với bị cáo Trần Văn Liêm (nguyên TGĐ Vinashinlines) và Giang Kim Đạt (nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh) tội Tham ô tài sản; án chung thân dành cho bị cáo Trần Văn Khương (nguyên Kế toán trưởng) tội Tham ô tài sản và mức án 12 năm tội Rửa tiền dành cho bị cáo Giang Văn Hiển (bố Giang Kim Đạt).

HĐXX đưa ra nhận định cho rằng, hành vi của bị cáo Liêm là đặc biệt nghiêm trọng, chỉ trong 2 năm bị cáo đã chiếm đoạt số tiền lớn, dẫn đến doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, Vinashinlines phải làm đơn xin phá sản.

Các bị cáo tại tòa

Quá trình điều tra, bị cáo Liêm nhận trách nhiệm nhưng không nhận tội là không thành khẩn. Bị cáo đã nộp số tiền là một phần nhỏ trong thiệt hại toàn bộ vụ án. Có áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ là có nhiều thành tích, gia đình có công..., vẫn phải áp dụng hình phạt cao nhất như cấp sơ thẩm đã tuyên.

Đối với bị cáo Đạt, khi xét hình phạt của bị cáo này, cấp sơ thẩm đã xem xét, song với tính chất và hành vi đặc biệt nghiêm trọng, cộng với việc khai báo không thành khẩn, thể hiện bị cáo không ăn năn hối hận, việc cấp sơ thẩm tuyên án tử hình là đúng.

Bị cáo Khương: cấp sơ thẩm xác định đã nhận 110.000 USD là có cơ sở, phù hợp với lời khai của Liêm.

Bị cáo Hiển: Cơ quan điều tra chuyển bị cáo sang tội Rửa tiền với bị cáo là đúng.

3 đơn vị "đòi tiền"

Vị Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm cho hay, đây là vụ án tham nhũng có số tài sản kê biên được lớn nhất từ trước đến nay.

Tài liệu điều tra cho thấy, trong số hơn 15 triệu USD Giang Kim Đạt chiếm đoạt được, phần lớn anh ta gửi về cho bố đẻ là Giang Văn Hiển. Ông Hiển đã rút số tiền này ra để mua 40 bất động sản và nhiều ô tô.

Sau khi Giang Kim Đạt bị bắt theo lệnh truy nã, cơ quan điều tra đã kê biên 37 nhà đất và 2 xe ô tô. Đây là khối tài sản lớn, khi sau khi phát mại có thể giúp khắc phục được hậu quả vụ án.

Chính vì vậy, trước và sau phiên tòa sơ thẩm, có tới 3 đơn vị cùng có đơn đòi bồi thường, dân sự.

Bản án sơ thẩm cho rằng, thời điểm xảy ra hành vi phạm tội, toàn bộ nguồn vốn thực hiện các hợp đồng mua tàu, khai thác kinh doanh cho thuê tàu là thuộc nguồn vốn của Tập đoàn Vinashin. Đến thời điểm hiện tại, Vinashinlines còn nợ Tập đoàn Vinashin gần 49 triệu USD và hơn 73 tỷ đồng tiền mua tàu.

Mặc dù đến nay Vinashinlines chuyển trực thuộc Vinalines và nhận nợ nguyên trạng của Vinashinlines, nhưng Vinashinlines vẫn còn nợ của Vinashin, do đó HĐXX cấp sơ thẩm xác định nguyên đơn dân sự theo quy định của pháp luật là Vinashin. Đề nghị Vinashin sau khi nhận được số tiền bồi thường thiệt hại phải có trách nhiệm đối trừ công nợ với Vinashinlines.

Đại diện VKS cấp phúc thẩm cho rằng, vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Vinashinlines, 3 con tàu mua về và 9 con tàu cho thuê thuộc sở hữu của Vinashinlines, nên Vinashinlines phải được xác định là trực tiếp bị thiệt hại. VKS đề nghị chấp nhận kháng cáo của Vinashinlines, đề nghị xác định lại tư cách thiệt hại thuộc Vinashinlines.

Về vấn đề này, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, kháng cáo của Vinashinlines đòi xác định là nguyên đơn dân sự, nên các bị cáo phải bồi thường cho Vinashinlines mới phù hợp.

Tuy nhiên, khi các bị cáo thực hiện tội phạm, toàn bộ tiền mua tàu là do Vinashin vay và đầu tư cho Vinashinlines, hiện tại các con tàu đều được thế chấp. Trong khi đó tiền mua tàu từ nguồn trái phiếu Chính phủ, HĐXX buộc các bị cáo bồi thường trực tiếp cho Vinashin.

Tiếp tục kê biên nhà đất và các tài sản của các bị cáo để khấu trừ vào số tiền mà các bị cáo phải bồi thường. Nếu còn thừa, tịch thu sung công quỹ Nhà nước.

T.Nhung

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ky-su-phap-dinh/dai-an-vinashinlines-ke-bien-tai-san-khung-3-don-vi-doi-tien-393605.html