Đại án Huỳnh Thị Huyền Như: Làm rõ số tiền 1.085 tỷ đồng

Trong vòng 4 tháng từ tháng 5/2011 - 9/2011, Như cùng đồng phạm chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng của 5 công ty.

Báo Thanh niên thông tin, liên quan đến đại án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản , ngày 6/12, Viện KSND tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố 12 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Nam Việt (Navibank, nay đã được tái cơ cấu và đổi tên) và Ngân hàng TMCP Công thương VN (Vietinbank) chi nhánh TP.HCM về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cụ thể: Huỳnh Thị Huyền Như, Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh (CN) Nhà Bè, TP.HCM) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lê Quang Trí, nguyên Tổng giám đốc Navibank; Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hồng Sơn (cùng nguyên phó tổng giám đốc); Phạm Thị Thu Hiền, nguyên trưởng phòng pháp chế; Nguyễn Ngọc Oanh, nguyên trưởng phòng quản lý rủi ro; Trần Thanh Bình, nguyên trưởng phòng quan hệ khách hàng; Đinh Thị Đoan Trang, nguyên trưởng phòng dịch vụ khách hàng; Đoàn Đăng Luật, nguyên trưởng phòng kinh doanh tiền tệ; Huỳnh Vĩnh Phát, nguyên trưởng phòng kế toán đều bị truy tố tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Huyền Như tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: báo Thanh niên

Ngày 7/1/2015, TAND tối cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm, đã hủy một phần của bản án sơ thẩm ngày 27/1/2014 của TAND TP.HCM xét xử để Cơ quan CSĐT - Bộ Công an làm rõ hành vi “tham ô tài sản” của Như và làm rõ vai trò đồng phạm của Võ Anh Tuấn trong việc chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng trên tài khoản tiền gửi của 5 công ty gồm: TMCP đầu tư Hưng Yên, CP đầu tư và thương mại An Lộc, CP bảo hiểm Toàn Cầu, CP chứng khoán Saigonbank - Berjaya (SBBS) và CK Phương Đông.

Theo báo Tiền Phong, kết quả điều tra lại xác định, trong thời gian từ tháng 5/2011 đến tháng 9/2011, Huỳnh Thị Huyền Như lấy danh nghĩa đi huy động tiền gửi cho Vietinbank - Chi nhánh Nhà Bè, Vietinbank - Chi nhánh TPHCM và đã trực tiếp gặp, thỏa thuận với người môi giới, người đại diện của 5 Cty nêu trên để các Cty này gửi tiền vào Vietinbank hưởng lãi suất cao vượt trần trái quy định của nhà nước.

Để dụ các Cty này, khi tiếp xúc với đại diện đơn vị, người môi giới, Huỳnh Thị Huyền Như đã cam kết ngoài trả lãi suất theo quy định 14%/năm còn trả thêm phí cho người môi giới, tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, thực tế phần trả thêm, bị can Như sử dụng tiền cá nhân để trả.

Khi các đơn vị chuyển tiền vào tài khoản thanh toán của họ mở tại Vietinbank, Như đã lập các chứng từ, ký giả chữ ký của các chủ tài khoản, sử dụng quyền hạn là kiểm soát viên, trưởng phòng giao dịch để thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của các đơn vị tại Vietinbank đi trả nợ cá nhân với tổng số tiền mà Như lừa đảo chiếm đoạt được của 5 Cty nêu trên là hơn 1.085 tỷ đồng.

Đối với bị can Võ Anh Tuấn được xác định là đồng phạm của Huyền Như trong phi vụ lừa đảo Cty Hưng Yên. Cụ thể, Tuấn cùng với Huyền Như ra Hà Nội gặp đại diện của Cty Hưng Yên để giúp đỡ Như huy động tiền của Cty này; Tuấn biết Như có hành vi gian dối, lấy tên giả, lấy danh nghĩa cán bộ của Vietinbank - Chi nhánh Nhà Bè để đi huy động vốn nhưng đã để mặc. Qua đó, Như đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Cty Hưng Yên hơn 200 tỷ đồng; còn Tuấn cũng được hưởng lợi 10 tỷ đồng từ việc lừa đảo của Như.

Tại phiên xét xử phúc thẩm trước đó, đại diện Viện kiểm sát cho rằng số tiền của các Cty đã được gửi vào hệ thống của Vietinbank, do đó Như chiếm đoạt số tiền này là chiếm đoạt tiền của Vietinbank chứ không phải lừa đảo của khách hàng và Huyền Như là người có chức vụ, quyền hạn tại Vietinbank nên hành vi của bị can này không phải lừa đảo mà là tham ô tài sản.

HĐXX chấp nhận ý kiến này của VKS và tại bản án của tòa phúc thẩm cũng nhận định Huyền Như có dấu hiệu của tội “tham ô tài sản”. Tuy nhiên quá trình điều tra lại, cơ quan tố tụng kết luận không có căn cứ để thay đổi tội danh từ tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sang tội “tham ô tài sản”.

Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009):

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

A) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;

B) Có tổ chức;

C) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

D) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/an-ninh-hinh-su/dai-an-huynh-thi-huyen-nhu-lam-ro-so-tien-1085-ty-dong-a173082.html