Đặc quyền sẽ thay đổi

Tái cơ cấu là quá trình phân bổ lại nguồn lực trên phạm vi quốc gia và toàn bộ nền kinh tế để nâng cao hiệu quả chung

Chính phủ vừa thông qua đề án Tái cơ cấu kinh tế (giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020) mà trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và hệ thống tài chính ngân hàng do Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) soạn thảo. Ngày 19-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về đề án này để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 5-2012.

Phân bổ lại nguồn lực

Theo Bộ KH-ĐT, tái cơ cấu là quá trình phân bổ lại nguồn lực trên phạm vi quốc gia và toàn bộ nền kinh tế để từng bước và liên tục nâng cao hiệu quả chung của nền kinh tế. Quá trình này nhằm hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn.

Tái cơ cấu kinh tế, doanh nghiệp Nhà nước sẽ không còn được ưu đãi riêng.
Trong ảnh: Công nhân Điện lực TPHCM cải tạo mạng lưới điện hạ thế. Ảnh: TẤN THẠNH
Cụ thể là đến năm 2020, tỉ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 85% GDP. Giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% trong tổng GDP; nông nghiệp có bước phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động…

Bộ KH-ĐT đã tập trung đề xuất 12 giải pháp chủ yếu để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trong đó có các giải pháp được các chuyên gia kinh tế chú ý, như hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh để huy động tối đa và không ngừng nâng cao hiệu quả đầu tư tư nhân trong và ngoài nước.
Tiếp tục mở cửa thị trường các ngành, lĩnh vực kinh doanh độc quyền tự nhiên hoặc do các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước giữ tỉ trọng chi phối. Hạn chế và tiến tới loại bỏ kiểm soát có hiệu quả vị thế độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường của các doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực đó.

Thay thế dần ngành thâm hụt lao động

Để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, Bộ KH-ĐT đã định hướng có hai loại ngành, sản phẩm ưu tiên phát triển. Đó là các ngành, sản phẩm hiện đang có lợi thế cạnh tranh và các ngành, sản phẩm được ưu tiên phát triển để xây dựng, bổ sung và nâng cao lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế trong giai đoạn 2016-2020.

Các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh được ưu tiên phát triển trong nông nghiệp gồm sản xuất và chế biến lúa gạo, cà phê, cao su, hạt điều, chế biến thủy hải sản, chế biến gỗ, hàng thủ công… Trong công nghiệp là các sản phẩm chế biến lương thực thực phẩm, may mặc, giày da, vật liệu xây dựng các loại, đóng tàu… Trong ngành dịch vụ có dịch vụ thương mại, xây dựng, khách sạn, tài chính ngân hàng…

Đề án cũng nhận định rõ việc lựa chọn các ngành, sản phẩm ưu tiên để xây dựng năng lực cạnh tranh là vấn đề khó khăn. Tuy vậy, đề án cũng đưa ra kiến nghị cụ thể các ngành, sản phẩm với tiêu chí đã và đang phát triển tại Việt Nam, có tiềm năng phát triển và có thị trường, có thể trao đổi được qua thương mại quốc tế. Đó là các ngành luyện kim, hóa dầu, đóng tàu và các phương tiện vận tải khác, điện tử, công nghiệp xanh và năng lượng tái tạo, dịch vụ logistics, dịch vụ du lịch…

Theo kế hoạch, các ngành này sẽ được phát triển thành ngành có lợi thế cạnh tranh cho giai đoạn tiếp theo để bổ sung cho các ngành có lợi thế cạnh tranh hiện tại. Đồng thời thay thế dần một số ngành thâm dụng nhiều lao động hiện nay như dệt may, giày da, chế biến gỗ và lâm sản khác…

5 đặc quyền của DNNN

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH-ĐT), các DNNN hiện nay có 5 đặc quyền, đặc lợi. Đó là không sợ phá sản ngay cả khi thua lỗ kéo dài; biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp (quyền biến thành tiền); khi “xin” thì có người “cho”; vay vốn không lo trả và ít bị kiểm tra giám sát. Nếu phân bổ lại nguồn lực, đặc quyền này sẽ bị thay đổi.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20120417091735206p0c1014/dac-quyen-se-thay-doi.htm