Đặc khu kinh tế là cái tổ cho Phượng Hoàng

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã từng ví von: "Đặc khu kinh tế là cái tổ cho Phượng Hoàng đến đẻ trứng. Nếu ta làm tổ cho gà thì sẽ không thể nào có phượng hoàng đến đẻ trứng được".

Vân Đồn, Quảng Ninh - đặc khu kinh tế. Ảnh: HV

Qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế so với nhu cầu phát triển.

Là 1 trong 3 nơi dự kiến phát triển thành đặc khu kinh tế hành chính đặc biệt, Phú Quốc hiện nay đang phát triển từng ngày. Càng nhiều dự án, càng bộc lộ những nút thắt về đất đai, muốn tháo để phát triển cũng không dễ.

Tính đến đầu năm nay, tổng số vốn đầu tư vào Phú Quốc là 16,7 tỷ USD. Tiềm năng thu hút đầu tư đã thấy rõ nhưng tiềm năng này còn phát triển hơn nữa nếu có một cơ chế vượt trội hơn.

Có thể thấy, thời hạn thuê đất 50 năm không đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn đầu tư lớn của nước ngoài khi họ muốn đầu tư vào Việt Nam. Nếu muốn đặc khu có ưu thế vượt trội thì phải có khung thể chế vượt trội.

Luật Đất đai hiện hành cho phép giao đất, cho thuê đất tối đa 70 năm đối với đất trong khu kinh tế, trong khi tại nhiều nước trên thế giới, thời hạn này đến 99 năm. Dự thảo Luật Đơn vị hành chính khu kinh tế đặc biệt đang được xây dựng. Đa số ý kiến cho rằng để tạo ưu thế vượt trội cho các đặc khu, dự thảo luật cần vượt trên các quy định hiện hành.

Theo các chuyên gia, đã là đặc khu là có tính chất đặc biệt, phải có những chính sách riêng, ưu đãi riêng, kể cả cơ chế về tài chính, thuế. Các nhà đầu tư quan tâm đến các chiến lược phát triển dài hơi, rõ ràng, đồng thời có cơ chế quản trị đối với các đặc khu kinh tế này.

Việt Nam đã nghiên cứu về đề xuất mô hình đặc khu hành chính kinh tế, dựa trên các mô hình tổng hợp đặc khu hành chính, khu kinh tế tự do và các mô hình tương tự ở 13 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Nhìn sang khu kinh tế Incheon của Hàn Quốc được xây dựng với mục tiêu biến nơi đây thành thỏi nam châm để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2016, tổng số vốn đầu tư tực tiếp nước ngoài vào Hàn Quốc trên 2,4 tỷ đô la Mỹ, trong đó Khu kinh tế Incheon thu được trên 1,5 tỷ đô la Mỹ, chiếm tới 65%.

Hàn Quốc đã ưu đãi cho Khu kinh tế Incheon là miễn giảm nộp thuế, 50% cơ sở hạ tầng gồm; Bến cảng, nước, điện… được Nhà nước chi trả.

Dự thảo Luật Đơn vị Hành chính khu kinh tế đặc biệt đang được các bộ, ngành soạn thảo. Về cơ bản, 3 đặc khu kinh tế đầu tiên sẽ là đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh. Tổ chức chính quyền địa phương gồm có: HĐND, UBND có 2 cấp, đồng thời sẽ nhất thể hóa chức danh bí thư kiêm chủ tịch UBND, giống mô hình thị trưởng của các đặc khu kinh tế trên thế giới. Một loạt chính sách ưu đãi về tiền tệ, ngân hàng, đất đai, giao thông… đang được tính đến.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đề án thành lập 3 đặc khu kinh tế, gồm: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang), sẽ được trình lên Quốc hội xem xét vào tháng 10 tới.

3 đặc khu kinh tế này được kỳ vọng sẽ thật sự khác biệt, vượt trội về thể chế. Nếu không làm được như vậy thì mô hình đặc khu kinh tế không thể phát huy được lợi thế, không thể trở thành phòng thí nghiệm thể chế hay tạo ra sức bật kinh tế có tính lan tỏa, đóng góp tăng GDP địa phương hàng tỷ USD mỗi năm như kỳ vọng.

Hạ Vy

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/thi-truong/dac-khu-kinh-te-la-cai-to-cho-phuong-hoang_t114c1067n122870