Đã thấy rõ sức ép tăng lãi suất

Maritimebank tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn 1 và 2 tháng, từ mức 5,05% lên 5,2%/năm; Oceanbank tăng lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 11 tháng, 12 tháng lên mức 7,3%/năm; OCB tăng lãi suất huy động lên cao nhất ở mức 7,8%...

Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước, tín dụng 2 tháng đầu năm đã tăng xấp xỉ 2% so với đầu năm, mức tăng này khả quan hơn so với cùng kỳ 2 năm trước đó với mức tăng chỉ quanh 0,6%.

Tuy nhiên, trong tháng 2, tín dụng lại giảm 0,1% so với cuối tháng 1. Điều này có thể là do thực tế rằng hầu hết các ngân hàng đều đẩy mạnh cho vay trong tháng 1, là thời gian giữa cuối năm dương lịch và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đặc biệt là đối với tăng cho vay đối với các ngành thương mại dịch vụ và đẩy mạnh các khoản vay hạn mức. Mặc dù có những lo ngại về thắt chặt thanh quản do kể từ tháng 12/2016 tăng trưởng cung tiền M2 chậm hơn so với tăng trưởng cho vay.

Cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn tiếp tục duy trì ổn định kể từ tháng 12/2014, trong đó tín dụng ngắn hạn chiếm 45% tổng tín dụng, còn lại tín dụng trung và dài hạn chiếm 55%. Do diễn biến tăng trưởng tín dụng khả quan trong khi thanh khoản hệ thống ngân hàng không quá dư thừa, mặt bằng lãi suất huy động cũng đã có sự nhích nhẹ tại khá nhiều ngân hàng thương mại, chủ yếu vẫn tập trung ở nhóm ngân hàng TMCP có quy mô vừa và nhỏ.

Cụ thể, Maritimebank tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn 1 và 2 tháng, từ mức 5,05% lên 5,2%/năm; Oceanbank tăng lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 11 tháng, 12 tháng lên mức 7,3%/năm; OCB tăng lãi suất huy động lên cao nhất ở mức 7,8%... Bên cạnh đó, lãi suất tăng còn do các ngân hàng đang cân đối, sắp xếp lại cơ cấu nguồn vốn khi quy định trong Thông tư 06 về giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 60% xuống mức 50% chính thức có hiệu lực kể từ đầu năm 2017. Ngoài ra, áp lực lạm phát tăng ngay trong hai tháng đầu năm (tổng mức tăng là 0,7%) cũng là nhân tố buộc các ngân hàng phải xem xét điều chỉnh biểu lãi suất khi kỳ vọng của người gửi tiền thay đổi. Nhân tố cuối cùng chính là áp lực bên ngoài đến từ lộ trình tăng lãi suất của FED.

Ngân hàng Nhà nước đã cố gắng giữ vững các cam kết trong việc ổn định lãi suất lâu nhất có thể, nhưng loạt nhà băng rục rịch tăng lãi suất huy động thời gian gần đây dấy lên lo ngại về việc lãi suất cho vay sẽ tăng theo.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng lãi suất huy động tăng sẽ khiến lãi suất cho vay tăng do các ngân hàng cố gắng giữ vững chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động. Theo đó, các ngân hàng có thể cải thiện được tỷ lệ lãi cận biên nhờ dùng vốn huy động kỳ hạn ngắn cho vay kỳ hạn dài có lãi suất cho vay tăng. Trên thực tế không phải ngân hàng nào cũng làm được điều này do yêu cầu về hệ số an toàn hoạt động. Các ngân hàng như tận dụng được tình hình tài chính tốt để đẩy mạnh cho vay và đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ sẽ giành thêm thị phần từ diễn biến này.

Vietcombank và ACB có vẻ là hai ngân hàng bám sát xu hướng ngành với tăng trưởng tín dụng tăng tốc và tăng trưởng huy động thấp hơn. Từ đầu năm tín dụng của Vietcombank tăng khoảng 3,5% trong khi huy động tăng khoảng 2,2%. Tín dụng từ đầu năm của ACB tăng tín dụng khoảng 4%, huy động tăng khoảng 3%.

Dự kiến sau quyết định tăng lãi suất ngày 15/03 vừa qua, FED sẽ có thêm hai lần tăng lãi suất nữa trong năm nay và ba lần nữa trong năm 2018. Nếu trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ trong nước vẫn duy trì ở mức 0%, rất có thể dòng kiều hối và đầu tư gián tiếp có thể sẽ có sự đảo chiều ở mức nhất định. Hệ quả là tỷ giá sẽ lại biến động và nếu muốn ngăn điều này xảy ra, lãi suất tiền Đồng phải ở mức đủ hấp dẫn để người gửi tiền vẫn nắm giữ VND bất chấp kỳ vọng biến động tỷ giá.

Do vậy, các chuyên gia cho rằng sức ép tăng lãi suất trong năm nay sẽ lớn hơn so với năm 2016. Tuy vậy, sức ép này có thể sẽ không quá lớn nếu diễn biến tăng CPI trong các tháng tới hạ nhiệt và lộ trình tăng lãi suất của FED vẫn đúng theo dự kiến.

Ngân Giang

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/da-thay-ro-suc-ep-tang-lai-suat-post223768.info