Đa số ĐBQH tán thành với sự cần thiết của Luật Quản lý ngoại thương

Trong chương trình làm việc kỳ họp thứ 2, hôm nay 27/20, sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, Quốc hội thảo luận tại tổ về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý ngoại thương.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ

Theo đó, đa số các đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật quản lý ngoại thương là cần thiết, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ điều chỉnh hoạt động ngoại thương.

Theo Tờ trình dự án Luật quản lý ngoại thương, Luật Thương mại 2005 và các văn bản pháp luật có liên quan chưa thể hiện rõ yêu cầu hội nhập, công tác quản lý nhà nước về ngoại thương chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra; những bất cập của hệ thống pháp luật ngoại thương hiện hành và những yêu cầu về hoàn thiện pháp luật về ngoại thương bao gồm: sự trùng lắp, chồng chéo với các luật khác; sự minh bạch chưa cao; tính ổn định, dự báo còn thấp. Do đó, việc xây dựng một đạo luật về quản lý ngoại thương có tính định hướng rõ ràng, phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước, ổn định, minh bạch, thống nhất, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế là cần thiết.

Đa số các đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật quản lý ngoại thương nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ điều chỉnh hoạt động ngoại thương; tăng cường công cụ quản lý nhà nước về ngoại thương, đảm bảo minh bạch, hiệu quả, phù hợp với các cam kết quốc tế. Việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, góp phần hoàn thiện chính sách phát triển ngoại thương, tạo lập chính sách phòng vệ thương mại linh hoạt và phù hợp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý hoạt động ngoại thương, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện.

Tại tổ 7 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, Cà Mau, Bắc Giang, các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát sự phù hợp của dự án Luật với Hiến pháp, các văn bản pháp luật khác có liên quan, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên bảo đảm quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị, cần quy định rõ nguyên tắc áp dụng, nếu không cẩn thận sẽ có xung đột với các đạo luật đã ban hành; tránh có sự mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác.

Tại tổ số 19 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội Lâm Đồng, Khánh Hòa, Kiêng Giang, các đại biểu đề nghị làm rõ hơn nữa một số khái niệm trong phần giải thích từ ngữ; đồng thời, các khái niệm còn nằm rải rác trong khắp các điều của dự án Luật cần được gom hết về một chương giải thích từ ngữ.

Đại biểu Nguyễn Khắc Định (Khánh Hòa) đề nghị làm rõ định nghĩa về xuất khẩu, nhập khẩu, bổ sung giải thích từ ngữ sau: biện pháp quản lý ngoại thương, biện pháp hành chính, biện pháp quản lý xuất khẩu, nhập khẩu để thống nhất trong thực hiện.

Tại tổ số 13 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, Lào Cai, Hà Giang và Quảng Trị , một số đại biểu cho rằng cần phân định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện; đề nghị quy định phân cấp cho các tỉnh, thành phố thực hiện một số trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động ngoại thương, tránh tình trạng quản lý không thống nhất, chồng chéo, thiếu đầu mối, trách nhiệm không rõ ràng. Về nguyên tắc áp dụng pháp luật tại Điều 4, có ý kiến cho rằng cần tiếp tục rà soát, làm rõ dẫn chiếu áp dụng pháp luật về hoạt động ngoại thương và chính sách ngoại thương đối với các đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt.

Ngoài những vấn đề nêu trên, một số ý kiến khác góp ý cụ thể về từ ngữ, câu chữ và kỹ thuật văn bản; đề nghị cần có những quy định cụ thể về hoạt động mua bán trao đổi của cư dân khu vực biên giới.

N.Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/da-so-dbqh-tan-thanh-voi-su-can-thiet-cua-luat-quan-ly-ngoai-thuong-post212494.info