Đa Phước trả lại 2000 tấn rác cho TP.HCM: Chuyên gia hỏi khó

''Vì sao để VWS làm chứ không phải là công ty khác? Tôi biết cách đây 2 năm thì câu chuyện này đã được đưa ra, nhưng bây giờ lại tiếp tục được đăng lên, đã đến lúc cần có câu trả lời cụ thể".

Xem lại cam kết

Tiếp tục bàn luận về việc Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) - chủ đầu tư bãi rác Đa Phước đã gửi văn bản đến Thành ủy, HĐND, UBND TP HCM và Sở Tài nguyên - Môi trường muốn tạm ngưng tiếp nhận 2.000 tấn rác (trong 5.400 tấn mỗi ngày) của thành phố.

PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, TP.HCM đang rất cần các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực môi trường, giao thông, nên việc các công ty có vốn nước ngoài như VWS đầu tư thành phố rất khuyến khích.

Thế nhưng, trong chuyện đầu tư phải có thanh tra, kiểm soát; lâu nay với nhà nước nói chung, TP.HCM nói riêng, việc này không được thực hiện. Điều này dẫn đến nhiều ý kiến cho rằng, chủ đầu tư bãi rác Đa Phước, cũng như một số bãi rác khác, chúng ta không biết họ có đầu tư theo đúng công nghệ đăng ký kinh doanh hay chưa, số vốn đưa ra cho công nghệ ra sao.

Bãi rác Đa Phước. Ảnh: Zing

''Rác thải đem đi chôn rất đơn giản, nhưng cái khó là đầu tư, tái tạo năng lượng, giảm khối lượng rác đi, từ xưa ông bà ta cũng đã làm, nhưng vừa qua bãi rác Đa Phước làm việc này chưa hoàn chỉnh, chưa tuân thủ đúng cam kết đầu tư.

Vì thế, với sự việc lần này cần thanh tra, giám sát, kiểm tra cho rõ ràng, xem họ có làm đúng hay không, xem cam kết với chủ đầu tư thế nào. Không ít trường hợp DN ký cam kết với thành phố, nhưng không thực hiện được, cam kết mà quên luôn, cái này cần cả hai bên, đánh giá khách quan.

Khi chủ đầu tư nói không nhận 2000 tấn rác thì chắc hẳn cũng có lý do, về góc độ thành phố cũng có cái khó của mình, tự nhiên 2000 tấn rác không có xử lý thì cũng không biết đưa đi đâu.

Tất nhiên trong quá trình đầu tư, thì cả người đầu tư và người chủ phải có cam kết, thực hiện đúng theo cam kết đó. Nếu đúng cam kết, Đa Phước đùng một cái từ chối là không được, nhưng cũng không biết trong cam kết có điều kiện gì thành phố không thực hiện được không?", ông Hòa nêu quan điểm

Theo TS. Hòa, cần phải xem lại cam kết, không có bên nào sai, thì việc thực hiện không đúng, tạm ngưng không nhận rác của Đa Phước là sai, là "ép ngược" lại thành phố. Làm việc gì cũng phải thực hiện theo đúng pháp luật, đúng cam kết với nhau. Nếu cam kết cả hai bên đều làm đúng hết, mà tự nhiên chủ đầu tư thay đổi thì sẽ xử lý ngay, phải đền bù thiệt hại.

''Theo tôi được biết, cam kết này không phải chung chung mà là cam kết có tiến độ thời gian, tiền đầu tư, công nghệ xử lý, từ đó mới biết ai đúng, ai sai.

Còn nếu chỉ là dư luận chung thì chưa thể giải quyết vấn đề, cần phải thanh tra, kiểm tra từ Chính phủ, chính quyền thành phố, để xem hai bên thống nhất ra sao, vì sao lại trả lại rác'', vị chuyên gia lưu ý.

Nuông chiều quá mức?

Bàn luận đến quyết định của TP.HCM về việc yêu cầu VWS vẫn phải tiếp nhận toàn bộ lượng rác của TP.HCM như cam kết, và có hay không chuyện TP.HCM đang chấp nhận bị doanh nghiệp o ép, không thể xử lý việc doanh nghiệp làm sai, không đảm bảo yếu tố môi trường sau khi xử lý rác, PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa cho rằng:

''Đây là 2 việc tách rời nhau, chủ đầu tư nếu làm sai công nghệ, kỹ thuật thì chấp nhận phạt, xử lý hết mùi hôi đó. Không ai chấp nhận việc đầu tư xong có mùi, chuyện này là phi lý.

Còn TP.HCM đưa ra quyết định không cho phép Đa Phước trả lại 2000 tấn rác, họ cũng có cái lý của mình. Đa Phước không có cơ sở nào để không tiếp nhận số rác đó, nên TP.HCM ép lại, họ phải nhận.

Thực chất, vấn đề ở đây không chỉ là nhận rác hay không nhận rác, mà đằng sau còn vấn đề gì đó chưa rõ ràng. Thậm chí, cả chuyện thay đổi lãnh đạo, mỗi thời kỳ một cách, trước đây chấp nhận lỗi đó, giờ thì không. Chúng ta phải nhìn vấn đề ở nhiều chiều, chỉ ra được cái sai, cái đúng''.

Trước một số ý kiến cho rằng, trong cơ chế thị trường với nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực xử lý rác thải nhưng TP.HCM có vẻ như vẫn bị phụ thuộc vào VWS, từ đó mới nảy sinh tình huống đưa đi đẩy lại, ông Hòa nhấn mạnh:

''Việc này lâu nay tôi đã từng nói rất nhiều, trong đầu tư phải có sự cạnh tranh để tránh độc quyền, TP.HCM lựa chọn VWS cũng có cái lý của mình. Thế nhưng sẽ đuối lý khi các nhà đầu tư khác thắc mắc vì sao không được ưu ái như vậy, có công nghệ mới, đầu tư tập trung không dàn trải, cái này cần phải kiểm tra lại.

Từ đó trả lời câu hỏi vì sao để VWS làm chứ không phải là công ty khác? Tôi biết cách đây 2 năm thì câu chuyện này đã được đưa ra, nhưng bây giờ lại tiếp tục được đăng lên, đã đến lúc cần có câu trả lời cụ thể".

Nhìn nhận về việc xử lý rác thải của các đô thị trên thế giới, PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa cho biết, cách xử lý rác thải của các nước rất đa dạng, thường thì chuyện xử lý trong đô thị rất nhiều dịch vụ. Chính quyền đô thị sẽ tính toán, các thời kỳ đầu tư vốn, mời các nhà thầu tư nhân vào đầu tư. Khi đó, nhà nước sẽ thừa sức đầu tư chuyện xử lý rác để tiết kiệm hơn.

''Cái chính là các nước đều phải công khai, minh bạch rõ ràng, theo đúng tiêu chí nền kinh tế thị trường, từ tiêu chí chọn nhà thầu, hợp đồng cam kết giữa chính quyền và nhà đầu tư.

Còn ở Việt Nam chúng ta đã công khai minh bạch, rõ ràng hay chưa. Phần lớn là chưa, úp úp mở mở, không cạnh tranh lành mạnh, thì làm sao tốt được.

Đất nước muốn phát triển, muốn thoát nghèo, muốn thoát khỏi mức thu nhập trung bình, nhất là thành nước phát triển thì cái chính phải công khai, minh bạch rõ ràng từ những việc nhỏ nhất.

Chúng ta muốn tốt, nhưng lại ủng hộ cho hình thức đầu tư chộp giật thì chỉ chết, công khai minh bạch thì sẽ vượt qua tất cả'', Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM khẳng định

Hà Vũ

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/thoi-su/tin-tuc/da-phuoc-tra-lai-2000-tan-rac-cho-tphcm-chuyen-gia-hoi-kho-85114/