Đà Nẵng: Yêu cầu báo cáo các điểm kinh doanh du lịch lấn biển trái phép

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, sở vừa yêu cầu Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng báo cáo việc tổ kinh doanh Phước Mỹ xây dựng trái phép quầy dịch vụ bên ngoài phạm vi cho phép, lấn ra khu vực bãi biển.

Người dân phát hiện công trình sai phạm ngay khi tổ kinh doanh Phước Mỹ xây dựng phần móng (Ảnh Ngời dân cung cấp)

Trước đó, người dân thông tin, tổ kinh doanh Phước Mỹ xây dựng quầy bán hàng lấn ra khu vực bãi biển đã nhiều ngày nhưng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng không xử lý. Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, cơ sở này đã khéo léo xây dựng phía sau dãy ghế dành cho du khách, được che chắn bằng các ô dù che nắng.

Qua kiểm tra thực tế hiện trường, Sở Du lịch đã phát hiện trường hợp sai phạm này. Công trình đã hoàn thành phần móng (được xây kiên cố bằng kết cấu đá hộc diện tích 6m x 6m và hiện đang lắp đặt phần thân, mái bằng khung thép mạ kẽm, bên ngoài lợp tôn.

Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển "không phát hiện ra" quầy dịch vụ của tổ kinh doanh Phước Mỹ xây dựng trái phép(Ảnh người dân cung cấp)

Theo đó, Sở Du lịch đã yêu cầu tổ kinh doanh Phước Mỹ tháo gỡ quầy dịch vụ xây trái phép này và hoàn trả nguyên trạng khu vực bãi cát trước 10h ngày 9/3.

Sở Du lịch yêu cầu tổ kinh doanh Phước Mỹ tháo dỡ quầy dịch vụ xây trái phép (Ảnh người dâ cung cấp)

Bên cạnh phản ánh quầy dịch vụ mọc trái phép, người dân liên tục phàn nàn tình trạng ban quản lý ưu ái cho các tổ kinh doanh là “người nhà” và chèn ép, nâng phí gây khó khăn đối với các hộ kinh doanh khác.

Qua tìm hiểu được biết, lãnh đạo Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã không tổ chức đấu giá mặt bằng kinh doanh mà tự sắp xếp đưa người nhà vào lập thành các tổ kinh doanh ở dọc bãi biển Sơn Trà. Đặc biệt là tổ kinh doanh Phước Mỹ có đến 3 “người nhà” của ban quản lý để cạnh tranh với các tổ khác.

Trong khi các tổ kinh doanh đều được yêu cầu phải chấp hành quy định chung như được phép đặt bao nhiêu ghế trên bãi biển, bao nhiêu dù trong khu vực kinh doanh, đặt cách mép nước bao nhiêu mét.... thì riêng tổ kinh doanh Phước Mỹ không bị áp dụng quy định này hoặc được du di. Thậm chí, dù che nắng do các công ty nước giải khát tài trợ cho các tổ kinh doanh dưới biển cũng bố trí nhiều hơn cho tổ kinh doanh Phước Mỹ.

Bên cạnh đó, ban quản lý thu hẹp mặt bằng kinh doanh của các tổ kinh doanh mấy chục năm ở bãi biển Sơn Trà bằng cách cho cứu hộ bãi biển giăng dây phao cảnh báo nguy hiểm để du khách tránh không vào khu vực biển này. Nhưng sau khi tổ kinh doanh “xin phép riêng” với người của ban quản lý thì dây phao cảnh báo nguy hiểm được tháo dỡ, người dân và du khách lại xuống biển tắm bình thường.

Một tổ kinh doanh cho hay, hằng năm họ đều đóng quỹ hỗ trợ cứu hộ từ 15 – 20 triệu đồng cho ban quản lý. Khoản nộp này có phiếu thu với nội dung cụ thể.

Được biết Sở Du lịch đã yêu cầu Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển làm rõ trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan đến việc xây dựng quầy dịch vụ tại khu vực bãi tắm công cộng Phước Mỹ và có hình thức xử lý các cá nhân, đơn vị vi phạm.

Minh Hằng - Trần Phong

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/da-nang-yeu-cau-bao-cao-cac-diem-kinh-doanh-du-lich-lan-bien-trai-phep-d55547.html