Đà Nẵng triển khai hiệu quả phần mềm đăng ký khai sinh

Việc thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được triển khai từ ngày 1/1/2016, đến nay đã đạt được những kết quả khả quan.

Cải cách hành chính Đà Nẵng đạt thành công đáng kể. Ảnh: Báo Đà Nẵng

Một lợi thế khi triển khai thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân trên địa bàn thành phố là đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch phần lớn có trình độ đại học, trung cấp về ngành luật (85 người, chiếm 90,55%), chỉ có 13 người (chiếm 9,8%) cán bộ làm công tác hộ tịch là chưa qua đào tạo.

Mặc dù vậy, số cán bộ này đều được tập huấn Luật Hộ tịch, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hộ tịch và kỹ năng sử dụng phần mềm đăng ký hộ tịch nên hầu hết công chức đều đáp ứng được yêu cầu công việc. Do đó, việc triển khai chương trình ở Đà Nẵng khá thuận lợi.

Ông Châu Thanh Việt, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng cho biết: Thành phố Đà Nẵng có 56 xã, phường (11 xã và 45 phường). Từ đầu năm 2016 đến nay, tất cả các xã, phường trên địa bàn thành phố đều triển khai áp dụng phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân.

Tổng số cán bộ công chức được bố trí làm công tác hộ tịch đã được cấp tài khoản sử dụng phần mềm là 98 người, trong đó, tại Phòng Tư pháp là 17 người, UBND các xã phường là 81 người. UBND các quận, huyện, xã, phường trên địa bàn đều quan tâm mua sắm đầy đủ các trang thiết bị làm việc, kết nối mạng internet để phục vụ công tác đăng ký hộ tịch.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân, tại thành phố Đà Nẵng vẫn gặp một số khó khăn, cán bộ dễ nhầm lẫn khi nhập thông tin bởi mẫu Tờ khai đăng ký khai sinh, phần khai về họ, chữ đệm, tên của người cha ghi ở phía trên nhưng trong phần mềm và bản chính Giấy khai sinh thì phần khai này lại ghi ở phía dưới.

Trong quá trình xử lý, nhập thông tin đăng ký khai sinh vào phần mềm, có một số trường hợp cán bộ nhập sai thông tin so với Tờ khai đăng ký khai sinh (Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh đều cấp đúng) mặc dù được phát hiện ngay sau đó nhưng không thể chỉnh sửa vì đã gửi dữ liệu để xin cấp số định danh cá nhân...

Theo Khoản 3, Điều 26 Thông tư số 15/2015/NĐ-CP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch thì sau khi đăng ký hộ tịch mà phát hiện sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc do lỗi của người yêu cầu đăng ký hộ tịch thì phải tiến hành thủ tục cải chính hộ tịch theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 123/2015/NĐ, mà Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.

Trong đó quy định: “Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch”. Như vậy, trong trường hợp có sai sót khi đăng ký khai sinh trong phần mềm hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn thủ tục cải chính.

Theo Công văn số 640/HTQTCT-HT ngày 05/4/2016 của Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực thì đối với những trường hợp có sai sót thông tin, nếu thuộc trường hợp sai sót về nội dung đăng ký so với hồ sơ thì phải thực hiện thủ tục cải chính hộ tịch. Tuy nhiên, trình tự và thủ tục cải chính trong trường hợp này chưa được quy định và hướng dẫn.

Trong thời gian đầu triển khai chương trình, Đà Nẵng cũng gặp một số khó khăn vướng mắc về biểu mẫu không thống nhất giữa phần mềm với Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch; Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch. Một số trường hợp khác gặp sự cố về phần mềm, gây ảnh hưởng đến việc nhập thông tin đăng ký khai sinh và trả hồ sơ cho công dân; chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục thay đổi cải chính hộ tịch trong cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử...

Trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp đã chỉnh sửa, hoàn thiện phần mềm nêu trên, từ tháng 9/2016 đến nay đã cơ bản đáp ứng được việc đăng ký hộ tịch tại địa phương. Đà Nẵng đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch nói chung, mở rộng triển khai áp dụng phần mềm trong đăng ký các loại giấy tờ khác (đăng ký kết hôn, khai tử, cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân…) nhằm nâng cao chất lượng đăng ký và hiệu quả quản lý hộ tịch;bảo vệ bí mật thông tin của cá nhân theo quy định...

Văn Sơn (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/da-nang-trien-khai-hieu-qua-phan-mem-dang-ky-khai-sinh-20161127194032550.htm