Đà Nẵng kiến nghị điều chỉnh Luật Đầu tư

Ngày 26/7, đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND TP. Đà Nẵng để lắng nghe những kiến nghị của địa phương về việc sửa đổi Luật Đầu tư.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Tại cuộc họp, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho rằng, Chính phủ cần gỡ bỏ những “nút thắt” trong một số quy định của Luật Đầu tư 2014 để Thành phố khai thác hết hiệu quả đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội liên vùng.

Theo đó, liên quan đến việc mua cổ phần, phần góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài, tại Điều 46, Nghị định 118 quy định nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế không phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Thực tế thời gian qua, nhà đầu tư nước ngoài đã tận dụng "kẽ hở" tại Điểm B, Khoản 3, Điều 9 Nghị định 139 năm 2007 của Chính phủ, Nghị định 88 năm 2006 của Chính phủ và Quyết định 88 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam để cùng sở hữu đất tại Đà Nẵng.

Liên quan đến chuyển nhượng vốn dự án và chấm dứt hoạt động của công ty mẹ ở nước ngoài, ông Trần Văn Sơn cho biết, thời gian qua, việc chuyển nhượng dự án FDI diễn ra ồ ạt trên phạm vi cả nước, trong đó có Đà Nẵng.

Nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty mẹ ở nước ngoài, sau đó thành lập công ty con tại Đà Nẵng để thực hiện dự án, nhất là các dự án bất động sản, du lịch. Sau đó, chủ đầu tư chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác.

Đáng chú ý là việc chuyển nhượng được thực hiện ở nước ngoài thông qua thay đổi chủ sở hữu công ty mẹ ở nước ngoài mà không làm thay đổi pháp nhân công ty con tại Đà Nẵng.

Một số trường hợp, công ty mẹ nước ngoài chỉ có thời hạn hoạt động ngắn, thậm chí là 1 năm (luật nước ngoài cho phép), nhưng tại Việt Nam, nhà đầu tư đã đề nghị và được cấp phép thời gian hoạt động của dự án lên đến 50 năm. Nếu công ty mẹ tại nước ngoài chấm dứt hoạt động thì việc xử lý gặp nhiều khó khăn.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Đào Quang Thu khẳng định các kiến nghị sửa đổi Luật Đầu tư của Đà Nẵng sẽ được Bộ nghiên cứu trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội trong thời gian tới.

Thứ trưởng cũng cho rằng, sự phát triển của Đà Nẵng là không bền vững, về lâu dài nếu không có đột phá, phát triển sẽ chững lại. Trong khi đó, với vai trò là trung tâm kinh tế của các tỉnh, thành phố ven biển miền Trung, trên cơ sở quy hoạch chung, Đà Nẵng cần xây dựng chương trình tăng trưởng kinh tế với sự hỗ trợ của Chính phủ.

Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho biết 6 tháng đầu năm, tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Thành phố tiếp tục sụt giảm.

Theo đó, Đà Nẵng cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 26 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 10 triệu USD, giảm 6 dự án, tương đương 4,16 triệu USD so với cùng kỳ năm 2015.

Nguyên nhân sụt giảm là do nhà đầu tư không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo đúng hợp đồng thuê đất nên bị thu hồi đất; khu công nghệ cao mới hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhưng dân cư thưa thớt nên chưa thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư; công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng chưa phát triển nên một số dự án lớn không thể đầu tư.

Lưu Hương

Share on Tumblr

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/hoat-dong-dia-phuong/da-nang-kien-nghi-dieu-chinh-luat-dau-tu/282558.vgp