Đà Nẵng: Giải tỏa toàn bộ các hộ dân lấn chiếm di tích quốc gia Thành Điện Hải

Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng nói: “Nếu ông Huỳnh Đức Thơ làm được điều này thì không chỉ đẹp lòng các bậc tiền nhân mà các thế hệ người Đà Nẵng về sau sẽ luôn ghi công của ông!"

Sáng 19/10, ông Huỳnh Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao (VH-TT) Đà Nẵng vui mừng báo tin, chiều 18/10, tại cuộc họp nghe báo cáo một số đồ án kiến trúc, quy hoạch trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã kết luận giải tỏa, di dời toàn bộ các hộ dân lấn chiếm để trả lại cảnh quan cho Di tích quốc gia Thành Điện Hải!

Ông Huỳnh Đức Thơ thị sát tình trạng Di tích quốc gia Thành Điện Hải bị lấn chiếm khi còn là Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (Ảnh: HC)

“So với đề xuất của Sở VH-TT tại công văn 1198/SVHTT-KHTC và đề xuất của Sở Xây dựng tại công văn 9253/SXD-QLQH là chỉ giải tỏa vài mét để phục dựng phần hào rãnh và tường thành phía ngoài của Thành Điện Hải thì kết luận của Chủ tịch UBND TP chiều hôm qua là ngoài cả mong đợi. Anh em đi họp về hết sức phấn khởi!” – ông Huỳnh Hùng nói.

Ông nhấn mạnh thêm một lần nữa, thành Điện Hải là dấu ấn lịch sử của cả nước và là di tích kiến trúc công trình phòng thủ còn lại khá nguyên vẹn (sau Kinh thành Huế). Khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công hồi tháng 9/1858, thành Điện Hải đã đi vào lịch sử là chiến lũy đầu tiên của quân, dân Đà Nẵng thay mặt nhân dân cả nước chống trả quân xâm lược. Ngày nay, đây là nơi tham quan giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, điểm đến của du khách trong và ngoài nước.

Trước đó, như Infonet đã đưa tin, sau khi Sở VH-TT Đà Nẵng có công văn 1198/SVHTT-KHTC ngày 12/8 gửi UBND TP đề nghị chỉ đạo bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia Thành Điện Hải, ngày 27/9, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã có báo cáo số 9253/SXD-QLQH nêu rõ, việc phục dựng toàn bộ tường thành ngoài phía Tây thành Điện Hải theo đề xuất của Sở VH-TT là phương án tối ưu để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, thực hiện phương án này thì khối lượng giải tỏa đền bù lớn, sẽ gây sức ép lên quỹ đất tái định cư và ngân sách trong lúc TP đang tập trung quỹ đất tái định cư cho các dự án Trung tâm thương mại Chợ Cồn và Quảng trường trung tâm TP. Do vậy, vấn đề này về lâu dài sẽ tiếp tục nghiên cứu.

Trước mắt, Sở Xây dựng Đà Nẵng đề nghị nên tập trung thực hiện giai đoạn 1 – hình thành tuyến hành lang 2m phía Tây thành Điện Hải để tạo sự ngăn cách giữa di tích và các hộ dân.

Trở về từ cuộc họp chiều 18/10, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng Hồ Tấn Tuấn cho biết thêm, sau khi Sở Xây dựng trình chiều các hình ảnh Di tích quốc gia Thành Điện Hải bị lấn chiếm nghiêm trọng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nói: “Nhìn thành Điện Hải như thế thật là đau xót. Sau này chúng ta có thể xây dựng hàng chục công trình cao tầng nhưng không dễ gì có được một di tích đã tồn tại hàng mấy trăm năm như thế này. Quý lắm!”.

Do vậy, ông Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo các cơ quan chức năng quyết tâm giải tỏa, di dời toàn bộ các hộ dân đang lấn chiếm thành Điện Hải để trả lại cảnh quan cho di tích này. Theo đó, không chỉ giải tỏa vệt 2m mà giải tỏa tới tận đường kiệt chạy dọc phía Tây thành Điện Hải để trả lại cảnh quan, trùng tu lại hào rãnh cho đàng hoàng như ở phía Đông, đồng thời hình thành công viên vườn dạo ở khu vực này cho người dân và du khách đến vui chơi, thưởng lãm.

Ông Huỳnh Đức Thơ cũng chỉ đạo giải tỏa toàn bộ bờ tường của Trung tâm TDTT người lớn tuổi (cũ) để làm lộ ra tường thành phía Bắc thành Điện Hải. Đồng thời điều chỉnh quy hoạch xây dựng Kho lưu trữ TP Đà Nẵng ở vị trí tiếp giáp phía Bắc thành Điện Hải, không chỉ cách ly khỏi đường bao thành ngoài hiện trạng và ranh giới chân kè bao mà còn thảm cỏ, trồng hoa toàn bộ vệt đất từ chân thành Điện Hải đến chân tường kho lưu trữ để tạo cảnh quan thông thoáng cho di tích.

“Thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP thì sau này toàn bộ 4 hào rãnh của thành Điện Hải sẽ thông suốt với nhau hết và theo tình hình thực tế, chúng tôi sẽ đề xuất các phương án cụ thể để phát huy hơn nữa giá trị của Di tích quốc gia Thành Điện Hải trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ cũng như phục vụ tham quan du lịch!” – Ông Hồ Tấn Tuấn nói.

Theo phác thảo sơ bộ của ông, hào rãnh này sẽ đổ đầy nước, thả sen và bố trí một số ghe thuyền nhỏ đưa khách đi tham quan toàn bộ di tích. Đồng thời ở 4 góc lồi của thành sẽ dựng lên 4 chòi canh, đặt 4 khẩu súng thần công, có lính lệ đứng gác. Người dân và du khách có nhu cầu sẽ được mặc đồ, đóng vai lính lệ, chụp ảnh lưu niệm và tất nhiên là có trả phí.

“Sau này ông Thơ có thể xây lên những cao ốc cả trăm tầng, chưa chắc người ta đã nhớ. Nhưng nếu ông thực hiện được điều như ông vừa chỉ đạo tại cuộc họp chiều 18/10 thì không chỉ đẹp lòng các bậc tiền nhân mà các thế hệ người Đà Nẵng về sau cũng sẽ luôn ghi công của ông!” – ông Hồ Tấn Tuấn nói.

HẢI CHÂU

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/da-nang-giai-toa-toan-bo-cac-ho-dan-lan-chiem-di-tich-quoc-gia-thanh-dien-hai-post211856.info