Đà Nẵng: Đô thị trọng điểm miền Trung

Từ một đô thị nhỏ trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, chỉ hơn 20 năm, Đà Nẵng chuyển mình nhanh chóng, trở thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, từng bước khẳng định vai trò hạt nhân, là đô thị trung tâm vùng duyên hải miền Trung.

Bứt phá đi lên

Trong quá trình phát triển hệ thống đô thị ven biển miền Trung nói chung, Đà Nẵng vẫn được xem là đô thị hạt nhân trong vùng. Bởi, Đà Nẵng có nhiều lợi thế tự nhiên, có cảng biển nước sâu Tiên Sa, có nhiều bãi biển cát trắng dài, nằm ở tọa độ trung chuyển Bắc - Nam. Và trên tất cả đó là lợi thế về con người, sự kiên cường, trung hậu và nhân nghĩa đong đầy trong mỗi con người xứ Quảng. Nhờ tận dụng tốt mọi lợi thế, Đà Nẵng đã bứt phá, phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, trở thành một địa phương năng động bậc nhất khu vực miền Trung, được cả nước và thế giới đánh giá cao. Giai đoạn 1997 - 2015, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng liên tục với tốc độ bình quân 10,47%/năm, cao hơn với mức bình quân cả nước (khoảng 7%/năm). Năm 2015, GRDP của Đà Nẵng đạt 49.416 tỷ đồng, gấp 6 lần so với năm 1997. Bên cạnh đó, các yếu tố sản xuất như vốn đầu tư và lực lượng lao động cũng tăng dần qua các năm.

Kiến trúc sư Hoàng Vĩnh Hưng, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội nhận xét: "Sự vươn dậy của Đà Nẵng trong gần hai thập kỷ qua, trước hết khởi đầu bằng công cuộc chỉnh trang, phát triển đô thị một cách đồng bộ, toàn diện. Năm 1997, diện tích đô thị là 5.600 ha, nay đạt gần 22.000 ha, với sự ra đời của hàng loạt khu đô thị mới, khu công nghiệp sản xuất tập trung, khu du lịch tầm cỡ thế giới". Việc Trung ương đầu tư xây dựng hầm đường bộ Hải Vân; nâng cấp, mở rộng cảng biển Tiên Sa, sân bay quốc tế Đà Nẵng; đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; nút giao thông ngã ba Huế... là những công trình đã và đang để lại những dấu ấn lớn, góp phần rút ngắn khoảng cách địa lý, tăng cường kết nối để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa Đà Nẵng với các tỉnh miền trung - Tây Nguyên và các nước trên hành lang kinh tế Đông - Tây.

Về hạ tầng xã hội, Đà Nẵng ưu tiên phát triển mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, khu công nghệ cao, từng bước khẳng định vị trí trung tâm khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng của vùng và cả nước.

Trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH, Đà Nẵng đã ban hành và lồng ghép nhiều quyết sách như: Chiến lược bảo vệ môi trường; Chương trình quản lý ô nhiễm công nghiệp; Chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ; Đề án xây dựng thành phố môi trường… vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển đô thị bền vững. Hiệu ứng của công cuộc cải cách hành chính một cách toàn diện, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, ổn định, sự hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp phát triển, ứng dụng CNTT... là việc Đà Nẵng 7 năm liên tục dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, là nơi "đất lành chim đậu" cho nhân tài cả trong và ngoài nước.

Để thật sự là đô thị trung tâm

Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị (khóa IX) yêu cầu: Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính -viễn thông và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung...

Đến nay, Đà Nẵng cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tuy vậy, sức lan tỏa, thúc đẩy các tỉnh trong vùng cùng phát triển của Đà Nẵng vẫn chưa mạnh, chưa thể hiện rõ vai trò “đầu tàu” hỗ trợ, động lực cho các địa phương khác, mà chỉ mới dừng ở mức liên kết, khởi đầu. Doanh nghiệp Đà Nẵng chủ yếu là nhỏ và vừa, ít có doanh nghiệp mang tầm quốc gia và quốc tế. Hàng hóa Đà Nẵng chưa có thương hiệu, giá trị gia tăng không lớn. Du lịch có tiềm năng lớn nhờ bãi biển dài, đẹp, nhưng thiếu các dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm lại đang có nguy cơ ô nhiễm do phát triển nóng nên không giữ chân du khách. Đà Nẵng cũng chưa phải là trung tâm tài chính - ngân hàng; bưu chính - viễn thông, do không thật sự nổi trội so với các địa phương lân cận. Nguồn thu ngân sách trước đây phụ thuộc khá nhiều vào khai thác quỹ đất, nên khi quỹ đất khan hiếm và thị trường bất động sản leo dốc, ảnh hưởng đến khả năng đầu tư, phát triển chung của thành phố.

Điểm yếu nhất của Đà Nẵng chính là thiếu các thiết chế văn hóa cần thiết, trước hết cho chính cộng đồng người dân thành phố. Diện tích đất dành cho công viên, cây xanh, thiết chế văn hóa, thể thao, giải trí cộng đồng còn hạn chế là điều dễ nhận thấy. Ngoài ra, do tăng trưởng quá nhanh trong khi quy hoạch không theo kịp nên đã để lại nhiều nhiều hệ lụy như vấn đề cạn kiệt quỹ đất xây dựng, không gian ven biển bị thu hẹp, tình hình xử lý thoát nước và thu gom nước thải chưa triệt để.

Rõ ràng, để thật sự trở thành đô thị trung tâm vùng duyên hải miền Trung và cả nước, Đà Nẵng còn rất nhiều việc phải làm, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, môi trường quốc tế thuận lợi.

PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cái còn thiếu hiện tại của Đà Nẵng chính là tầm nhìn và khát vọng. “Để đạt mục tiêu là trung tâm của khu vực và kéo được các địa phương lân cận, Đà Nẵng cần phải phát triển trên các trụ cột như: Xây dựng TP du lịch đẳng cấp quốc tế hạng nhất; phát triển trung tâm logistics đúng nghĩa; xây dựng trung tâm giáo dục đào tạo và nghiên cứu phát triển” - PGS. TS Thiên đề xuất.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, Đà Nẵng đặt chỉ tiêu đến năm 2037 sẽ trở thành TP hạt nhân của vùng duyên hải miền Trung. Thời gian tới Đà Nẵng sẽ quyết tâm tiên phong phát triển CNH - HĐH, trở thành trung tâm khoa học - công nghệ hiện đại nhất cả nước, đồng thời kiên quyết xây dựng môi trường, trở thành đô thị sinh thái, TP du lịch sinh thái hấp dẫn, hướng tới sự phát triển bền vững, ngày một khẳng định vị thế đầu tàu tại khu vực.

Dẫu chưa thực sự ở vị trí “đầu tàu” nhưng Đà Nẵng đang từng bước tạo được thương hiệu về một thành phố đáng sống, với môi trường tự nhiên trong lành, môi trường xã hội nhân văn, hiền hòa, môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút các nguồn lực bên ngoài, phát huy cao nhất nội lực phát triển nhanh và bền vững, từng bước trở thành đô thị trung tâm của khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.

Bài & ảnh: Quỳnh Anh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/suc-khoe-doi-song/201709/da-nang-do-thi-trong-diem-mien-trung-2839974/