'Đà Nẵng đề nghị Quảng Nam cung cấp thông tin về nhà máy thép là việc bình thường!'

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ khẳng định việc ông đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cung cấp thông tin về nhà máy thép Việt Pháp dự định đặt ở thượng nguồn sông Vu Gia để công khai cho người dân được rõ là việc rất bình thường!

“Có cái chi mà Đà Nẵng làm dữ dội thế”?

Sau khi Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn có công văn 4965/UBND-KTN (ngày 10/10) phúc đáp công văn 8112/UBND-TNMT (ngày 6/10) của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ liên quan đến dự án nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) thuộc lưu vực sông Vu Gia, sáng 12/10, PV Infonet đã gọi điện để hỏi thêm ý kiến của ông Huỳnh Đức Thơ.

Ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng báo cáo với Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh và Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn về tình hình nhiễm mặn của nhà máy nước Cầu Đỏ do hoạt động của các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn (Ảnh: HC)

Ông Huỳnh Đức Thơ cho hay ông đang đi công tác ở Hà Nội nên chưa biết về công văn 4965/UBND-KTN của UBND tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, sau khi ông gửi văn bản 8112/UBND-TNMT đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cung cấp thông tin về dự án nhà máy luyện cán thép Việt Pháp thì ngày hôm qua 11/10, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam có gọi điện cho ông.

“Ông Thu bảo có gửi văn bản cho Đà Nẵng (văn bản 4887/UBND-KTN ngày 5/10 gửi Bộ TT-TT, trong các nơi nhận có Thành ủy, HĐND, UBND TP Đà Nẵng – Infonet đã đưa tin) trước khi tôi gửi văn bản 8112/UBND-TNMT cho Quảng Nam. Tuy nhiên không biết họ gửi như thế nào mà đến bây giờ tôi vẫn chưa nhận được!” – ông Huỳnh Đức Thơ nói.

Về văn bản 8112/UBND-TNMT mà Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ký gửi cho Quảng Nam, ông Huỳnh Đức Thơ cho hay, trong cuộc điện thoại ngày 11/12, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam bảo với ông là “có cái chi mà Đà Nẵng làm dữ dội thế?".

“Tôi trả lời Đà Nẵng chỉ đề nghị Quảng Nam công khai thông tin về dự án ở thượng nguồn sông Vu Gia theo tinh thần kết luận 26-KL/TUQN-TUĐN ngày 27/4/2016 giữa Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Tỉnh ủy Quảng Nam về nội dung hợp tác, hỗ trợ giữa hai địa phương. Đây là việc rất bình thường chứ không có vấn đề gì hết. Dự án như thế nào thì cần công khai thông tin để người dân vùng hạ lưu sông Vu Gia, trong đó có Đà Nẵng được rõ!” - ông Huỳnh Đức Thơ nói.

Lên tiếng cảnh báo là đúng chức năng, nhiệm vụ

Đối với công văn phúc đáp số 4965/UBND-KTN vừa được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn ký ngày 10/10, ông Huỳnh Đức Thơ hẹn khi đi công tác về sẽ đọc và có ý kiến. PV Infonet thông tin cho ông Huỳnh Đức Thơ biết, trong văn bản này, ông Huỳnh Khánh Toàn cho rằng "vừa qua một số đơn vị, cá nhân không có chức năng của Đà Nẵng chưa nắm đầy đủ thông tin đã thông tin không chính xác cho các cơ quan thông tấn báo chí, gây dư luận không tốt”, nên đề nghị UBND TP Đà Nẵng “kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh”.

Ông Huỳnh Đức Thơ thống nhất quan điểm với PV Infonet rằng, tại Đà Nẵng, người đầu tiên lên tiếng về dự án nhà máy thép Việt Pháp là ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng. Đây là đơn vị quản lý, vận hành các nhà máy cấp nước trên địa bàn, trong đó có nhà máy nước Cầu Đỏ cung cấp 99% lượng nước sạch cho gần 1 triệu dân của TP. Đà Nẵng.

Nhà máy này sử dụng nước sông Vu Gia nên khi thấy nguồn nước có nguy cơ bị ô nhiễm do dự án nhà máy luyện cán thép Việt Pháp dự định đặt ở thượng nguồn thì ông Nguyễn Trường Ảnh phải lên tiếng cảnh báo. Việc làm của Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng là hoàn toàn đúng chức năng, nhiệm vụ chứ không phải không có chức năng!

Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Trường Ảnh cũng khẳng định, ông lên tiếng cảnh báo về dự án nhà máy luyện cán thép Việt Pháp là hoàn toàn phù hợp chức năng, nhiệm vụ vì từ trước đến nay đã có biết bao bài học kinh nghiệm về việc các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn gây ảnh hưởng rất lớn đến việc cung cấp nước sạch cho Đà Nẵng.

“Nhà máy thép Việt Pháp là công nghiệp nặng mà Quảng Nam bảo là công nghiệp sạch thì làm sao sạch được? Sắt thép thì làm gì có công nghiệp sạch, làm sao không có những tác động đến môi trường? Họ nói sẽ xử lý thành công nghiệp sạch thì đó là quyền của họ, nhưng sau này không sạch thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nước sông Vu Gia. Khi đó sẽ không thể nào xử lý nổi nữa. Tôi rất sợ điều đó. Chúng tôi có trách nhiệm quản lý nguồn cung cấp nước sạch cho cả TP, khi thấy có khả năng bị ảnh hưởng thì phải lên tiếng cảnh báo thôi!” – ông Nguyễn Trường Ảnh nói.

Đầu tư nhà máy không nhằm vào hiệu quả kinh tế thì nhằm vào mục tiêu gì?

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn A. (đề nghị không nêu tên), Giám đốc một nhà máy thép ở Đà Nẵng cho biết, là một doanh nghiệp, một nhà đầu tư từng nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sắt thép, ông đã suy nghĩ rất nhiều về việc đặt nhà máy luyện cán thép Việt Pháp ở thượng nguồn sông Vu Gia và thấy có nhiều điều không thể nào hiểu nổi!

Ông nhắc lại, nguyên nhân khiến nhà máy luyện cán thép Việt Pháp phải di dời khỏi thị xã Điện Bàn là do gây ô nhiễm môi trường, bị người dân phản đối. Theo UBND tỉnh Quảng Nam, việc xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà máy thép Việt Pháp tại huyện Nam Giang “chỉ được thực hiện khi đảm bảo quy định về đánh giá tác động môi trường và các quy định có liên quan”.

“Để đảm bảo quy định về đánh giá tác động môi trường có nghĩa là phải áp dụng công nghệ mới để không gây ô nhiễm. Vậy tại sao công nghệ đó không được áp dụng ngay cho nhà máy ở thị xã Điện Bàn mà phải đưa lên tận huyện miền núi Nam Giang với kinh phí hỗ trợ di dời mà nhà máy này đề nghị lên tới 123,8 tỉ đồng trong khi ngân sách tỉnh Quảng Nam còn rất khó khăn?” – ông Nguyễn Văn A. đặt vấn đề.

Theo ông A., khi đầu tư bất cứ một dự án nào thì điều rất quan trọng mà các nhà đầu tư luôn hết sức chú ý là yếu tố địa kinh tế của nơi đặt dự án. Đó phải là nơi gần vùng nguyên liệu, có nguồn nhân lực tốt, gần thị trường tiêu thụ và chi phí vận chuyển thấp. Với việc đặt nhà máy luyện cán thép Việt Pháp ở huyện Nam Giang, ông A. cho rằng đây không phải vùng nguyên liệu, không có mỏ quặng sắt.

Nếu nhà máy này chủ yếu sử dụng nguyên liệu là sắt thép phế liệu để sản xuất các loại phôi thép mà không sử dụng quặng và than cốc như UBND tỉnh Quảng Nam thông tin thì hiện nay, sắt thép phế liệu để các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất phôi thép chủ yếu là nhập khẩu. Trong khi nhà máy thép Việt Pháp lại đặt ở trên núi, rất xa các cảng, cũng có nghĩa rất xa vùng nguyên liệu. Điều đó sẽ khiến chi phí đầu vào của nguyên liệu gia tăng rất cao!

HẢI CHÂU

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/da-nang-de-nghi-quang-nam-cung-cap-thong-tin-ve-nha-may-thep-la-viec-binh-thuong-post211285.info