Đà Nẵng có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất khu vực miền Trung

Thành phố Đà Nẵng có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất khu vực Miền Trung với khoảng 3.600 ca, tập trung ở độ tuổi dưới 15.

Bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng và diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố miền Trung với hơn 10.500 ca mắc, trong đó thành phố Đà Nẵng chiếm hơn 1/3 số ca sốt xuất huyết trong khu vực này.

Công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết đang được các địa phương tập trung triển khai. Hiện một số nơi và một bộ phận người dân còn lơ là trong phòng chống dịch khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất dễ xảy ra.

Dụng cụ chứa nước dễ sinh ra lăng quăng.

Dụng cụ chứa nước dễ sinh ra lăng quăng.

Quận Liên Chiểu là một trong những địa phương xuất hiện nhiều ổ dịch sốt xuất huyết ở thành phố Đà Nẵng. Thời gian gần đây, bình quân mỗi tuần, địa phương này ghi nhận 6 ổ dịch mới, với 22- 25 ca sốt xuất huyết. Nhiều ca nặng phải chuyển lên tuyến trên điều trị.

Bà Nguyễn Thị Bảy, ở tổ 44, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu cho biết, có nhiều trường hợp sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị, trong đó có gia đình 2- 3 người mắc bệnh.

Bà Hoàng Thị Hồng, nhân viên Đội Y tế Dự phòng quận Liên Chiểu cho biết, từ đầu năm đến nay, quận này đã ghi nhận khoảng 60 ổ dịch với gần 600 ca sốt xuất huyết, tăng hơn gấp đôi cùng kỳ năm 2016.

Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tăng cao, Đội Y tế Dự phòng quận Liên Chiểu phối hợp với trạm Y tế và chính quyền các địa phương tổ chức 3 chiến dịch phun hóa chất xử lý môi trường tại gần 140 tổ dân phố. Theo bà Hồng, một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan, phó mặc công tác phòng chống dịch cho ngành Y tế.

“Đa số các hộ mở cửa phun thuốc. Tuy nhiên, một số gia đình có con nhỏ, bận đi làm, một số người cho rằng thuốc độc nên không mở cửa cho phun. Với cán bộ y tế thì chỉ có thể diệt muỗi được ở ngoài nhà, còn bên trong nhà thì phải do ý thức của người dân nhưng đôi khi họ không làm” – bà Hoàng Thị Hồng cho biết thêm.

Người dân làm vệ sinh, diệt lăng quăng.

Theo báo cáo của Viện Pasteur Nha Trang, 6 tháng qua, tại 11 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận ghi nhận hơn 10.500 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó thành phố Đà Nẵng có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất khu vực với khoảng 3.600 ca, tập trung ở độ tuổi dưới 15.

Từ đầu tháng 7 đến nay, bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng giảm nhẹ nhưng còn ở mức cao, với số ca mắc mỗi tuần hơn 100 ca. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, thành phố Đà Nẵng đã cấp 4 tỷ đồng cho ngành Y tế thành phố tập trung chống dịch.

Nhân viên y tế quận Liên Chiểu pha hóa chất trước khi phun.

Thạc sĩ Đặng Ngọc Ánh, Phó Trưởng khoa Dịch tễ, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Đà Nẵng cho biết, Trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn về giám sát, xử lý bệnh cho cán bộ y tế các quận, huyện và gần 300 cộng tác viên Dân số-sức khỏe cộng đồng; Tăng cường điều tra, giám sát xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch theo đúng quy định; đồng thời tiến hành phun hóa chất chủ động phòng chống sốt xuất huyết tại các khu vực nguy cơ cao…

Tuy nhiên theo Thạc sĩ Đặng Ngọc Ánh, người dân không hợp tác diệt bọ gậy. Ngành Y tế có thể hỗ trợ về chuyên môn, phần lớn kinh phí về vật tư, hóa chất, nhân lực phục vụ công tác xử lý nhưng công tác vận động người dân tham gia diệt bọ gậy là khó./.

PV/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/da-nang-co-so-ca-mac-sot-xuat-huyet-cao-nhat-khu-vuc-mien-trung-649600.vov