Đà Nẵng: Cắt xén tiền BHXH của giáo viên này bù cho người khác

Nhiều năm qua, ít nhất hơn 60 cán bộ, giáo viên (CBGV) Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) bị đóng thiếu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp... (BHXH, BHTN). Trong khi đó, khi bị phát hiện, nhà trường đã tự tiện cắt tiền BHXH của người này để bù cho người kia. Ngoài ra, số tiền đóng BHXH của trường cho CBGV là được chi từ ngân sách, vậy nếu nhiều năm qua nhà trường không đóng cho người lao động thì số tiền kia đi đâu?

Tại trường THPT Trần Phú hiện nay, 60 cán bộ nhân viên nhà trường bị hụt tiền BHXH.

BHXH đóng theo bậc lương cũ

Như đã đưa tin, tháng 9.2016, báo Lao Động tiếp nhận thông tin ít nhất hơn 60 CBGV Trường THPT Trần Phú - Đà Nẵng bị đóng thiếu tiền BHXH, BHTN trong nhiều năm liền. Thầy Trần M cho biết, sự việc chỉ được phát hiện khi sổ BHXH được phát về cho giáo viên theo quy định của Luật BHXH. Và theo đó, sự việc được biết ban giám hiệu (mới) phát hiện từ năm 2013 đến nay, nhưng không có biện pháp khắc phục mà bộ phận kế toán, ban giám hiệu im lặng giải quyết theo cách của mình. Tất cả các trường hợp đóng thiếu là do nhiều năm qua, nhà trường không điều chỉnh bậc lương đúng thực tế. Ông M cho hay: “Năm 2012, tôi có quyết định được nâng lương từ bậc 7 lên bậc 8. Thế nhưng trong 3 năm từ 2013 - 2015, số tiền BHXH của tôi vẫn được đóng theo bậc 7. Trong khi đó, mỗi tháng tôi vẫn bị trừ khoản tiền BHXH theo hệ số lương bậc 8”. Tình trạng này kéo dài ít nhất 3 năm nay, nhiều người thậm chí còn lâu hơn. Nữ giáo viên T cho hay, năm 2012, chị được bổ nhiệm vào ngạch bậc 3, hệ số 3.00. Đến năm 2014, chị tiếp tục nhận được nâng lương lên bậc 4 hệ số 3.33, “Thế nhưng trong thông báo kết quả đóng BHXH từ năm 2012 - 2015, nhà trường chỉ đóng bảo hiểm cho tôi theo hệ số bậc 2. Điều này là hoàn toàn không đúng. Tại sao những lãnh đạo trước đây làm sai gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, thậm chí họ hứa hẹn sẽ giải quyết nay đều đã nghỉ hưu hoặc luân chuyển thì lại đẩy trách nhiệm về cho chúng tôi” - nữ giáo viên bức xúc. Vậy số tiền thu đủ, nhưng không nộp đủ do cá nhân giáo viên đóng đã đi đâu?

Ông Lê Vinh - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú từ năm 2013 - 2015 (nay là Hiệu trưởng Trường chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng) cho biết, năm 2013 khi ông được bổ nhiệm về làm Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú đã phát hiện 154 trường hợp giáo viên, CBCNV không được đóng bảo hiểm hoàn chỉnh. Ngay sau đó, nhà trường đã lên kế hoạch đóng BHXH bổ sung cho họ. Thế nhưng trong quá trình thực hiện, do số lượng chứng từ và khoản tiền đóng bù quá lớn, nhà trường đã lập từng nhóm danh sách để giải quyết theo từng đợt. Đến nay, sau gần 3 năm thì có 94 trường hợp đã được giải quyết. Còn lại 60 trường hợp khác đang tiếp tục đợi lời cam kết từ ban lãnh đạo mới (bổ nhiệm năm 2016 - PV).

Sửa sai vẫn hoàn sai

Qua tìm hiểu, cách làm 3 năm qua của nhà trường để bù cho số tiền BHXH bị thiếu hụt của 94 trường hợp trên là lập danh sách từng đợt (30 người một lần), điều chỉnh bậc lương. Sau đó, dùng số tiền BHXH chung của cả cơ quan, đóng đủ cho nhóm này, đồng thời bù cả số tiền thiếu trước đây. Vậy nên, mặc dù 60 CBNV nhà trường vẫn đóng đủ số tiền BHXH (phần của người lao động) nhưng 3 năm qua họ vẫn phải chịu cảnh tiếp tục bị đóng hụt, không được điều chỉnh bậc lương theo thực tế. Thừa nhận sự việc gây bức xúc cho các CBGV, ông Phan Hùng - Hiệu trưởng hiện nay - cho biết, dự kiến dùng số tiền phúc lợi của toàn trường để đóng bù cho khoản tiền BHXH của 60 CBNV. “Nếu năm nay chưa đủ thì sẽ tiếp tục thực hiện trong năm sau”. Thế nhưng khi được hỏi về số tiền thực tế hiện nay nhà trường đang đóng thiếu cho người lao động là bao nhiêu, thì ông Hùng chưa nắm rõ.

Trong khi đó, ông Văn Phú Long - Trưởng phòng Quản lý thu của BHXH TP. Đà Nẵng khẳng định, việc sử dụng tiền BHXH của những người khác để bù cho người này là hoàn toàn sai quy định. “BHXH được thu từng tháng. Đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm phải đảm bảo đóng đầy đủ mọi khoản phí, cập nhật bậc lương ngay khi có thay đổi. Không thể nói để giải quyết cho người này mà cắt tiền của người kia. Bên cạnh đó, cần làm rõ, số tiền đóng BHXH cho CBNV nhà trường là một số tiền đã được chi từ ngân sách, vậy nếu nhiều năm qua các anh không đóng cho người lao động thì số tiền kia đi đâu? Được chi vào việc gì ? Đây là điều cần phải làm rõ để biết trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường (qua các đời - PV) trong sự việc này”.

Đặt câu hỏi trên với hai hiệu trưởng cũ và mới, cả ông Lê Vinh, Phan Hùng đều thoái thác trách nhiệm cho lãnh đạo thời kỳ trước...

THÙY TRANG - HỮU LONG

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/da-nang-cat-xen-tien-bhxh-cua-giao-vien-nay-bu-cho-nguoi-khac-598072.bld