Đã kích được cầu?

(Toquoc)-Kinh tế đã vượt đáy suy giảm. Câu hỏi đặt ra là có cần tiếp tục chương trình hỗ trợ lãi suất?

(Toquoc)- Các gói kích thích kinh tế của Chính phủ đã tạo đà cho doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, đã phát huy tác dụng. Đây cũng là thời điểm doanh nghiệp có thể mua thiết bị rẻ nhất, thu hút được nhiều nhân viên giỏi nhất, và là thời điểm đầu tư chiến lược để chờ kinh tế phục hồi. TS Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, nhận định: Chắc chắn ai tận dụng được cơ hội này sẽ là những đại gia giàu có trong tương lai. Tuy vậy, mặc dù doanh nghiệp có chuyển hướng, linh hoạt đến đâu, nếu bối cảnh chung quá khó khăn thì doanh nghiệp vẫn phải chịu sức ép rất lớn. Theo TS Thái, để hóa giải những sức ép không đáng có, gói kích cầu của Chính phủ nên có phần hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Doanh nghiệp làm ăn có lãi thì được giãn thuế, doanh nghiệp khó khăn và người dân cũng nên được kích cầu bằng việc Chính phủ bớt đi khoản thuế xăng dầu đã lên đến trần 40%, để giảm giá trong nước. “Nếu giải quyết được dứt điểm các khâu “bí” ảnh hưởng đến hoạt động bình thường và tăng thị trường cho doanh nghiệp, tôi tin doanh nghiệp sẽ tự xoay sở được mà không cần khoản kích cầu của Chính phủ”- TS Nguyễn Quang Thái nói. Các gói kích thích kinh tế của Chính phủ đã tạo đà cho doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, đã phát huy tác dụng. Nửa cuối năm 2009 là khoảng thời gian các chính sách nới lỏng tiền tệ và các gói kích thích kinh tế của Chính phủ bắt đầu phát huy tác dụng. Mặt bằng giá cả thế giới, nhất là giá xuất khẩu được dự báo có thể tăng trở lại vào cuối quý III và quý IV, công thêm triển vọng tăng cầu xuất khẩu nhờ hiệu quả xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu sang Trung quốc và châu Phi làm cho kỳ vọng xuất khẩu có thể được cải thiện. TS Nguyễn Quang Thái dự báo, thương mại quốc tế có thể sẽ phục hồi sớm. Bên cạnh đó, các nền kinh tế lớn trên thế giới đã sớm phối hợp và có sự can thiệp mạnh mẽ từ phía Chính phủ, cùng nhau đưa ra các giải pháp chống khủng hoảng; đồng thời đang tận dụng khủng hoảng để cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển hiệu quả hơn. Do vậy, kinh tế thế giới có thể có những biến đổi tích cực vào cuối năm 2009. Việc củng cố thị trường truyền thống, tìm kiếm các thị trường mới tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu là hướng đi đúng và là nguồn quan trọng giải quyết đầu ra cho các doanh nghiệp để từ đó sản xuất sẽ có điều kiện hồi phục và tăng trưởng. “Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2009 có diễn ra theo kịch bản lạc quan hay không còn phụ thuộc lớn vào điều hành của Chính phủ, việc thực thi các chính sách của các bộ, ngành, đặc biệt là sự năng động của các doanh nghiệp”- ông Thái nhấn mạnh. Có nên dừng hỗ trợ lãi suất? Nhìn lại chương trình hỗ trợ lãi suất của Việt Nam, bà Víctiria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, cho biết: Trong giai đoạn đầu, chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ Việt Nam thực sự phát huy được tác dụng tốt. Chương trình hỗ trợ lãi suất 4%/năm đã giúp các doanh nghiệp có được nguồn vốn giá rẻ nên giảm giá thành sản phẩm, duy trì và ổn định sản xuất, kích thích nhu cầu trong nước. Chương trình này cũng giúp cho hệ thống ngân hàng một mặt vẫn huy động được nguồn vốn trong dân, mặt khác khuyến khích các ngân hàng cho vay an toàn hơn. Nói cách khác, chương trình này đã tạo ra sự lưu thông tín dụng và sức sống cho nền kinh tế, đã hoàn thành được các mục tiêu chính. Câu hỏi đặt ra, liệu Chính phủ có cần tiếp tục chương trình này nữa hay không khi mục tiêu cơ bản đặt ra đã đạt được? Theo bà Víctiria Kwakwa, chương trình này đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Nếu vẫn tiếp tục triển khai sẽ tạo ra một loạt những rủi ro. Chẳng hạn, tín dụng tăng nhanh sẽ tạo sức ép lên lạm phát; hoặc có thể rơi vào tình trạng sử dụng thiếu hiệu quả đồng vốn của ngân hàng giống như thời kỳ cho vay theo chính sách chỉ định. “Theo tôi, Chính phủ Việt Nam nên cân nhắc, suy xét và có những quyết định hết sức chuẩn xác với việc có tiếp tục chương trình cho vay này hay không”- bà Víctiria Kwakwa khuyến cáo. Nếu vẫn tiếp tục triển khai sẽ tạo ra một loạt những rủi ro. Ý kiến doanh nghiệp Nhằm rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các doanh nghiệp về vấn đề có nên dừng hay tiếp tục duy trì chương trình hỗ trợ lãi suất theo gói kích cầu của Chính phủ? Ông Lâm Đạo Thảo, ngân hàng TMCP Phương Đông, cho rằng: Sau gói kích cầu 1 tỷ USD của Chính phủ, không nên tiếp tục hỗ trợ lãi suất ngắn hạn với các doanh nghiệp nữa vì thực tế hỗ trợ lãi suất 4% vừa qua là nhằm giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, tạo điều kiện kinh tế phát triển. “Nếu doanh nghiệp yếu kém, không cạnh tranh được, có kích mấy cũng vô ích và Nhà nước không thể bù lỗ mãi được”- ông Thảo nói. Ông Trần Minh Chính, Tổng Giám đốc CTCP May Phương Nam bày tỏ quan điểm: Chúng tôi vừa được sự hỗ trợ vốn theo chương trình kích cầu của Chính phủ, doanh nghiệp mới nhen nhóm hồi phục. Nếu Chính phủ ngưng hỗ trợ ngay thì doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ông Chính phân tích: Hiện nay chúng tôi đang vay vốn để sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu với lãi suất 6%/năm. Nếu bây giờ đột ngột tăng lên 10%/năm thì mọi kế hoạch của doanh nghiệp sẽ bị đảo lộn. Vì vậy, theo tôi, cần phải có lộ trình kết thúc cụ thể và công bố trước 3 tháng để doanh nghiệp chủ động sắp xếp trong một chu kỳ sản xuất. Một lãnh đạo doanh nghiệp tại Hà Nội hiến kế: Thay vì hỗ trợ lãi suất 4%, có thể giảm xuống 3% hay 2%, sau đó kết thúc chương trình kích cầu vào cuối năm, như vậy doanh nghiệp sẽ đỡ “sốc” và có thể tính toán được. Vân Thành

Nguồn Tổ Quốc: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Kinh-Te/Da-Kich-Duoc-Cau.html