DA hợp tác dầu khí với Việt Nam là đúng luật, được bảo vệ

Các dự án hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí hiện nay, bao gồm cả các dự án hợp tác với Gazprom, đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ngày 29/7/2011, tại mỏ Visovoi, Khu tự trị Nhenhetxky, Liên bang Nga, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Phùng Đình Thực đã tham dự Lễ đón nhận Dòng dầu công nghiệp đầu tiên của Công ty Liên doanh Rusvietpetro.

Trước việc Trung Quốc yêu cầu Nga dừng các dự án khai thác dầu khí ở biển Đông, chiều qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị tuyên bố rõ: “Các dự án hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí hiện nay, bao gồm cả các dự án hợp tác với Gazprom, đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNLOC) năm 1982”.

Ông Lương Thanh Nghị cũng nhấn mạnh: “Việt Nam hoan nghênh đối tác nước ngoài hợp tác với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, trên cơ sở luật pháp Việt Nam. Việt Nam cam kết và có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của các đối tác nước ngoài làm ăn với Việt Nam”.

Liên quan tới vụ việc 21 ngư dân và hai tàu cá Việt Nam mang số hiệu QNg66101TS và QNg 66074TS bị Trung Quốc bắt giữ khi đang hoạt động tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, ông Lương Thanh Nghị cho biết nhiều lần Việt Nam đã nêu rõ lập trường của mình với phía Trung Quốc ở nhiều cấp khác nhau. Ông nhấn mạnh: "Trung Quốc cần tôn trọng lập trường và sớm đáp ứng những yêu cầu của Việt Nam, không để vụ việc ảnh hưởng tới quan hệ giữa hai nước".

Việc Trung Quốc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại sứ Trung Quốc để trao công hàm nêu rõ lập trường của Việt Nam, và đang tiếp tục đấu tranh để giải quyết vụ việc, bảo đảm lợi ích chính đáng của ngư dân Việt Nam.

Cũng trong chiều qua, về thông tin nói rằng Chính phủ đang dự thảo một nghị định trong đó đưa ra những quy định mới ví dụ như yêu cầu các công ty khai thác dịch vụ Internet nước ngoài phải mở trụ sở ở Việt Nam và người sử dụng các dịch vụ Internet và các mạng xã hội phải khai báo tên thật, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị khẳng định rằng, các tổ chức, cá nhân có quyền tự do sử dụng Internet phù hợp với các quy định của pháp luật.

Theo ông Nghị, như tại các quốc gia khác, Việt Nam cũng cần có những quy định luật pháp để điều chỉnh các hoạt động xã hội, trong đó có việc sử dụng Internet, nhằm đảm bảo ổn định và trật tự xã hội, tránh để internet bị lợi dụng vào việc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, giảm thiểu các tác động tiêu cực ảnh hưởng tới cộng đồng.

Hiện nay, dự thảo Nghị định này vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện, nhằm xây dựng những quy định phù hợp với luật pháp Việt Nam cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Q.M.

Nguồn Pháp Luật VN: http://www.phapluatvn.vn/thoi-su/201204/Hop-tac-dau-khi-giua-Viet-Nam-va-doi-tac-la-dung-luat-2065810/