Đã đến lúc “xách” con lên và đẩy ra khỏi nhà

Trong khi cha mẹ Việt lo đến phát sốt mỗi khi con cái muốn ở riêng, muốn sống độc lập, ở trời Tây thì ngược lại, cha mẹ lại phát chán vì những đứa con qua tuổi trưởng thành mà không chịu rời khỏi nhà.

Tất nhiên, thế giới của Failure to Launch (2006) không phải thế giới thực, nhưng là một bộ phim hài lãng mạn, nó có kết nối nhẹ nhàng với thực tế cuộc sống. Đào sâu hơn, bạn sẽ tìm thấy nỗi bất an trong các nhân vật.

Một Tripp (Matthew McConaughey) nghênh ngang, vênh váo, thừa sức tự nuôi mình, đã 35 tuổi nhưng lại có nỗi sợ mang tên “trách nhiệm”. Anh ta sợ chịu trách nhiệm về cuộc đời mình, anh ta càng sợ chịu trách nhiệm về cuộc đời một cô gái hay những đứa trẻ. Không chỉ vì nỗi mất mát của quá khứ, mà những cô nàng anh ta gặp cũng thực sự chẳng yêu gì anh ta. Họ sẵn sàng bỏ chạy ngay khi biết anh chàng còn sống cùng cha mẹ, mà không thắc mắc, không tìm hiểu và gỡ rối cho người mà họ dự định trở thành bạn đồng hành suốt cuộc đời.

Một cặp bố mẹ ra sức “đuổi” con ra khỏi nhà, nhưng mắc phải sai lầm kinh điển của những bậc làm cha mẹ. Đâu đó trong thâm tâm họ, vẫn luôn lo lắng đứa con của mình ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, khi ốm không ai kề bên. “Thằng bé sẽ làm gì với thế giới bên ngoài đó.” Họ muốn con ra khỏi nhà, đồng thời lại “sợ sẽ nhớ con”. Vậy là, anh chàng Tripp ngày ngày vẫn hạnh phúc với bữa sáng mẹ làm, quần áo mẹ là, bữa trưa mẹ gói, và đuổi hộ những cô bạn gái có ý định muốn anh ta chịu trách nhiệm. Một quản gia hoàn hảo mà những đứa trẻ cần.

Tripp, 35 tuổi, nhưng vẫn sống cùng cha mẹ, chơi điện tử với bạn bè, đồ ăn mẹ chuẩn bị. Trò chơi điện tử hay rượu chè là biểu tượng “né tránh” của những anh chàng không muốn đối mặt với điều gì đó trong cuộc sống. Với Tripp và những người bạn của anh ta, đó là trách nhiệm, với mình và với người khác.

Cha mẹ Tripp vẫn yêu con, nhưng họ biết cần phải tống đứa con không chịu lớn ra khỏi nhà. Vậy là, họ đành nhờ đến lực đẩy từ bên thứ ba: cô nàng hấp dẫn Paula (Sarah Jessica Parker) sẽ giúp những anh chàng “nhút nhát” này tìm lại được lòng tự trọng và sự tự tin, những yếu tố cần thiết để “xách ba lô lên và đi”. Tuy nhiên, đây cũng là nhân vật gây khó hiểu nhất. Cách cô nàng dẫn dắt những anh chàng như Tripp là khó hiểu. Người xem không hiểu được vì sao một mối quan hệ có thể tạo ra sự thay đổi lớn như vậy. Điều đó may chăng đúng với một anh chàng nhút nhát trong mối quan hệ, nhưng khó lòng có tác dụng với Tripp, người luôn không thiếu các cô gái. Nếu như không phải đạo diễn cố tình sắp xếp, Tripp chỉ là một khách hàng bình thường, liệu Paula có thành công? Và khi cô nàng xong nhiệm vụ, đột nhiên biến mất, những anh chàng này sẽ sa vào bi kịch gì? Có xảy ra hiện tượng “boomerang”, ra khỏi nhà rồi quay lại? Chẳng nhẽ các bậc phụ huynh, những người không nỡ đuổi con ra khỏi nhà, song lại sẵn sàng nhìn con đau khổ vì thất tình?

Rõ ràng, trong bộ phim này, ai cũng có vấn đề của mình. Kể cả Tripp, bố mẹ anh ta, những người bạn hay cô nàng Paula. Phải chăng vì vậy, sự mất cân bằng của các nhân vật lan sang cả tự nhiên, khi phần lớn những cảnh có động vật xuất hiện là con người lại bị tấn công? Đánh cho họ “tỉnh ngủ” và nhận ra vấn đề của mình? Nhưng tầng nghĩa này lại không được khai thác đủ sâu để làm nên một ý nghĩa có giá trị nào đó.

Failure to Launch không chỉ là một bộ phim, mà còn là hiện tượng “mất khả năng tự lập” - chỉ thanh niên, thường 19-28, thiếu công cụ để chuyển từ giai đoạn thiếu niên sống cùng cha mẹ thành người trưởng thành, biểu hiện bằng việc rời khỏi nhà và tự chăm lo cuộc sống của riêng mình.

Chuyện phim thì hài hước dí dỏm nhưng trong thực tế, đây là một giai đoạn đấu tranh không hề dễ dàng của những người trẻ và cha mẹ họ. Thiếu kỹ năng sống độc lập, nhiều bạn trẻ thất bại trong việc học đại học, không hòa hợp với đồng nghiệp, và căng thẳng thường xuyên với gia đình mình. Hậu quả xảy ra thường là lạm dụng “thuốc”, trầm cảm, tự ti và lo lắng. Điều gì khiến những người này không thể “cất cánh”? Nguyên nhân rất phức tạp.

Do môi trường có. Do kinh tế suy thoái có. Do bản thân người trẻ có. Nhưng do bố mẹ, một nguyên nhân rất Việt Nam, cũng có. Theo Huffington Post, nhiều gia đình không cho phép con được độc lập, không cho phép con được… thất bại khi còn trên ghế trường tiểu học và trung học (biểu hiện bằng điểm số trong các kỳ kiểm tra, kỳ thi), bởi sợ điều này ảnh hưởng đến lựa chọn học đại học, và từ một bằng cấp không mấy sáng sủa, các con có thể không kiếm được một công việc sáng giá, không thể trở thành “ông này bà nọ”. Trong khi đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: trẻ cần được thất bại , nó là yếu tố không thể tránh khỏi trên con đường trưởng thành của mỗi người. Người trẻ không có khả năng tự biết cách đối phó với hậu quả chỉ vì họ đến tuổi hay ra khỏi nhà. Khi người trẻ cảm nhận được hậu quả của thất bại, họ mới có xu hướng phát triển khả năng “đứng lên” và điều đó là cần thiết để con trẻ có thể “cất cánh” thành công.

Failure to Launch đủ tính giải trí nhưng thiếu phân tích tâm lý thực tế, vốn phức tạp hơn nhiều. Không có bàn tay đạo diễn, những cô nàng Paula đời thực không đủ để kéo người trẻ sợ hãi rời khỏi mái nhà bảo vệ họ bấy lâu. Sự hỗ trợ của gia đình (rộng hơn là cả nền kinh tế-xã hội) – không phải là đi “dọn rác” mà chỉ cách “dọn rác như thế nào” – mới là chìa khóa thích hợp để đưa một thiếu niên thành một người trưởng thành thực sự.

Xem thêm:

Cha mẹ vô tình đánh mất lòng tự trọng của con

Con đường đến trường: “Mạng xã hội” của trẻ em Nhật

Khoảng cách thế hệ là gì?

Có hay không một thế hệ lạc lõng ở Việt Nam?

Du Du

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-giai-tri/da-den-luc-%e2%80%9cxach%e2%80%9d-con-len-va-day-ra-khoi-nha