Đã đến lúc Qatar cắt 'những cái đuôi ăn bám'

Một trong những lý do chính tạo ra cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh là mối quan hệ gần gũi giữa Qatar với nhiều nhóm chính trị cực đoan ở Trung Đông, như Taliban ở Iran, Anh em Hồi giáo ở Hy Lạp và Al Qaeda ở Syria.

Đối với Qatar, Al Qaeda là một tổ chức giúp họ chống lại cả chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad lẫn lực lượng Nhà nước Hồi giáo ở Syria. Nhiều nhà tài trợ cho nhóm này lý giải nguyên nhân ủng hộ là bởi vì họ thấy Al Qaeda ở Syria là “phần tử cực đoan vừa phải” trong cuộc xung đột nhiều bên này.

Al Qaeda được các nhà tài trợ đánh giá là “chơi được”, chấp nhận dẹp lý tưởng của mình để làm hài lòng những cái đích mà nhà tài trợ của họ đưa ra. Cụ thể, họ sẵn sàng trở thành lực lượng chiến đấu chống lại chính phủ của ông Assad và thành lập một chế độ mới phục vụ cho những mục tiêu cụ thể được đưa ra. Phía Qatar cần chế độ Assad sụp đổ và mở rộng đường ống dẫn dầu cũng như ảnh hưởng của người Shia phải bị loại bỏ.

Thực tế, các nhóm cực đoan mà Doha tài trợ đều thất bại hoặc không thể tiến xa hơn trên mọi mặt trận. Và vì thế, giờ đây, Doha cần có một quyết định chính trị mạnh mẽ: Loại bỏ những thành phần “ăn bám” mang yếu tố khủng bố ra khỏi danh sách tài trợ của mình.

“Cái đuôi” Al Qaeda

Một bức tranh biếm họa về các hình thức tìm kiếm tài chính của các tổ chức khủng bố ở Trung Đông.

Al Qaeda ở Syria hiện vẫn là một thế lực và là một mối đe dọa lớn đối với phương Tây. Một báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào tháng 7/2016 cho biết, Al Qaeda ở Syria “vẫn là chi nhánh hiệu quả nhất của Al Qaeda trên toàn thế giới”. Nhiều tên khủng bố hàng đầu của nhóm này đã chuyển địa bàn hoạt động từ Syria sang Nam Á. Việc cắt nguồn cung tài chính cho nhóm này có vai trò rất quan trọng để ngăn chặn sự bành trướng của chúng ra toàn thế giới.

Tạp chí Foreign Policy của Mỹ bình luận, các nhà tài trợ và gây quỹ ở Vịnh Ba Tư từ lâu đã ủng hộ cho trụ sở chính của Al Qaeda cũng như các chi nhánh tại Iraq và Syria. Gần đây, hầu hết các chi nhánh của các tổ chức cực đoan này đã thay đổi phương pháp huy động tài trợ. Họ không tin tưởng vào các nhà tài trợ cá nhân và khai thác các nguồn từ thiện để che giấu các giao dịch.

Tuy nhiên, chi nhánh Al Qaeda ở Syria không như vậy. Theo Hội đồng Bảo an LHQ, vào tháng 1/2017, Al Qaeda ở Syria vẫn tiếp tục nhận các khoản tiền “chủ yếu từ bên ngoài”, cùng với các khoản tiền thu được từ bắt cóc con tin, tống tiền và lợi phẩm chiến tranh.

Nguồn thu của nhóm này khoảng 10 triệu USD mỗi năm, trong đó khoảng 7 triệu USD đến từ các nhà tài trợ ở vùng Vịnh, được tạo ra từ các mặt trận trực tuyến giả mạo. Hajjaj al-Ajmi, một người Kuwait bị LHQ trừng trị năm 2014, từng sử dụng Twitter để kêu gọi tài trợ cho Al Qaeda. Người này cùng đồng sự của mình đăng tải lời kêu gọi ủng hộ trên Facebook và WhatsApp cho các chiến binh ở Syria bao gồm “trang bị vũ khí, lương thực phẩm và thuốc men điều trị”. Nó tạo ra một quỹ tài trợ công khai cho Al Qaeda và các nhóm khủng bố khác ở Syria.

Vì lý do này, vào tháng 3/2014, Bộ trưởng Tài chính Mỹ lúc đó là ông David Cohen cáo buộc Qatar đã đặc biệt tài trợ cho khủng bố. Vấn đề không dừng lại chỉ ở ủng hộ Hamas, ông Cohen nhấn mạnh, mà người Qatar còn ủng hộ cho các tổ chức cực đoan khác hoạt động ở Syria. “Nói đến cùng”, ông kết luận, “điều này đe dọa sẽ làm trầm trọng hơn một tình huống vốn đã rất nguy hiểm và ngoài tầm kiểm soát”.

Theo một bài báo của Financial Times, Qatar đã bảo vệ cho các thành viên hoàng gia bị bắt cóc ở Iraq bằng việc trả hàng trăm triệu USD tiền chuộc cho Al Qaeda và các nhóm có liên quan. Nếu điều này là có thực, ngay cả khi các khoản tiền bị phóng đại quá mức thì tiền chuộc vẫn phải được chi từ ngân khố Qatar đến thẳng với Al Qaeda.

Mập mờ trong việc ngăn chặn hỗ trợ tài chính cho khủng bố

Qatar đã thực hiện một số hành động hạn chế nhằm chống lại việc hỗ trợ cho khủng bố như đóng băng tài sản, áp đặt lệnh cấm đi lại, đóng tài khoản, đóng cửa tổ chức từ thiện Madad Ahl al-Sham ủng hộ cho Al Qaeda ở Syria. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp nói trên, theo Foreign Policy bình luận, quốc gia vùng Vịnh này chỉ miễn cưỡng hành động dưới áp lực Mỹ tạo ra và miễn cưỡng công khai ghi nhận thành công.

Trong khi đó, hành động của Qatar thường lẫn lộn và không rõ ràng. Ví dụ như, Bộ Ngoại giao Qatar đã yêu cầu đóng cửa quỹ từ thiện trực tuyến Saad al-Kaabi chuyên quyên tiền cho khủng bố vào năm 2014 nhưng theo báo cáo của Bộ Ngân khố 1 năm sau đó vẫn thấy quỹ này ủng hộ tài chính cho Al Qaeda. Hay các lệnh cấm di trú đối với một số cá nhân gây quỹ cho Al Qaeda thường được đưa ra nhưng không ai xác nhận nó được thực thi đúng hay không.

Đặc biệt, Doha vô cùng qua loa trong việc xét xử các nhà tài trợ khủng bố. Theo báo cáo chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Qatar năm 2015, Doha đã “nỗ lực đáng kể truy tố các nhà tài trợ khủng bố”. Tuy nhiên, trong cả năm chỉ có 5 người bị xét xử và kết án. Và những năm sau đó, người ta vẫn thấy những kẻ bị xét xử án tù “lảng vảng” đâu đấy và tiếp tục hỗ trợ khủng bố bất chấp việc Qatar hứa sẽ “giám sát chặt chẽ” những người này.

Không có gì ngạc nhiên khi các quan chức Mỹ tiếp tục phàn nàn hồi đầu năm 2017 rằng, các nhà tài trợ khủng bố bị nước Mỹ chỉ điểm vẫn đang tiếp tục hoạt động “công khai và rộng rãi” cả ở Qatar và Kuwait. Qatar đã không đưa ra được những “quyết định cơ bản” trong việc chống lại tài trợ khủng bố, “chậm chạp” trong những bước đi cần thiết chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Đầu tháng 6/2017, Ả Rập Xê-út, UAE, Ai Cập và Bahrain đã chỉ đích danh 59 cá nhân và 12 tổ chức (bao gồm 5 tổ chức được Qatar bảo vệ) bị buộc tội hỗ trợ tài chính cho các tổ chức khủng bố và nhận tài trợ từ Qatar.

Đây là một mũi tên đau đớn đâm xuyên Qatar. Tuy nhiên, danh sách này đem lại một cơ hội tuyệt vời cho Qatar có cái cớ hợp lý để giải quyết hai vấn đề: Loại bỏ sự phiền hà từ các tổ chức chính trị cực đoan không hoạt động hiệu quả, tiết kiệm chi phí và giải quyết những mâu thuẫn ngoại giao với các quốc gia láng giềng của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh. Họ đã có những cái tên, việc còn lại là giải quyết những cái tên này dựa trên cam kết chống tài trợ khủng bố mà Doha đã ký ở Hội nghị thượng đỉnh Riyadh hồi tháng trước.

Chắc chắn Qatar đã quá trễ nải trong việc chấm dứt các hoạt động tài trợ khủng bố ở trong nước. Tuy nhiên, chậm mà vẫn giải quyết được còn hơn là không bao giờ giải quyết.

Phan Sương (Tổng hợp)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/da-den-luc-qatar-cat-nhung-cai-duoi-an-bam-post230153.info