Đã đến lúc dừng bảo hộ công nghiệp ôtô

Đã có quá nhiều bài học trong quá khứ về sự phá sản hàng loạt của các ngành được bảo hộ như sản xuất ximăng lò đứng, chương trình 1 triệu tấn mía đường, bảo hộ thép xây dựng hay ưu đãi để nội địa hóa với các liên doanh sản xuất ôtô tại Việt Nam, song kết quả là sau hàng chục năm ưu đãi, giá thành thép, ôtô sản xuất trong nước vẫn cao ngất ngưởng, trong khi kỳ vọng về phát triển các ngành công nghiệp này lại quá xa vời. Bài học xương máu để phát triển công nghiệp của VN mà TS Vũ Thành Tự Anh nêu ra là Nhà nước cần cân nhắc xác định những ngành công nghiệp ưu tiên hỗ trợ, mạnh dạn loại bỏ các ngành đang nằm trong danh mục hỗ trợ để không tiếp tục bơm vốn, buộc phải cạnh tranh.

TS. Vũ Thành Tự Anh- Giám đốc nghiên cứu Đại học Kinh tế TPHCM

Ông đánh giá như thế nào về các chính sách hỗ trợ các ngành công nghiệp trọng điểm, như ngành ôtô là một ví dụ, nhưng đổi lại hầu hết các ngành công nghiệp được bảo hộ đều không phát triển, thậm chí quá ỳ ạch?

- Việt Nam đã có rất nhiều bài học trong quá khứ như ximăng lò đứng, mía đường, bảo hộ cho ngành sản xuất thép xây dựng những năm 1990, hay chương trình tín dụng cho đánh bắt xa bờ… Đặc điểm chung của tất cả các ngành công nghiệp (CN) ưu tiên là đều thất bại. Vì sao? Đó là chúng được bảo hộ nhưng không dựa vào lợi thế so sánh, không bị cạnh tranh, từ đó triệt tiêu động lực để phát triển.

Đối với ngành CN ôtô, từ năm 1995 chúng ta đã bảo hộ, tạo rất nhiều ưu đãi như miễn giảm thuế, miễn giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất ôtô tại VN, và đến nay, sau hơn 20 năm vẫn duy trì chính sách bảo hộ. Còn nhớ, vào những năm 90, các Cty hàng đầu như Toyota, Nissan hứa là sau khoảng 10 năm đạt tỉ lệ nội địa hóa 40%, nhưng tới thời điểm này tỉ lệ nội địa hóa cao nhất mới đạt 10%. Có nghĩa là mặc dù được rất nhiều ưu ái, nhưng các DN này vẫn chưa tạo ra được lực đẩy phát triển ngành CN ôtô trong nước.

Trong khi đó, thời điểm cận kề là năm 2018, thuế nhập khẩu ôtô từ các nước ASEAN sẽ về mức 0% nên các DN cho rằng, họ sẽ quay sang nhập khẩu là chủ yếu thay vì sản xuất trong nước. Tôi cho rằng vấn đề là cần phải thay đổi chính sách đối với ngành ôtô, phải tạo ra một môi trường cạnh tranh đúng nghĩa, nếu cứ tiếp tục bảo hộ thì bất kỳ lúc nào thuế nhập khẩu giảm, thì họ (các DN ôtô nước ngoài) sẽ đưa ra thông điệp là không lắp ráp ở VN nữa, mà nhập thẳng về bán vì như vậy sẽ rẻ hơn. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là phải tạo ra được năng lực nội địa. Một lý do là vì sao các DN ôtô không tăng được hàm lượng nội địa hóa là vì không có các nhà cung ứng nội địa, không phát triển được các ngành CN hỗ trợ, đặc biệt là phát triển các DN dạng vừa để kết nối được vào chuỗi giá trị toàn cầu và trở thành nhà cung ứng cho các DN chuyên sản xuất ôtô.

Trên thực tế, Việt Nam đã nhìn ra những điểm yếu này và đã có chủ trương phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng vì sao vẫn èo uột?

- Vấn đề là ở chỗ muốn phát triển các DN vừa để kết nối các nhà sản xuất nội địa với các nhà sản xuất lớn hay các tập đoàn kinh tế lớn, tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu thì VN bên cạnh các chính sách hỗ trợ phải đi đôi với hệ sinh thái là môi trường đầu tư, kinh doanh. Hiện VN có tới 96% là các DN nhỏ và siêu nhỏ, chỉ khoảng 2% là DN lớn và một con số tương đương (2%) DN vừa. Tỉ lệ DN vừa quá ít ỏi để có thể kéo theo số lượng DN nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị. Thêm vào đó, theo một đánh giá của VCCI, thì DN vừa ở VN kém phát triển là bởi họ phải chịu chi phí cho hàng loạt các khoản phí “bôi trơn”, bình quân chiếm khoảng 5-10% doanh số của DN. Điều này là quá sức đối với họ khiến họ không thể lớn và không muốn “lớn”.

Thêm vào đó, theo một nghiên cứu của Đại học Fullbrigh thì do không được chuyển giao công nghệ và được duy trì chính sách bảo hộ nên cái gọi là công nghệ cao, công nghệ nguồn thu hút vào VN thì giá trị gia tăng ở trong nước chỉ là một phần rất nhỏ. Chẳng hạn như Intel đầu tư vào VN nhưng có đến 97% linh phụ kiện sản xuất chip điện tử Intel vẫn nhập từ các nước khác, chủ yếu là từ Trung Quốc rồi bán lại vào VN, chỉ có 3% linh kiện vô cùng giản đơn được sản xuất tại VN.

Tương tự với Samsung, có đến 92% sản phẩm điện thoại di động Samsung là do nhà đầu tư nhập khẩu, phần còn lại (8%) sản xuất tại VN chỉ là tận dụng nhân công rẻ, đất đai rẻ, điện rẻ và môi trường rẻ, v.v… Như vậy về mặt hình thức là thành công khi gọi được nhà đầu tư công nghệ cao vào VN, nhưng thực chất chỉ là công nghệ gia công, lắp ráp, chưa tạo ra được sự đột phá về chuyển giao công nghệ, tạo được giá trị gia tăng trong nước.

Như vậy, có nghĩa là VN đang phải gánh những hậu quả do chính sách bảo hộ sai lầm. Vậy theo ông để phát triển các ngành CN, VN cần phải làm gì?

- Trong khi thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì VN đang ở xuất phát điểm rất thấp, do chúng ta vẫn đang ở ngưỡng cửa cách mạng CN lần thứ 2, là lắp ráp và cơ giới hóa. Hiện Bộ Công thương đã chọn ra được 6 ngành hàng công nghiệp chủ lực cần ưu tiên phát triển, nhưng trong 6 ngành hàng này, tôi cho rằng vẫn còn rất nhiều ngành bảo hộ không đúng và không trúng. Vậy thì phải nhanh chóng thay đổi tư duy nếu như không muốn tiêu tốn thêm nguồn lực tiền bạc và thời gian cho những sản phẩm này.

Tôi cho rằng, Chính phủ phải kiên quyết không hỗ trợ cho những ngành không có lợi thế cạnh tranh. Thay vì hỗ trợ những ngành này, cần có chính sách hỗ trợ các ngành hàng có khả năng xuất khẩu, như các ngành dệt may, da giày, thủy hải sản... đã chịu sự cạnh tranh và vươn ra thế giới. Đây không chỉ là một cách để mở rộng thị trường, mà vì hỗ trợ cho các DN có năng lực xuất khẩu, đã được sàng lọc qua cạnh tranh, bản thân họ đã là một phép thử vì nếu họ cạnh tranh được ra thế giới chứng tỏ họ rất thành công và xứng đáng được ưu đãi. Việc hỗ trợ cho những ngành có năng lực cạnh tranh cũng cần có thời hạn, có điều kiện không phải hỗ trợ bằng mọi giá.

- Xin cảm ơn ông!

Hồng Quân (thực hiện)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/da-den-luc-dung-bao-ho-cong-nghiep-oto-646839.bld