Đã cảnh báo sớm nhưng tai nạn không giảm

Từ 17 giờ ngày 1-9, chúng tôi đã tìm hiểu tại các bến xe, ga tàu, bến thủy nội địa chủ yếu tại nhiều thành phố lớn và thấy rằng các bến xe, nhà ga... phải chịu sức ép rất lớn do lượng người sử dụng dịch vụ vận tải tăng đột biến. Tại các bến xe lớn như: Mỹ Đình, Nước Ngầm (Hà Nội), Miền Đông và An Sương (TP Hồ Chí Minh), lưu lượng người, phương tiện rất đông vào giờ cao điểm. Ban quản lý bến xe phải huy động tối đa lực lượng để duy trì trật tự bên trong, bên ngoài cổng chính và khu vực xe xuất bến.

Dù đã lên kế hoạch từ sớm nhưng Bến xe Mỹ Đình dường như vẫn bị động, vất vả trong những ngày vừa qua. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Bến xe Mỹ Đình, cho biết: "Chúng tôi đã chủ động tăng chuyến, huy động thêm phương tiện với hơn 100 xe khách loại từ 16 đến 29 chỗ ngồi vào hai ngày 1 và 4-9. Ngoài ra, bến đã phối hợp với Xí nghiệp Xe buýt Hà Nội điều động xe trung chuyển từ các tuyến nội thành đến bến và ngược lại. Tình hình an ninh trật tự đến 18 giờ ngày 4-9 vẫn được duy trì tốt, không xảy ra hiện tượng chen lấn, xô đẩy, trộm cắp, móc túi trong và ngoài bến xe. Tuy nhiên, do lượng người, phương tiện tăng cao quanh khu vực bến nên giao thông kiểm soát khó khăn".

Ùn tắc giao thông ở cửa ngõ vào TP Hồ Chí Minh sau kỳ nghỉ lễ 2-9. Ảnh: TTXVN

Giao thông tại các bến tàu, nhà ga cũng chịu sức ép tương tự. Trên tuyến đường Lê Duẩn (Hà Nội) là đường chính để vào ga phía Nam và cũng là đường chính để các phương tiện đi từ nội thành ra Quốc lộ 1 về các tỉnh phía Nam và ngược lại, theo quan sát của nhóm phóng viên, lưu lượng người, phương tiện tại đây ngày 1 và 4-9 tăng đột biến. Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 4, Công an TP Hà Nội đã lập 3 tổ công tác. Riêng khu vực cửa ga Hà Nội bố trí một tổ điều hành giao thông và một tổ tuần tra cơ động để xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Các chiến sĩ vừa điều tiết, phân luồng, hướng dẫn các phương tiện di chuyển vừa phải phối hợp duy trì trật tự tại khu vực bên ngoài nhà ga.

Duy trì TTATGT tại nút giao Khâm Thiên-Lê Duẩn, Thượng úy Trần Xuân Quỳnh, Đội CSGT số 4 cùng đồng đội đã phải di chuyển, trao đổi thông tin liên tục với các đơn vị để giảm tải cho tuyến đường cửa ngõ Thủ đô. Anh Quỳnh chia sẻ: "Chiều ngày 1-9 và 4-9, lượng phương tiện từ nút giao này đổ ra đường Giải Phóng và ngược lại rất lớn, gây ùn tắc cục bộ. Các phương tiện lưu thông cùng lúc tạo "nút thắt cổ chai" tại các nút giao thông Đại Cồ Việt - Lê Duẩn, Giải Phóng - Phương Mai, Trần Nhân Tông - Quang Trung. Nếu chúng tôi không phối hợp chặt chẽ sẽ khó kiểm soát được tình hình".

Nội thành dễ ùn tắc, ngoại thành và các tuyến quốc lộ cũng "căng thẳng" không kém. Sức ép lớn đè nặng lên các tuyến tỉnh lộ nơi có các khu nghỉ dưỡng như Hạ Long, Sầm Sơn, Cửa Lò, Vũng Tàu, Mũi Né... khiến giao thông ùn tắc kéo dài. Cùng với đó là tình trạng vi phạm TTATGT do các phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn. Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong 3 ngày nghỉ lễ, toàn quốc xảy ra 75 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 58 người, bị thương 58 người. Các vụ tai nạn phần lớn do chủ quan và chủ yếu xảy ra tại các trục đường lớn, trục đường liên thôn, liên xã.

Cục CSGT đã huy động các đội tuần tra, lập nhiều trạm kiểm soát để cải thiện tình hình. Bám đường từ sáng 1-9, Đại úy Nguyễn Xuân Phong, Cục CSGT thông tin: "Lượng phương tiện tăng cao tại các tuyến Quốc lộ 1, 3, 18 và 21, đặc biệt là ô tô khách, xe du lịch, xe gia đình. Tình trạng vi phạm tốc độ, chạy sai phần đường, lấn làn diễn ra phổ biến. Nguyên nhân là do mật độ giao thông cao, nhiều người điều khiển phương tiện trong tâm trạng vội vã".

Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Trọng Thái cho biết: "Tình hình TTATGT trong dịp nghỉ lễ được bảo đảm. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng như vụ tai nạn khiến 3 người chết tại Hưng Yên; vụ tai nạn đường sắt lúc 12 giờ 30 phút ngày 4-9 tại đoạn Cầu Ngang, thuộc xã Cà Ná, huyện Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận) làm 2 người tử vong".

Theo ông Nguyễn Trọng Thái, tai nạn giao thông trong 3 ngày nghỉ chủ yếu là do người điều khiển phương tiện mô tô, xe máy vi phạm chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ, thiếu quan sát, đi sai phần đường, làn đường, vi phạm quy định nồng độ cồn, không bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện. Đây cũng là lý do khiến số vụ tai nạn tăng so với cùng kỳ năm trước (trong 3 ngày nghỉ lễ từ ngày 2 đến ngày 4-9-2016, toàn quốc xảy ra 71 vụ tai nạn, làm chết 33 người, bị thương 59 người).

Hạn chế vấn nạn tắc đường, kiềm chế TNGT vào những ngày lễ, Tết không phải việc dễ dàng, đòi hỏi phải có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Các cấp, các ngành, các lực lượng CSGT dù có cố gắng, nỗ lực đến mấy cũng không thể giảm tai nạn nếu không có sự hợp tác, nỗ lực của nhân dân. Vì vậy mỗi người dân phải có ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông, tự bảo vệ mình và bảo vệ gia đình mình là chính.

Từ những ngày nghỉ vừa qua, nhìn vào những con số về TNGT thì thấy còn nhiều điều phải lo, còn nhiều việc các cấp, ngành chức năng phải làm. Trong đó cần phải tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng; duy trì, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm TTATGT. Hệ thống thông tin qua đường dây nóng cũng cần tiếp tục củng cố, bảo đảm hoạt động thường xuyên. Cuối cùng, phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục để người dân nâng cao hơn nữa ý thức tự giác khi tham gia giao thông.

TUẤN NAM - CTV

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/da-canh-bao-som-nhung-tai-nan-khong-giam-516930