Cứu vãn một sự nuối tiếc!

Việc đóng cửa một rạp chiếu phim mini có tên là Hanoi Cinematheque để xây dựng một tổ hợp dịch vụ thương mại, văn hóa và đang khiến dư luận ở Hà Nội ồn ào.

Kể cũng lạ, trong bối cảnh các rạp chiếu phim Thủ đô đang thưa thớt khán giả thì việc chấm dứt hoạt động của cái rạp nhỏ xíu chưa đầy 100 ghế kia có gì đáng bàn?

Tìm hiểu ra mới biết, Hanoi Cinematheque được sinh ra từ tình yêu điện ảnh của một người Mỹ có tên là Gerald Herman. Ông đến Việt Nam từ năm 1992 và đã bỏ ra nhiều công sức và tiền bạc để xin thủ tục, thuê nhà, dựng rạp. Rồi với tình yêu của mình, ông đã mang nhiều bộ phim quý giá khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam để chiếu miễn phí cho tất cả ai trót “phải lòng” bộ môn “nghệ thuật thứ 7” tại khu sân vườn của tư nhân ở số nhà 22A Hai Bà Trưng, trong một con ngõ nhỏ.

Cái rạp chiếu phim mini chưa đầy 100 chỗ ngồi ấy có tên là Hanoi Cinematheque. Sau nhiều năm, nó đã có một vị trí nhất định trong đời sống văn hóa tại Hà Nội.

Theo lời kể của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, vào năm 2006, khi Quỹ Ford đầu tư Dự án Điện ảnh tại Trường ĐH KHXH&NV, chị được giao dạy môn Lịch sử Điện ảnh thế giới. Lúc đó không thể tìm đâu ra phim cho sinh viên xem, ngay cả trường ĐH Sân khấu Điện ảnh dạy môn này cũng chỉ là dạy “chay”. Ông Gerald Herman (chủ rạp phim Hanoi Cinematheque) đã cung cấp phim cho chị. Nhờ đó mà chị và các học viên Việt Nam thời đó mới xem được đủ phim cần tìm.

Không chỉ đạo diễn Nhuệ Giang mà còn rất nhiều nghệ sĩ, diễn viên điện ảnh và những người hâm mộ đã để lại nhiều hình ảnh tốt đẹp về Hanoi Cinematheque trong tâm cảm của mình.

Chính vì thế, khi biết tin Hanoi Cinematheque ngừng hoạt động, nhiều người không khỏi nuối tiếc.

Tuy nhiên, văn hóa đích thực vốn là một giá trị luôn luôn được thử thách bằng thời gian. Hanoi Cinematheque vốn sinh ra từ một con người cụ thể là ông Gerald Herman, và nó tồn tại được cũng lại nhờ vào một con người cụ thể khác, đó là chủ ngôi nhà 22A Hai Bà Trưng. Nay cả 2 chủ thể này đều không có nhu cầu để Hanoi Cinematheque tồn tại, vậy nó sẽ được thử thách về thời gian như thế nào đây?

Có thể hình tượng thế này, trong một ngôi nhà cũ nát, xập xệ kia có một chiếc bình cổ. Người thì bảo đấy là bình quý và ngược lại, nhưng chắc chắn không nên và không thể can ngăn chủ ngôi nhà khi họ muốn sửa sang hoặc xây lại ngôi nhà mới của mình.

Nếu cái bình cổ kia là quý thật, tôi tin rằng chủ nhà sau khi có nhà mới sẽ mãi mãi nâng niu nó như một vật báu. Còn nếu không, thì nó cũng chỉ là một kỷ niệm khó quên mà thôi.

Nguyễn Hoàng Linh

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/cuu-van-mot-su-nuoi-tiec.html