Cứu làng cổ bắt đầu từ đâu?

Làng cổ Đường Lâm bỗng trở thành đề tài nóng bỏng trong những ngày qua khi hàng chục hộ dân xin trả danh hiệu di tích lịch sử cấp quốc gia vì đã quá bí bách với cuộc sống trong không gian văn hóa chật chội và xập xệ. Sự việc khiến nhiều người phải giật mình nhìn lại, bức xúc đâu chỉ ở Đường Lâm. Biết bao di sản đang tàn lụi và người dân phải cố gắng xoay xở để cố giữ cái danh hiệu chẳng đem lại sự bình an cho chính họ.

Khó sống vì muốn giữ nét cổ

Lý do mà người dân Đường Lâm đưa ra khi từ chối cái danh hiệu Di tích kiến trúc – nghệ thuật quốc gia là cuộc sống của họ đang bị đảo lộn. Nhà cửa chật chội, nóng bức, xập xệ nhưng không được phép sửa chữa, cơi nới nâng cấp vì sợ mất đi kiến trúc cổ “quý giá”. Trong khi đó, dân số cứ tăng dần đều, đất không “nở ra”, nhà cũng không được nới rộng.

Vậy nên, từ lén lút đến công khai, các ngôi nhà cao tầng, hiện đại xuất hiện ngày càng nhiều, lổn nhổn giữa những mái ngói thâm nâu, phá tan cái nét cổ kính vốn được coi là di sản quốc gia. Đã có người xây được thì nhiều người khác cũng muốn cơi nới, mở mang nhà cửa. Trớ trêu thay, nhà xây xong cũng bị bắt dỡ, dù hàng xóm ung dung sống trong những căn nhà mới. Sự tù túng, bức bối cứ dồn nén để đến lúc không chịu được các gia đình đồng loạt lên tiếng đòi trả lại cái danh di sản.

Mà chẳng riêng gì Đường Lâm, Việt Nam còn nhiều làng cổ lắm song hầu hết đều trong tình trạng xuống cấp. Điển hình như Phước Tích, ngôi làng thứ hai được cấp bằng di sản kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia sau Đường Lâm. Hầu hết các nhà đều bị mối mọt, đục ruỗng, gạch bong, mái đổ. Mặc dù họ có ý thức giữ gìn nhưng vì nhu cầu an sinh và cũng vì an toàn cho chính gia đình họ mà các ngôi nhà đều được sửa chữa. Song việc sửa sang này cũng chỉ là tự phát, hơn nữa phần lớn các gia đình đều chỉ sống dựa vào nghề nông, điều kiện tài chính eo hẹp nên việc sửa chữa mang tính chắp vá, giải quyết nhu cầu tạm thời, khó lòng tuân theo thiết kế riêng cho nhà cổ.

Bên cạnh đó, áp lực dân số, tốc độ đô thị hóa đang dần “xóa sổ” những ngôi nhà cổ, thậm chí với tốc độ tăng dần đều. Chỉ cách đây 4-5 năm, làng Cự Đà bên dòng sông Nhuệ là nguồn cảm hứng sáng tác của biết bao nghệ sĩ bởi những mái nhà cổ kính hằng trăm tuổi, được coi là làng cổ đẹp nhất vùng châu thổ Bắc Bộ. Tại đây có những ngôi nhà mang kiến trúc Việt cổ, bên cạnh những ngôi biệt thự Pháp xưa, những công trình sinh hoạt công cộng điển hình của làng Việt. Vậy nhưng, sau khi dự án khu đô thị mới được thực hiện tại đây, với số tiền đền bù có được, người ta đã sẵn sàng phá bỏ những ngôi nhà cũ kỹ, được xếp vào hàng hiếm hiện nay, để xây lên những biệt thự lai căng na ná như nhau. Dù đã có rất nhiều văn bản kiến nghị, cũng như hàng loạt cuộc khảo sát của những cơ quan liên quan, song làng cổ Cự Đà giờ gần như chỉ còn trong ký ức.

Ngay giữa Hà Nội, làng Hòa Mục được biết đến bởi cái nét cổ kính, phong tình. Song ngôi làng này cũng đang phải vật lộn với cơn lốc đô thị hóa. Thật khó để giữ lại những mái ngói lô xô khi trước mặt là con đường lớn sầm uất, là những tòa nhà cao tầng hiện đại với nhiều cám dỗ. Giờ thật khó ai nhận ra Hòa Mục là làng bởi chỉ còn lại dăm ba ngôi nhà cũ, những khu vườn cây xum xuê đã bị phá bỏ dành đất cho những dãy nhà cho thuê. Những con đường gạch quanh co chạy giữa hai hàng cây xanh giờ cũng khó nhận thấy, thay vào đó là tường rào, là nhà cao hun hút.

Đến như khu 36 phố phường đi vào sử sách Hà Nội cũng đang chao đảo bởi tính thương mại và chẳng khác Đường Lâm là mấy khi mấy chục con người phải chen chúc trong những ngôi nhà hai chục mét vuông, tối tăm và nhếch nhác. Những khung nhà gỗ ọp ẹp như có thể sụp đổ, bốc cháy bất cứ khi nào.

Chỉ cần nhìn lại những di sản ấy thôi cũng đủ thấy chua xót đến nhường nào.

Bảo tồn theo hướng nào?

Trước bài toán giữ lại văn hóa cổ, và đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân, các nhà nghiên cứu cũng như cơ quan chức năng đã rất nhiều lần họp bàn. Hàng loạt các hội thảo được tổ chức, hầu hết các ý kiến đều đồng tình rằng cần phải giữ vốn cổ. Nhưng giữ như thế nào lại là một bài toán khác.

Thực tế đã có nhiều giải pháp, dự án được đưa ra. Song rất hiếm có dự án nào được thực thi. Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm - từng cho biết ngay khi được công nhận là di tích, chính quyền và các đoàn thể địa phương rất chú trọng vận động người dân gìn giữ nhà cổ. Tuy nhiên, nhu cầu mở rộng không gian sinh hoạt là rất cao, trong khi đó quy định bảo vệ di sản là không cho phép xây dựng, cải tạo nhà ở. Dự án giãn dân thì đã có ngót chục năm nhưng đến nay vẫn chỉ dừng ở trên giấy tờ.

Có lẽ các nhà quy hoạch đã quá mải mê phát triển đô thị, đổi đất và không gian làng quê để lấy chung cư biệt thự vì lợi ích kinh tế trước mắt. Vậy nên lúc chợt nhớ đến cũng là lúc quỹ di sản mất mát quá nhiều, các ban ngành lại cuống quýt vào cuộc. Song những giải pháp đưa ra thì luôn mắc phải vấn đề kinh phí, ngay cả những địa danh đã mở dịch vụ du lịch với hy vọng nguồn thu để duy tu, bảo tồn. Người dân làng Đường Lâm chấp nhận chịu cảnh sống chật chội nhường chỗ cho các hoạt động khai thác du lịch những mong được cải thiện đời sống, có được quỹ bào tồn nhưng chính họ lại không được hưởng bất kỳ một khoản hỗ trợ hay lợi nhuận từ tiền bán vé tham quan. Đến cả người thân các hộ trong làng đến chơi cũng bị ban quản lý thu phí một cách “vô lý”.

Làng cổ Phước Tích tỏ ra mệt mỏi không kém bởi thu nhập chẳng đáng là bao trong khi vừa mất tiền, mất thời gian mà cuộc sống còn nhiều khó khăn. Cả năm 2012 chỉ đón 600 lượt khách, 4 tháng đầu năm 2013 chưa tới 400 lượt. Trước đây các công ty du lịch chỉ cần ký hợp đồng trực tiếp với từng hộ dân, tuy nhiên bây giờ mọi việc phải thông qua ban quản lý thủ tục rườm ra khiến người dân nản, chẳng còn hào hứng như ban đầu.

Làng Cự Đà cũng rục rịch mở tour thăm quan làng nghề, song hầu như chẳng có khách nào đến chơi. Thảng hoặc người ghé thăm thì địa phương cũng chẳng thu được đồng nào. Hơn nữa, dù Sở Văn Hóa thông tin tỉnh Hà Tây cũ đã gắn cho Cự Đà tấm biển làng du lịch, song chẳng có hoạt động, chương trình nào quảng bá, cũng như chẳng có một tour nào được giới thiệu. Cộng thêm với đó là sự biến mất của những nét văn hóa làng cổ, cảnh nhếch nhác, ô nhiễm của làng nghề khiến cho Cự Đà chẳng còn đâu sức hấp dẫn. Vậy nên cái nguồn thu vẫn ở “nơi xa lắm”.

Bỏ qua vấn đề kinh phí, việc bảo tồn cũng là một quá trình khó khăn, đòi hỏi kiến thức chuyên môn về lịch sử và quy hoạch cụ thể, nếu mặc “mạnh ai người nấy làm” sớm muộn cũng đánh mất hết các giá trị truyền thống của các căn nhà cổ. Theo ông Phạm Đức Hân, Giám đốc Công ty cổ phần Bảo tồn di sản văn hóa Việt, di tích gắn với cộng đồng, trước hết phải giáo dục ý thức cộng đồng để người dân tự có ý thức bảo tồn. Nếu dân không làm được, bảo tồn ngoài khả năng của họ, thì Nhà nước phải quan tâm để giúp dân. Nếu cứ chờ vào chế tài, luật pháp, trong hoàn cảnh mà luật bảo tồn di sản chúng ta còn chưa hoàn thiện, thì đến lúc xây dựng được chế tài, chẳng còn gì mà bảo tồn nữa. Hơn nữa, nếu quả thực dân muốn giữ gìn nhà cổ thì lại chưa nhìn thấy cái quyền lợi mà lẽ ra họ được hưởng hay những lợi ích lâu dài cho sự hy sinh của chính họ.

Nói đi nói lại cũng chỉ thấy rằng, điểm yếu cơ bản nhất chính là năng lực quy hoạch, năng lực quản lý. Chẳng cần nhìn đâu xa, chỉ ngay Hội An cũng đã là một ví dụ cho sự bảo tồn thành công phố cổ. Ý thức bảo tồn, gìn giữ đã ăn sâu vào mỗi người dân và cán bộ quản lý mỗi di tích đều đặt lợi ích chung lên hàng đầu. Hơn nữa, gia đình nào giữ lại nhà cổ sẽ được thưởng tiền. Kinh phí để bảo tồn được thực hiện theo mô hình nhà nước và nhân dân cùng làm, hoặc nhà nước đầu tư 100%, lập dự án thuê chuyên gia giúp dân. Bên cạnh đó, tuy chưa thật sự là hoàn hảo, song Hội An đã biết tổ chức phát triển bền vững các dịch vụ du lịch, thương mại mà không làm ảnh hưởng xấu đến di sản tạo điều kiện thuận lợi cho dân làm du lịch...

Một chuyên gia trong ngành bảo tồn nhận định rằng, nếu dân vẫn nhất quyết dỡ bỏ nhà cổ thì ngành văn hóa cũng nên khoanh vùng trọng điểm một số nhà cổ điển hình để bảo tồn, hoặc mua lại những ngôi nhà cổ đã bị dỡ bỏ. Nếu không thể giữ lại tại địa phương thì có thể dựng lại những ngôi nhà đó để giữ lại những kiến trúc có sẵn từ hàng trăm năm, có như vậy sẽ không lo phải dựng lên những ngôi nhà giả cổ để bảo tồn hay nỗi lo văn hóa mất gốc như hiện nay.

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/cuu-lang-co-bat-dau-tu-dau