Cứu hộ 116 - Họ là ai?

TP - Để đảm đương được công việc cứu hộ, Trung tâm 116, đòi hỏi phải có những người thực sự gan góc, bản lĩnh và biết hy sinh. Có dịp theo chân đội cứu hộ, chúng tôi không khỏi ớn lạnh khi chứng kiến cảnh họ phải ăn ngủ bên cạnh tử thi. Chiếc xe bị nạn được lực lượng 116 giải cứu.

Ăn ngủ cạnh tử thi

Một lần theo đoàn liên ngành công an, thanh tra giao thông tác nghiệp, chúng tôi đã có dịp mắt thấy tai nghe những công việc đặc biệt của những người lính 116.

Anh Phạm Huy Minh, Đội trưởng Đội xe dịch vụ Cứu hộ 116 cho biết: Hiện Trung tâm cứu hộ 116 không chỉ lo cứu nạn mà còn tham gia vào các công việc khác, ví dụ như vụ “giải cứu” nhà nghiêng ngày 25-10-2011 ở Đầm Trấu (phường Bạch Đằng, Hai Bà Trưng – Hà Nội), hay trường hợp nổ khí gas gây sập nhà xảy ra vào ngày 3 -11-2011, tại ngõ 22 Tạ Quang Bửu, rồi phối hợp với lực lượng chức năng để kéo xe vi phạm…

Qua cuộc trò chuyện ngắn ngủi mà ấn tượng với anh Minh, tôi thử đề nghị với anh mong muốn được sát cánh cùng đội xe để tham gia cứu hộ. Anh Minh khá cởi mở, lập tức đồng ý.

Tôi không phải đợi lâu, ngay hôm sau, vào khoảng 23 giờ đêm, khi vừa chợp mắt, bỗng nhận được điện thoại của anh Minh báo có vụ tai nạn nghiêm trọng ở Lai Châu, lập tức tôi bật dậy, chuẩn bị hành lý lên đường.

Tài xế cừ khôi Lê Anh Tuấn trên ca-bin xe cứu hộ. Ảnh: M.Đ.

Trên đường đi, tài xế Lê Anh Tuấn quê Cao Bằng cho biết, Tuấn làm việc cho Trung tâm cứu hộ 116 từ năm 2004, trước đó dù đã từng lái xe tải, xe ben, xe bánh xích, rồi xe cẩu, nhưng vẫn không tránh khỏi cảm giác hãi hùng khi đi “giải cứu” những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Số là khi đi cứu hộ vụ tai nạn ở Lạng Sơn, Tuấn không chỉ cẩu xe, kéo xe, mà còn phải dùng xe của mình móc cáp vào để xé ca bin đưa nạn nhân nằm kẹt bên trong ra khỏi xe.

Khi kéo được chiếc ca bin ra thì cơ thể những nạn nhân cũng rời mỗi nơi một mảnh, Hình ảnh ấy cứ ám ảnh Tuấn suốt tuần.

Anh Minh, Đội trưởng và là người đã có hơn 12 năm lặn lội trên các cung đường cứu hộ, dáng dấp phong trần sương gió, bặm trợn, kể: Có lần chúng tôi được giao đi kéo chiếc xe khách hiệu Ford Trannsit rơi xuống vực trên Quốc lộ 6, thành xe bị bẹp rúm, có đến 6 tử thi kẹt trong xe, vì thế, chúng tôi đã phải đóng cọc, dùng dây cáp cố định một bên thành xe lại, bên kia móc cáp để giật thành xe còn lại ra.

Sau hàng giờ loay hoay cũng đưa được các nạn nhân ra ngoài. Tuy nhiên lúc đó các nạn nhân đã không còn nguyên vẹn nữa.

Để kéo được chiếc xe Ford Trannsit về tới Hà Nội, phải mất 2 ngày đêm. Vì xe dính đầy vết máu nên đội không dám dừng đỗ tại các quán ăn mà chỉ mua nước lọc và bánh bì.

Đêm đến phải dừng xe bên vệ rừng mà nghỉ, các thành viên trong đội chẳng ai chợp mắt, vì hễ nhắm mắt lại là những cảnh tượng vụ tai nạn hãi hùng lại hiện ra...

Vừa chuyện trò, xe chúng tôi cũng gần tới điểm cứu hộ. Bỗng dưng từ đâu đất đá đổ ụp xuống trước mũi xe, có lẽ chỉ cách đầu xe chúng tôi vài mét. Hú vía!

Địa điểm xảy ra vụ tai nạn là huyện Mường Tè (Lai Châu). Dõi mắt xuống vực sâu là chiếc xe tải BKS 30F-7887 của một công ty xây dựng tại Hà Nội, đang nằm “ngửa bụng” lên trời, bốn phía xung quanh cây cối đổ rạp.

Khi xảy ra tai nạn, người lái văng ra khỏi vệ đường, phụ xe bị dập lá lách, gan, gãy chân.

Đội trưởng Phạm Huy Minh nhanh như sóc, luồn theo con đường chuột chạy tiếp cận hiện trường. Sau nửa giờ quan sát, nghiên cứu địa hình, anh Minh nhanh chóng giao nhiệm vụ cho từng người.

Từ việc cột dây cáp, đóng cọc đặt tời, dùng xẻng tạo thành con đường tạm, rồi đến việc đặt các con lăn… đều phải chuẩn xác để kéo chiếc xe lên mà ít thiệt hại nhất.

Sau khi đóng cọc định vị chiếc xe cứu hộ, chiếc cáp bắt đầu nhích dần rồi căng lên như dây đàn, chiếc xe bị nạn được kéo dần lên như “mèo cõng chuột”.

Tưởng đi cứu hộ cùng lắm 2 - 3 ngày là xong, ai ngờ lần đó chúng tôi phải uống nước suối, ngủ rừng gần 1 tuần, vì núi rừng heo hút, mất mấy ngày đường sá mới thông.

Cũng may trong hành trang của các chiến sỹ cứu hộ 116, kinh nghiệm đã dạy họ có đủ lương khô, bánh mì, nước uống, nồi niêu và bếp ga mi ni để đun nấu.

Ứng biến mọi hoàn cảnh

Chiếc xe tải bị nạn tại hiện trường.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Bùi Xuân Duyên, Giám đốc Trung tâm cứu hộ 116 cho biết: Hiện mỗi tháng Trung tâm giải cứu gần 600 vụ các loại, từ xe vi phạm, xe hỏng đến xe tai nạn…

Theo ông Duyên, để giữ chân người làm, Trung tâm phải đưa ra không ít chính sách hậu đãi, bởi công việc cứu hộ là công việc đặc biệt, nó đòi hỏi sức khỏe, sự thông minh lanh lợi và bản lĩnh, do có nhiều tình huống cần xử lý nhanh và chính xác.

Không chỉ kéo xe, nhiều khi là cả mạng người, chưa kể những lần “cứu” những chiếc xe chở các loại hóa chất nguy hiểm như gas, xăng dầu, a xít…, nếu không cẩn trọng thì mất mạng như chơi.

“Thời mới vào nghề gặp nhiều tai nạn, vừa bị ám ảnh vừa bỏ bê công việc gia đình thấy cũng nản, người thân đều khuyên bỏ nghề. Làm nghề này chẳng có ngày nào là ngày nghỉ, bởi càng những dịp lễ, tết, càng xảy ra nhiều vụ tai nạn”, ông Duyên nói.

Ông Duyên nhớ lại: “Năm 2001, khi cả nhà đang ăn Tết vui vẻ, bỗng tiếng chuông điện thoại reo lên, đầu dây bên kia báo vụ chiếc xe chở 20 khách đi lễ hội vừa bị rơi xuống mương, một số người bị thương nặng. Ngay lúc đó, tôi thấy phải có trách nhiệm lên đường. Nghĩa vụ cứu người đã giúp tôi vượt qua sự sợ hãi của bản thân, và bây giờ nghề cứu hộ đã trở thành nghiệp của tôi rồi”.

“Dần dần tôi quen và ghiền công việc cứu hộ, tự mình thấy phải có trách nhiệm, không làm không được. Không riêng gì tôi mà những anh em vào nghề sau này cũng vậy, mặc dù đồng lương cũng ba cọc ba đồng, 5 - 10 triệu đồng/người/tháng”, ông Duyên cho biết thêm.

Hiện, Trung tâm cứu hộ 116 có 20 xe với trên 25 chiến sỹ vừa lái xe, vừa làm nhiệm vụ cứu hộ. Chiếc xe cứu hộ lớn nhất của Trung tâm hiện có trọng lượng 28 tấn (không kể tải), đã từng cứu hộ thành công nhiều xe siêu trường, siêu trọng bị nạn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đăng Hải, Phó Chánh Thanh tra Giao thông (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) cho hay: Hiện Thanh tra Giao thông chỉ có 3 ô tô để kéo các xe vi phạm dừng đỗ sai quy định, các quận, huyện cũng chưa có xe cẩu, kéo, vì vậy nhiều vụ chúng tôi phải nhờ đến Trung tâm cứu hộ 116.

Nhất là vừa qua, thành phố cấm dừng, đỗ xe trên 262 tuyến phố nên có thời điểm, chúng tôi phải kéo hàng chục xe vi phạm.

“Những sự cố bất thường trong quá trình tác nghiệp luôn đòi hỏi người làm cứu hộ phải cẩn thận từng hành động, và phải hiểu cặn kẽ nhiều loại xe khác nhau. Nếu là xe tải, xe kéo thì phải nắm chắc nguyên tắc truyền động lực của loại xe này chủ yếu là cơ học. Khi cứu hộ phải biết xả lốc, tháo phanh hoặc tháo cầu. Ngược lại, nếu gặp một chiếc xe hơi đời mới, khi cứu hộ phải có cách ứng xử khác. Hay khi cứu hộ xe ngập nước, ưu tiên hàng đầu là phải cắt điện, hạn chế tối đa sự chập điện gây hư hỏng các thiết bị khác”. ông Duyên giải thích.

Ngoài việc cứu hộ, những chiếc sỹ 116 còn phải kiêm cả nhiệm vụ chụp ảnh, quay phim hiện trường. Và không biết từ khi nào, họ đã trở thành những tay máy chẳng kém gì các phó nháy chuyên nghiệp...

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/phong-su/571887/cuu-ho-116---ho-la-ai-tpp.html