Cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp ra tranh cử Tổng thống

Emmanuel Macron, một gương mặt trẻ đáng chú ý trên chính trường Pháp vài năm qua đã chính thức tuyên bố tranh cử Tổng thống Pháp năm 2017.

Emmanuel Macron, 39 tuổi, cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp, chính thức tuyên bố ra tranh cử Tổng thống Pháp năm 2017 trong một thông báo phát đi tại một cuộc họp được tổ chức tại Bobigny, thành phố nghèo nằm ở ngoại ô phía Bắc Paris.

Tuyên bố này của ông Macron được xem là tin tức chính trị đáng chú ý nhất tại Pháp trong tuần bởi từ nhiều tháng qua, cựu Bộ trưởng Kinh tế trong chính quyền của ông Francois Hollande vẫn úp mở về dự định chính trị thực sự của mình sau khi từ chức Bộ trưởng hồi cuối tháng 8/2016.

Với khoảng 50% ý kiến ủng hộ của các cử tri Pháp thu được trong các cuộc thăm dò dư luận thời gian qua, Emmanuel Macron được xem là một trong những chính trị gia trẻ đang lên đáng chú ý nhất trên chính trường Pháp trong những năm qua. Macron vốn là một chuyên gia tài chính - ngân hàng và mới chính thức bước chân vào chính trị hơn 5 năm. Cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp được đánh giá là một nhà kinh tế xuất sắc theo trường phái tự do và tham vọng thực thi nhiều cải cách táo bạo.

Emmanuel Macron (Ảnh: Getty)

Trong diễn văn thông báo tham gia tranh cử Tổng thống Pháp của mình, Emmanuel Macron tuyên bố muốn tấn công vào sự bế tắc đang làm tê liệt nước Pháp. “Hệ thống chính trị này đã ngưng việc bảo vệ những người mà nó phải bảo vệ. Nó chỉ sống cho chính nó, quan tâm đến sự sống còn của chính nó chứ không phải lợi ích của đất nước”. Macron cũng khẳng định muốn “đại diện cho sự tập hợp của người dân Pháp chứ không phải của cánh tả hay cánh hữu”.

Theo nhiều nhà phân tích chính trị Pháp, việc Emmanuel Macron chính thức ra tuyên bố tranh cử Tổng thống Pháp vào năm sau tuy không còn là điều bất ngờ nhưng vẫn tạo nên những ẩn số hết sức khó chịu với các đảng phái truyền thống tại Pháp, đặc biệt là bên cánh tả và đảng Xã hội (PS) cầm quyền. Thứ nhất, Emmanuel Macron đang tạo được một hiệu ứng truyền thông rất tốt trong nửa năm qua, kể từ khi sáng lập phong trào chính trị En marche! (Tiến bước) hồi tháng 4/2016 để tập hợp lực lượng. Việc xuất hiện dày đặc trên truyền thông với cá tính mạnh giúp Macron nhận được điểm số cao trong các cuộc thăm dò dư luận Pháp.

Thứ hai, và là điều đáng ngại nhất, là Emmanuel Macron xây dựng hình ảnh như là một người chống lại hệ thống, sẵn sàng đập bỏ sự trì trệ trên chính trường Pháp và cải cách mạnh bạo. Đây là điều khiến cơ hội thành công của Macron rất khó lường bởi sau bài học Brexit và nhất là chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mới đây, tất cả các nhà phân tích chính trị đều nhận định rằng phải cực kỳ cẩn trọng trước quyền lực của mạng xã hội như Facebook, Twitter... cũng như hiệu ứng của một chính trị gia chống-lại-hệ thống, bởi lẽ khủng hoảng kinh tế - xã hội cũng như sự bất lực của các đảng phái truyền thống trong nhiều năm qua khiến sự bất mãn trong xã hội đối với hệ thống chính trị phương Tây đang lên rất cao.

Emmanuel Macron đã thể hiện rõ việc sẽ đi theo chiến lược đó. Các ủng hộ viên của Macron tuyên bố trong nửa năm qua đã phát đi 25.000 phiếu thăm dò câu hỏi đến mọi tầng lớp trong xã hội Pháp và thực hiện hàng nghìn các cuộc tiếp xúc trực tiếp tại nhà để “chẩn đoán căn bệnh thực sự” của xã hội Pháp. Bản thân việc lựa chọn địa điểm để tuyên bố trở thành ƯCV của Emmanuel Macron cũng mang ý nghĩa lớn. Bobigny là một trong những thành phố nghèo, tỷ lệ thất nghiệp cao và nhiều vấn đề về bạo lực, sắc tộc nhất ở ngoại ô phía Bắc thủ đô Paris và việc Emmanuel Macron chọn Bobigny là muốn gửi đi thông điệp là ƯCV này sẽ đại diện cho lớp trẻ thất nghiệp, cho những lao động nghèo bị bỏ rơi ở các vùng ngoại ô thành thị, cũng như khoảng 30% người Pháp được xem là đã quá chán nản và không muốn ủng hộ bất cứ đảng cánh tả hay cánh hữu nào.

Ngay sau Bobigny, Emmanuel Macron sẽ tiếp tục diễn thuyết ở ngoại ô nghèo phía Bắc Marseille, nơi nổi tiếng là hang ổ của thất nghiệp, đói nghèo và các băng đảng tội phạm. Dự định cho đến cuối năm 2016, Macron sẽ diễn thuyết 2 lần/tuần trên khắp nước Pháp, cũng như tại New York, Đức hay các lãnh thổ hải ngoại của Pháp.

Với việc Emmanuel Macron chính thức ra tranh cử, thách thức lớn nhất giờ đây hướng về phía cảnh tả Pháp, đặc biệt trong nội bộ đảng Xã hội. Với nhiều người, việc làm của Macron là một “sự phản bội”, “một nhát dao đâm sau lưng” đối với Tổng thống Pháp Francois Hollande bởi ông Hollande được xem như là “thầy” của Macron trên chính trường và là người đã đưa Emmanuel Macron từ vị trí một chuyên viên ngân hàng bình thường lên làm Bộ trưởng Kinh tế. Giải quyết “vấn đề Macron” ra sao là chuyện đau đầu với ông Hollande bởi lẽ uy tín của Tổng thống Pháp trong dư luận đang cực kỳ thấp, chỉ ở mức 10%, và rất nhiều nhà phân tích cho rằng không loại trừ khả năng ông Hollande sẽ không ra tái tranh cử vào năm sau vì sức ép của cánh tả không muốn nhận một thất bại quá hiển nhiên. Trong trường hợp đó, Thủ tướng Manuel Valls được xem là lựa chọn thay thế tốt nhất, dù uy tín của ông Valls như một chính trị gia trẻ mang tư tưởng đổi mới đã bị ảnh hưởng của Emmanuel Macron lấn át rất nhiều.

Với cánh hữu, sự xuất hiện chính thức của Macron cũng khiến sự quan tâm của dư luận và truyền thông Pháp trước vòng 1 cuộc bầu cử sơ bộ cánh hữu vào ngày 20/11 tới bị giảm sút. Chưa kể, một đối thủ là ƯCV tự do như Emmanuel Macron với hiệu ứng truyền thông cao cũng có thể tạo ra các nguy cơ khó lường cho các ƯCV cánh này như Alain Juppe hay Nicolas Sarkozy, những người được cho là nếu đại diện cho cánh hữu tham gia tranh cử vào năm sau sẽ có cơ hội nhiều nhất để trở thành Tổng thống Pháp./.

CTV Quang Dũng/VOV-Paris

Nguồn VOV: http://vov.vn/thegioi/cuu-bo-truong-kinh-te-phap-ra-tranh-cu-tong-thong-569911.vov