Cướp 2 lần, phạm tội mấy lần

Tối 20-10, Nguyễn Tuấn Q. (20 tuổi) rủ Hoàng Tuấn A. (18 tuổi) đi tìm người có tài sản sơ hở để cướp. A. đồng ý và cả hai đi xe máy chở nhau trên đường để tìm “con mồi”. Sau đó, Q. và A. phát hiện một đôi nam nữ đang ngồi tâm sự bên lề đường, Q. lập tức nhảy xuống xe, dùng mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu chàng trai bắt đưa tài sản.

Quá sợ hãi, chàng trai này đã đưa hai chiếc ĐTDĐ của mình cho Q. Lúc này trên tay cô gái cũng đang cầm một chiếc ĐTDĐ, Q. giật nhưng cô gái giằng lại nên không lấy được. Sau đó Q. và A. lên xe bỏ đi. Đi được khoảng hơn 100m, Q. nói với A.: “Quay lại lấy điện thoại của con kia”, A. đồng ý. Quay lại, Q. tiếp tục giơ mũ bảo hiểm đe dọa hai nạn nhân, sau đó A. giật chiếc điện thoại trên tay cô gái rồi cả hai lên xe bỏ đi. Sau khi nạn nhân trình báo, cơ quan công an đã bắt được Q. và A.

Vấn đề đặt ra là trong vụ việc này là hành vi cướp tài sản của Q. và A. được xác định tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần hay không?

Ý kiến bạn đọc:

Phạm tội liên tục

Trong vụ việc trên, hành vi của Q. và A. diễn ra có tính chất liên tục cả về không gian, thời gian, cùng hoàn cảnh và cùng đối tượng. Ban đầu Q. đã có sự giằng co với cô gái, do cướp không thành nên bỏ đi, sau đó quay lại cướp tiếp chứ không phải là ban đầu không có ý định cướp mà về sau mới nảy sinh và quay lại cướp điện thoại của cô gái. Do đó hành vi của Q. và A. là phạm tội liên tục. Hành vi phạm tội liên tục này không giống như hành vi phạm tội nhiều lần, vì vậy đây không phải là tình tiết tăng nặng đối với hành vi cướp tài sản của Q. và A.

Trần Thế Chung (Lê Chân - Hải Phòng)

Chỉ phạm tội một lần

Q. và A. chỉ phạm tội một lần. Bởi lẽ Q. và A. đã nhìn thấy chiếc điện thoại thứ ba và muốn cướp nhưng do nạn nhân giật lại nên bỏ đi. Ở đây có thể xem như là Q. và A. nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội (đối với chiếc điện thoại thứ ba này).

Tuy nhiên khi vừa đi được một quãng, Q. và A. đã quay lại để tiếp tục cướp chiếc điện thoại thứ ba mà ban đầu mình đã định lấy. Khoảng thời gian phạm tội này chưa có sự tách rời, mục đích, hành vi cũng chưa có sự tách rời nên không thể xem hành vi của Q. và A. là phạm tội nhiều lần.

Đoàn Thế Anh (Đông Hà - Quảng Trị)

Phạm tội nhiều lần

Căn cứ theo nội dung vụ việc thì ngay thời điểm Q. và A. dùng mũ bảo hiểm tấn công để chiếm đoạt hai chiếc ĐTDĐ của chàng trai là đã đủ yếu tố cấu thành tội cướp tài sản. Lúc này, Q. và A. hoàn toàn có thể lấy được chiếc điện thoại thứ ba trên tay cô gái nhưng đã không lấy mà bỏ đi, có nghĩa là đã không còn ý định lấy chiếc điện thoại này nữa.

Như vậy, hành vi phạm tội của Q. và A. đến thời điểm này đã chấm dứt. Nhưng sau khi bỏ đi được 100m, Q. và A. lại nảy sinh tiếp ý định chiếm đoạt chiếc điện thoại còn lại và rủ nhau quay lại để cướp. Đây là một lần phạm tội mới. Lần phạm tội này độc lập với lần phạm tội trước nên phải xem là họ phạm tội nhiều lần và đây là tình tiết tăng nặng đối với tội cướp tài sản.

Nguyễn Thị Vân (Tứ Kỳ - Hải Dương)

Bình luận của luật sư :

Phạm tội nhiều lần là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 48, Bộ luật Hình sự (BLHS) nếu nó không phải là tình tiết định khung tăng nặng của điều luật.

BLHS không quy định thế nào là phạm tội nhiều lần nhưng có thể hiểu phạm tội nhiều lần là người phạm tội đã thực hiện từ hai hành vi phạm tội trở lên, tác động đến cùng một đối tượng hoặc nhiều đối tượng khác nhau, xâm phạm đến cùng một khách thể trực tiếp, mà mỗi hành vi ấy đã có đủ các yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập và được quy định tại cùng một điều luật trong phần riêng BLHS.

Nếu tách ra từng hành vi phạm tội riêng lẻ thì mỗi hành vi ấy đã đủ các yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập. Tất cả các hành vi phạm tội đó đều được quy định tại một điều luật cụ thể trong phần riêng BLHS, có thể cùng một khoản, có thể phạm tội ở các khoản khác nhau của cùng một điều luật.

Các hành vi phạm tội đó chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, chưa bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu điều luật có quy định về giá trị tài sản hoặc thiệt hại về tài sản thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng giá trị tài sản của các lần phạm tội cộng lại.

Khác với phạm tội nhiều lần, phạm tội liên tục là do một loạt hành vi phạm tội cùng loại, xảy ra kế tiếp nhau về mặt thời gian tạo thành nhằm đạt tới mục đích phạm tội. Trong một loạt hành vi ấy có cùng một mục đích chung, thống nhất, cùng xâm hại đến một khách thể và trong sự tổng hợp của những hành vi đó thì cấu thành một tội phạm độc lập (Ví dụ: Tội hành hạ hoặc ngược đãi cha mẹ, vợ chồng, con cái; Tội bức tử...).

Để coi là phạm tội liên tục, tức là người phạm tội thực hiện nhiều hành vi nguy hiểm cho xã hội giống nhau, nhưng nếu tách riêng từng hành vi nguy hiểm cho xã hội đó thì có hành vi đã đủ yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập, cũng có hành vi không đủ yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập được quy định tại điều luật tương ứng, nhưng nó là tội phạm thống nhất và khi tổng hợp các hành vi nguy hiểm cho xã hội đó cũng chỉ cấu thành một tội phạm độc lập quy định trong phần các tội phạm của BLHS (như đã ví dụ: Tội hành hạ hoặc ngược đãi cha mẹ, vợ chồng, con cái; Tội bức tử....).

Phạm tội nhiều lần và phạm tội liên tục giống nhau ở chỗ đều diễn ra một cách liên tục cả về thời gian và không gian. Tuy nhiên điểm khác nhau cơ bản ở chỗ phạm tội nhiều lần thì mỗi lần hành vi phạm tội cấu thành một tội phạm độc lập, còn phạm tội liên tục thì các lần thực hiện hành vi có lần cấu thành tội phạm, có lần không.

Trở lại vụ án trên, trong lần thứ nhất Q. và A. đã dùng mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu chàng trai bắt đưa tài sản. Quá sợ hãi, chàng trai này đã đưa hai chiếc ĐTDĐ cho Q.

Hành vi phạm tội của Q. và A. đã cấu thành tội cướp tài sản. Lần thứ hai, sau khi đã cướp được hai ĐTDĐ của chàng trai, đi được khoảng hơn 100m, Q. lại rủ A. quay lại lấy tiếp điện thoại của cô gái. Lần này, Q. đã dùng mũ bảo hiểm đe dọa nạn nhân, có tính chất đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để chiếm đoạt tài sản nên hành vi này cũng bị coi là cướp tài sản.

Như vậy lần cướp thứ nhất, người bị hại là chàng trai. Hành vi cướp đã hoàn thành về mặt tội phạm và đủ yếu tố cấu thành tội cướp. Việc cướp của cô gái bị giằng lại không được coi là: Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Vì tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là phải do tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng tuy không có gì ngăn cản. Sự ngăn cản ở đây là cô gái do không bị tê liệt về ý chí nên giằng lại được chiếc điện thoại. Vì thế Q. và A. đã bỏ đi.

Lần hai: Cả hai bàn nhau quay lại và dùng mũ bảo hiểm đe dọa cô gái, buộc cô gái phải đưa tài sản. Như vậy, cô gái là một nạn nhân khác, tài sản thuộc sở hữu của cô gái. Q. và A. cũng đã hoàn thành tội phạm và đủ yếu tố cấu thành tội cướp. Vì vậy Q. và A. phạm tội nhiều lần đúng cả về số học lẫn khoa học pháp lý.

Như vậy, Q. và A. đã phạm tội nhiều lần (hai lần phạm tội mà mỗi lần đều cấu thành tội cướp tài sản) chứ không phải phạm tội liên tục. Đây được coi là tình tiết tăng nặng đối với hành vi cướp tài sản của Q. và A.

Luật sư Nguyễn Chiến Thắng (Văn phòng Luật sư Chiến Thắng & Cộng sự)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/cuop-2-lan-pham-toi-may-lan/709200.antd