Cương quyết khắc phục những tồn tại

Quy hoạch đô thị chưa đạt yêu cầu về chất lượng, thiếu đồng bộ thậm chí ngay trong cùng một quy hoạch. Trong khâu tổ chức quản lý thực hiện quy hoạch còn chậm, không đồng bộ, chắp vá và có lúc còn buông lỏng quản lý thực hiện quy hoạch dẫn đến ùn tắc, ngập lụt, sử dụng đất không hiệu quả và xảy ra các vi phạm về cấp phép xây dựng… là một số thực trạng được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng và một số thành viên Chính phủ liên quan đến công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị (tổ chức ngày 16/8).

Cả nước có hơn 800 đô thị

Trình bày báo cáo trước UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, tính đến hết tháng 5.2017, dân số đô thị toàn quốc đạt khoảng 33 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 37,0%. (so với 23,7% năm 1999) ; mật độ dân số đô thị trung bình là 1.888 người/km2. Tổng số đô thị cả nước đến thời điểm này là 805 đô thị, tăng thêm 8 đô thị loại V so với cuối năm 2016. Trong đó, có 2 đô thị loại đặc biệt, 17 đô thị loại I, 25 đô thị loại II, 44 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV, 633 đô thị loại V.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giải trình thêm một số vấn đề tại phiên chất vấn. (ảnh Q. Khánh)

Tuy nhiên, theo ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) thì quy hoạch đô thị nào cũng có vấn đề như: về môi trường, nước thải, rác thải không có cách xử lý ổn thỏa; nơi có các công trình lớn thì gây ùn tắc giao thông; thiếu trầm trọng chỗ vui chơi, giải trí. Đặc biệt, nhiều đô thị làm đường mới xong, kinh phí rất lớn, nhưng phố xá vẫn nhếch nhác toàn nhà bé, nhà siêu mỏng.

Quản lý đầu tư, phát triển đô thị nhiều nơi còn buông lỏng

Giải trình, làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay, đô thị Việt Nam trong những năm qua có sự phát triển mạnh mẽ, cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, các đô thị còn phát triển theo chiều rộng nhiều hơn chiều sâu, và hiệu quả phát triển đô thị còn thấp.

Nguyên nhân là do, việc lập quy hoạch xây dựng chậm, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng phát triển đô thị, thậm chí ảnh hưởng đến hiệu quả, gây thất thoát tài nguyên; Còn thiếu quy định về quy hoạch dẫn đến tình trạng “có quy hoạch là có đầu tư”, dẫn đến đầu tư theo phong trào, gây dư thừa bất động sản trong một thời kỳ;Bộ máy quản lý đô thị còn thiếu, nhưng chậm được hoàn thiện; Công tác thanh tra, kiểm tra đã được tăng cường, nhưng hiệu quả còn thấp. Thực hiện kết luận sau thanh tra còn chậm, thậm chí chưa nghiêm, mà việc xử lý sai phạm còn thiếu kiên quyết; Pháp luật về quản lý đô thị còn thiếu, khi hiện mới có Nghị định về quản lý phát triển đô thị, hiệu lực chưa cao…

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa nhận quy hoạch đô thị chưa đạt yêu cầu về chất lượng, thiếu đồng bộ thậm chí ngay trong cùng một quy hoạch và nguồn lực thực hiện còn hạn chế. Ngay trong khâu tổ chức quản lý thực hiện quy hoạch chậm, không đồng bộ, chắp vá.

Có cái lẽ ra làm trước thì làm sau, có quy hoạch lẽ ra phải làm toàn phần thì lại làm một phần. Nguyên nhân theo Bộ trưởng là do cơ quan quản lý nhà nước không làm đúng chức trách. Thậm chí, có lúc chúng ta đã buông lỏng khâu tổ chức quản lý thực hiện quy hoạch dẫn đến ùn tắc, ngập lụt, sử dụng đất không hiệu quả và xảy ra các vi phạm về cấp phép xây dựng.

Còn đề cập đến câu hỏi của ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) về vấn đề ùn tắc giao thông đô thị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, nguyên nhân do chúng ta cấp phép xây dựng đô thị, chung cư ở trung tâm nội đô quá nhiều, gây quá tải về dân số, về cơ sở hạ tầng. “Giải pháp trước mắt cần giám sát chặt chẽ sự tuân thủ quy hoạch chi tiết, và khi duyệt dự án cũng phải bảo đảm thiết kế đô thị của từng dự án. Có kế hoạch đồng bộ xây dựng hạ tầng xung quanh mới giải quyết được ùn tắc giao thông”, Bộ trưởng cho biết.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, Bộ Xây dựng có hạn chế trong công tác xây dựng thể chế. Thủ tục trình tự quy hoạch đô thị có những điểm còn phức tạp nặng về mục tiêu quản lý nên không thực hiện được trên thực tiễn.Trong thanh tra kiểm tra, Bộ Xây dựng có lúc phối hợp chưa thường xuyên với các địa phương để sớm phát hiện bất cập.

“Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm về việc này”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, đối với quy hoạch xây dựng và đô thị tới đây, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu Quốc hội, Chính phủ hoàn thiên thể chế theo hướng đây là công cụ đắc lực để quản lý đầu tư hiệu quả, bảo đảm chất lượng an toàn công trình nhưng cũng phải chống thất thoát, tiêu cực, chống lãng phí nguồn lực của đất nước.

Hà Nội: Siết chặt vi phạm xây dựng

Tham gia trả lời bổ sung tại phiên chất vấn của UBTVQH về công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị trong bối cảnh đô thị hóa mạnh ở nước ta hiện nay, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, tình trạng vi phạm quy hoạch chi tiết tại các khu đô thị đã được xây dựng ở Hà Nội trong nhiều năm qua là có.

Chẳng hạn, khu đô thị Đại Thanh (Thanh Trì), Linh Đàm (Hoàng Mai) của chủ đầu tư là Tập đoàn Mường Thanh có vi phạm về chiều cao tòa nhà và mật độ xây dựng.Về nguyên nhân và trách nhiệm, thành phố Hà Nội có trách nhiệm là trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo có sự thiếu giám sát, thiếu kiểm tra, đặc biệt là lực lượng thanh tra chuyên ngành. Song nguyên nhân quan trọng là ý thức của chủ đầu tư, nhiều chủ đầu tư khu đô thị cố tình vi phạm.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, để khắc phục, thời gian qua, Hà Nội đã tăng cường, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, các lực lượng thanh tra chuyên ngành của Chính phủ, Bộ ngành liên quan để tổ chức thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, thành phố giao trách nhiệm cho chính quyền các địa phương, giao trách nhiệm cho lực lượng thanh tra chuyên ngành của thành phố, của Sở Xây dựng.

Đặc biệt, Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra việc quản lý, giám sát trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong lĩnh vực này. Kết quả, từ đầu năm 2016 đến nay, thành phố đã xử lý rất nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng và các cán bộ có trách nhiệm khi để xảy ra những vi phạm này.Cụ thể, đã kiểm tra, xử lý tới 18 cán bộ thuộc diện quản lý của Thành ủy, gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch các quận/ huyện phụ trách trực tiếp; một số lãnh đạo sở ngành, Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra...

Về vấn đề chỉnh trang đô thị, khắc phục tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đây là vấn đề được Thường trực Thành ủy, HĐND TP, UBND TP quan tâm chỉ đạo trong nhiều năm qua. Nhờ sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt nên tình trạng này đã có cải thiện đáng kể. Cụ thể, nếu như trước năm 2015, toàn thành phố có trên 300 trường hợp vi phạm xây nhà siêu mỏng, siêu méo nhưng sau khi xử lý, hiện chỉ còn 132 trường hợp.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Hà Nội đã và đang khắc phục bằng 2 giải pháp.Một mặt, tập trung xử lý những nhà siêu mỏng, siêu méo đã tồn tại trước thời điểm 12.2016. Mặt khác, với dự án mới khi giao mốc giới dự án, nếu có diện tích dưới 30m2 chúng tôi thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng. Nếu các hộ dân có nhu cầu thì cho họ thỏa thuận hợp khối…

“Với các giải pháp quyết liệt đang triển khai, chúng tôi hứa với Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, trong thời gian tới Hà Nội sẽ tập trung giải quyết để làm sao chấm dứt được tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn” .

Liên quan đến tình trạng ngập lụt, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đang thực hiện dự án thoát nước, giai đoạn 1 đã hoàn thành, giai đoạn 2 đang triển khai. “Tuy nhiên, ngay cả khi hoàn thành toàn bộ dự án này, các quận nội thành cũng chỉ chịu được lượng mưa 120ml, nếu lượng mưa lớn hơn thì vẫn úng ngập cục bộ”. Hiện phía Tây Thủ đô (quận Hà Đông, Cầu Giấy), Hà Nội đang xây dựng dự án nạo vét sông Tô Lịch, sông Nhuệ và hệ thống cống thoát nước sẽ khắc phục được tình trạng ngập lụt.

K.Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/cuong-quyet-khac-phuc-nhung-ton-tai-58279.html