Cương lĩnh của Đảng - Ngọn cờ chiến thắng

Đảng ta đã từng xác định Cương lĩnh là Tuyên ngôn chính trị, là ngọn cờ chiến đấu của Đảng cầm quyền, là định hướng cho toàn bộ mọi hành động của Đảng, của Nhà nước và nhân dân trong một giai đoạn của cách mạng Việt Nam.

Văn kiện dự thảo Trung ương công bố để lấy ý kiến nhân dân lần này khác với Đại hội X là ngoài Báo cáo chính trị, còn có Cương lĩnh và chiến lược kinh tế – xã hội trong 10 năm tới. Đã là văn kiện trình Đại hội – cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng – thì văn kiện nào cũng rất quan trọng mang tầm chiến lược vĩ mô, đều cần được người tham gia bàn thảo, cần chú trọng nghiên cứu để bày tỏ chính kiến của mình. Tuy nhiên trong 3 văn kiện này, theo nhận thức của tôi, cương lĩnh là quan trọng nhất, mang tính chỉ đạo chiến lược hàng đầu. Đảng ta đã từng xác định Cương lĩnh là Tuyên ngôn chính trị, là ngọn cờ chiến đấu của Đảng cầm quyền, là định hướng cho toàn bộ mọi hành động của Đảng, của Nhà nước và nhân dân trong một giai đoạn của cách mạng Việt Nam. Do vậy, nội dung của Cương lĩnh đều là những vấn đề then chốt về mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược cơ bản; phương hướng và phương pháp cách mạng chủ yếu để đạt tới mục tiêu đã được xác định trong mỗi thời kỳ. Đó chính là nền tảng lý luận khoa học thực tiễn, tư tưởng chính trị, quan điểm chính thống của Đảng để chỉ đạo cũng như tập hợp sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc nhằm thực hiện nhiệm vụ cách mạng của CMVN trong từng giai đoạn. Với tầm quan trọng ấy của Cương lĩnh, để có luận cứ đúng đắn trong góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện, trước hết không thể không tìm hiểu cặn kẽ Cương lĩnh. Qua nghiên cứu lịch sử Đảng trong suốt chặng đường 80 năm qua đã cho thấy, Đảng ta đã 4 lần đề ra Cương lĩnh chính trị trong từng giai đoạn cách mạng. Cương lĩnh đầu tiên là “Chính cương vắn tắt” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo từ ngày mới thành lập Đảng tháng 2-1930. Cương lĩnh thứ hai là “Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương” do đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng khởi thảo tháng 10-1930. Cương lĩnh thứ ba là “Cương lĩnh Đảng Lao động Việt Nam” do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III thông qua tháng 2-1951. Cương lĩnh thứ tư hiện nay là “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII thông qua tháng 6-1991. Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong tám thập niên qua đã khẳng định, một chính Đảng Cách mạng vì dân tộc, vì nhân dân như Đảng Cộng sản Việt Nam thì nhất thiết phải đề ra Cương lĩnh. Đó là điều kiện tiên quyết chỉ đạo mọi hành động theo đúng mục đích, tôn chỉ của Đảng đã đề ra trong giai đoạn của CMVN. Cương lĩnh ấy, cho dù với tên gọi khác nhau trong từng giai đoạn, nhưng đều là ngọn cờ chiến thắng của CMVN trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, tôi thấy một vấn đề đặt ra đề nghị Trung ương cần làm sáng tỏ hơn là: Tại sao dự thảo Cương lĩnh công bố hiện không gọi như là Cương lĩnh năm 1991 lại mở ngoặc (bổ sung phát triển năm 2011)? Qua bàn thảo, nhiều ý kiến cho rằng cần được Tiểu ban văn kiện Đại hội cho biết đầy đủ hơn về lý lẽ, lập luận của cách đặt vấn đề về tên Cương lĩnh Đại hội XI. Tôi nghĩ rằng Cương lĩnh 1991 đến nay đã qua 20 năm thực hiện, thực tế tình hình xây dựng đất nước cũng như bối cảnh quốc tế đã có nhiều thay đổi, phát triển. Vì vậy, Cương lĩnh dự thảo trình Đại hội XI cũng chứa đựng rất nhiều điểm mới. Như đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Uy viên Bộ Chính trị trong bài viết của mình về “Định hướng bổ sung phát triển Cương lĩnh năm 1991” (vừa đăng trên Tạp chí Cộng sản số 9 và báo Nhân dân gần đây) đã khái quát rõ 12 điểm mới và rất mới. Vì vậy, tôi mạnh dạn đề nghị Trung ương xác định Cương lĩnh Đại hội XI sẽ thông qua đó là Cương lĩnh mới năm 2011. Bùi Đình Nguyên

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20100925113627741p1001c1015/cuong-linh-cua-dang-ngon-co-chien-thang.htm