Cuối tuần đi bắn súng sơn

SGTT - Bắn súng sơn (paintball) là một trò chơi tập thể mang tính quân sự như đánh trận giả. Tuy mới du nhập vào Việt Nam vào khoảng tháng 4.2009 nhưng paintball đã được khá nhiều người ưa thích.

Khi tham gia, người chơi sẽ được trang bị như một người lính thật sự. Súng, áo giáp, mặt nạ che mặt, kính bảo vệ mắt, radio liên lạc, đèn laser, đèn pin, dao găm nhựa… Súng nặng khoảng 2,5 – 3 ký, cự ly xa trung bình 200 – 250m. Đạn sơn có kích thước to cỡ viên bi được làm từ bột mì và phẩm màu, dễ giặt tẩy khi dính vào trang phục. Ngoài công dụng hỗ trợ chiến đấu, các vật dụng trên còn nhằm đảm bảo an toàn cho người chơi. Trong suốt thời gian “chiến đấu”, các huấn luyện viên, giám sát viên luôn bám sát để hỗ trợ, hướng dẫn các quy tắc an toàn cho mọi thành viên một cách nghiêm túc. Trước khi tham gia, người chơi sẽ được tập huấn các kỹ năng quân sự cơ bản như tận dụng địa hình, địa vật, tấn công, phòng thủ, nghi binh, trao đổi bằng ký tín, ám hiệu… Một số người đặt ra vấn đề Paintball có kích thích tính bạo lực cho người tham gia? Anh Nguyễn Thiện Tiến Dũng, người thành lập câu lạc bộ Paintball duy nhất tại TP.HCM hiện nay cho biết, súng bắn sơn là trò chơi tập thể (team building) giúp người chơi phát triển cách hoạt động theo nhóm, rèn luyện tinh thần đồng đội, tính tự giác, rèn luyện sức khỏe cũng như sự nhạy bén, phản ứng nhanh. Vì đây là trò chơi tập thể nên những hành động kiểu “anh hùng cá nhân” sẽ bị thất bại khi chiến đấu. Muốn chiến thắng, ngoài sự mưu trí cá nhân còn cần có sự phối hợp ăn ý của cả đội. Quang Thái, sinh viên đại học ở Biên Hòa hào hứng kể: “Chơi mệt nhưng cực kỳ vui. Cảm giác lăn lộn, bò trườn trên chiến trường, đạn bay vèo vèo xung quanh thật hồi hộp”. Tuy nhiên, chơi bắn súng sơn chỉ thật sự mang lại phấn khởi khi tham gia theo kịch bản và chiến thuật mô phỏng như cướp cờ, đánh xáp lá cà, giải cứu con tin… Một trận đấu gồm có hai đội, mỗi đội có ít nhất bảy người. Quy định của trò chơi tùy theo từng trận, chẳng hạn như khi bị “hạ” nghĩa là bị đạn bắn vào bất kỳ chỗ nào trên thân thể thì phải hô to lên “chết” và tự tìm đường về tuyến sau của đội mình và phải báo việc mình bị “chết” với ban tổ chức. Các thẻ phạt như thẻ vàng, thẻ đỏ, thẻ đen là quy chế xử phạt của ban tổ chức dành cho những người chơi có hành động không an toàn, phạm lỗi xấu, không quan tâm tới đồng đội của mình… Mức hình phạt sẽ căn cứ vào loại thẻ. Các hành động “ăn gian” khi tham gia trò chơi đều bị tẩy chay. Đa số những người sau khi tham gia bắn súng sơn đều nhận xét đây là trò chơi giúp xả stress. Có lẽ vậy nên câu lạc bộ Paintball hiện nay có khoảng 300 thành viên với đủ thành phần như sinh viên, công nhân viên chức, giám đốc, người lao động… Anh Dũng cho biết: “Câu lạc bộ thành lập với mục đích tập hợp, kết nối các bạn có cùng niềm đam mê và sở thích môn thể thao hấp dẫn này. Là sân chơi lành mạnh cho giới trẻ”. Hiện nay, chỉ có hai “chiến trường” ở Cần Thơ và Madagui (Lâm Đồng). Khu du lịch Madagui có lợi thế hơn vì cảnh quan rừng núi tự nhiên. Khi vào chơi cần mang theo giấy tờ tùy thân để đăng ký vì người dưới 16 tuổi không được chơi. Nếu có nhóm bạn sẵn, đi tự túc từ TP.HCM đến Lâm Đồng hoặc Cần Thơ, giá vé xe khoảng 90.000đ/người. Thuê “chiến trường” giá khoảng 45.000đ/giờ (sân Cần Thơ), 25.000 – 30.000đ/giờ (sân Madagui). Đạn sơn giá 950 – 1.100đ/viên. Đi một mình theo tour trọn gói bao gồm tiền xe, ăn uống… giá từ 380.000 – 1.000.000đ/người. Tuy nhiên, đây là trò chơi mới nên giá vẫn còn khá cao. Thích hợp cho những người đã đi làm hoặc nhân viên văn phòng cần vận động. Quang Thái cho biết: “Mỗi lần đi tốn trung bình khoảng 500.000đ. Bắn một viên đạn tốn 1.000đ, xót cả ruột nên sinh viên như em vài tháng mới đi “chiến đấu” một lần”. Địa chỉ tham khảo Công ty du lịch Indochina Star: 85 Điện Biên Phủ, P. Đa Kao, Q.1, TP.HCM, ĐT: 39101339. Công ty XPC: 184A Nguyễn Trọng Tuyển, P.8, Q. Phú Nhuận, TP.HCM. ĐT: 38447008.

Nguồn SGTT: http://sgtt.com.vn/giai-tri/120913/cuoi-tuan-di-ban-sung-son.html