'Cười ngất' với đôi vợ chồng liên tục cầu cứu tòa án như trẻ con

Vợ chồng họ trở lại đoàn tụ và sống tốt với nhau bao nhiêu, những đứa trẻ sẽ “được lợi” bấy nhiêu, được hưởng tình cảm, sự chăm sóc của cả cha và mẹ. Với bất cứ ai, gia đình chính là ngôi nhà ấm áp, vững chãi nhất.

Chồng lúc rượu vào lại đánh đập vợ. Vợ không chịu nổi mang con bỏ nhà đi, đồng thời gửi đơn đến tòa xin ly hôn. 3 đứa con khóc sướt mướt không muốn “mất” cha hay “mất” mẹ. Quá thương “lũ nhóc”, cán bộ tòa án quyết tâm hòa giải “đến cùng”. Sau quá trình cán bộ tòa “gian truân” nhập vai “chị Thanh Tâm”, kết quả: đôi vợ chồng ấy “gương vỡ lại lành”...

TAND nhận đơn xin ly hôn do người vợ “đứng” nguyên đơn. Lý do: Chồng chị mỗi lần rượu vào lại vô cớ đánh đập vợ. Sự việc kéo dài, đã từng đưa ra UBND xã. Xã “nói”, người chồng đó cũng không nghe. Vợ cũng nhiều lần đưa con về nhà ngoại, nhưng chồng vẫn không tỉnh ngộ. Vợ hết chịu nổi, phải “nhờ” tòa giải quyết ly hôn.

Vợ chồng có 3 đứa con chung, đứa lớn nhất học lớp 7. Khi gọi 3 đứa trẻ tới tòa để hỏi ý kiến các cháu muốn ở với ba hay mẹ (theo quy định của pháp luật hôn nhân & gia đình), thấy “lũ nhóc” khóc sướt mướt đòi ở với cả ba lẫn mẹ, cán bộ tòa án thương quá bụng bảo dạ phải quyết tâm hòa giải “đến cùng”. Lúc đó, người vợ đã đưa 3 đứa con ra khỏi nhà của vợ chồng, còn người chồng thì đang ở trong trang trại nhỏ cách nhà chừng vài cây số để chăm sóc ao cá, đàn vịt... Nhà coi như “bỏ hoang”.

Tòa gọi người chồng đến. Anh này trình bày vẫn thương yêu vợ, không muốn vợ chồng bỏ nhau. Tôi phân tích nếu muốn vợ “nghĩ lại”, anh phải tuyệt đối không bao giờ được “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với vợ, đồng thời phải thể hiện trách nhiệm của người chồng, người cha. Nếu anh làm được điều đó, mới mong rằng lấy lại được tình cảm của vợ. Anh này hứa nhất định sẽ làm theo lời tôi, đồng thời viết giấy cam đoan. Lập tức, tòa gọi người vợ đến “ba mặt một lời”.

Ảnh minh họa.

Người vợ lúc đầu vẫn lắc đầu quầy quậy, bảo không còn tin chồng. Tòa phân tích, chồng chị đã hứa, đã cam đoan tại tòa như vậy rồi, chị phải cho anh ta một cơ hội. Cơ hội này rất quan trọng vì nó liên quan đến cuộc sống, tinh thần của 3 đứa con của anh chị. Người vợ im lặng. Quan sát nét mặt, thái độ của chị, biết lúc này chị im lặng tức là đồng ý. Tòa tiếp tục: “Bây giờ chị đưa các cháu trở về nhà đi. Vài ngày một lần, anh từ trang trại về nhà thăm con, chị nhớ nấu cơm cho anh ăn chu đáo vào nhé”. Người vợ “thè thẹ” gật đầu. Trong lúc ra khỏi phòng hòa giải cả hai cười tủm tỉm.

Ấy vậy mà ngay tối hôm đó, cán bộ của tòa lại nhận điện thoại của người chồng. Anh ta hốt hoảng “méc”: “Vợ tui mới hứa tại tòa như rứa mà hôm ni tui về thấy nhà trống trơn. Vợ tui mô có dắt con về nhà”! Tòa liền điện thoại cho người vợ hỏi nguyên do. Chị phân trần không phải “nuốt lời”, mà bởi vì nhà lâu ngày không có người ở nên bụi bặm mốc meo chưa dọn kịp. Vả lại điện đóm cũng đứt dây cháy bóng, nên chị và các con chưa thể ở liền được. Tòa “quay ngược” điện thoại lại cho người chồng nói rõ lý do, đồng thời “xúi” anh ta phải “ra tay” sửa chữa điện, nước hư hỏng, dọn nhà dọn cửa để “ghi điểm” với vợ con.

Êm đẹp được ít lâu, anh chồng lại gọi điện thoại “phản ánh” về việc vợ đưa con về nhà ngoại (ở tỉnh Quảng Trị) mà không “báo cáo” với chồng. Tòa“bóc” máy hỏi nguyên do, chị vợ giải thích chị về nhà ngoại ăn mùng 5 (Tết Đoan Ngọ). Khi đi có xin phép chồng đàng hoàng, nhưng mỗi lần đi lại khó khăn nên chị có ở rán thêm vài hôm, chứ mọi chuyện vẫn tốt đẹp.

Thông thường mẹ chồng nào cũng có chút bênh con trai, “ỉ eo” với con dâu nên trong khi hòa giải vụ này, tòa mời luôn mẹ của bị đơn đến, để bà hiểu rõ hơn về “lỗi” của con trai và nguy cơ gia đình con trai “tan đàn xẻ nghé”, các cháu nội của bà thiệt thòi, nếu anh này không sửa chữa. Cũng từ đó mong bà thực sự “giúp một tay” để vợ chồng con trai con dâu hòa thuận bền vững.

Ảnh minh họa.

Khi thấy con trai viết cam đoan không đánh vợ, bà “hấm háy” con dâu: “Nếu đã viết cam đoan thì ai cũng phải viết, vì ai cũng có sai. Thời tui, chồng đánh như cơm bữa, bỏ chạy đâu đó rồi lại về nhà, có mô “xách” con về nhà mẹ đẻ. Có phải ưng đi là đi, ưng về là về như rứa mô”. Tòa phải “thủ thỉ” với bà, rằng thời nào cũng vậy, chồng đánh vợ là sai trái cả về đạo lý lẫn pháp lý, cần phải được gia đình, chòm xóm, chính quyền địa phương... can thiệp. Đã phải chịu khổ như vậy, hơn ai hết bà phải cảm thông và giúp đỡ con dâu.

Đồng thời tòa cũng phân tích với người vợ, có đi đâu cũng phải thưa gửi lễ phép với mẹ chồng, làm tròn bổn phận con dâu, như vậy mới được gia đình chồng cảm thông ủng hộ, xây dựng được tình cảm và mối liên hệ bền vững trong gia đình. Chị này “dạ dạ”. Lúc đó mẹ chồng cũng dịu hẳn. Vợ chồng họ trở lại đoàn tụ và sống tốt với nhau bao nhiêu, những đứa trẻ sẽ “được lợi” bấy nhiêu, được hưởng tình cảm, sự chăm sóc của cả cha và mẹ. Với bất cứ ai, gia đình chính là ngôi nhà ấm áp, vững chãi nhất.

Quỳnh Anh

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tinh-yeu-hon-nhan/cuoi-ngat-voi-doi-vo-chong-lien-tuc-cau-cuu-toa-an-nhu-tre-con-149758/