Cuộc Tổng tuyển cử 6-1-1946: Thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc

Nhân dân tham gia bầu cử Quốc hội khóa I Ảnh: TL

Vào ngày này của 65 năm về trước, hơn 4 tháng sau khi nước nhà giành được độc lập, hưởng ứng Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, ngày 6-1-1946 nhân dân cả nước từ tiền tuyến đến hậu phương nô nức đi bầu cử Quốc hội đầu tiên trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc mình. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đó diễn ra trong điều kiện cực kỳ khó khăn và phức tạp. Nạn đói đang đe dọa sinh mạng của hàng triệu đồng bào. Ở miền Bắc, quân Tưởng và bọn tay sai vừa ra sức tuyên truyền tẩy chay cuộc Tổng tuyển cử, vừa dùng lực lượng vũ trang ngăn cản người dân đi bầu; có nơi chúng cướp hòm phiếu, hành hung cán bộ, công an bảo vệ. Ở miền Nam, nhiều cử tri đã phải vượt qua bom đạn của kẻ thù để thực hiện nghĩa vụ công dân. 42 cán bộ Đảng và Mặt trận Việt Minh đã hy sinh khi làm nhiệm vụ Tổng tuyển cử. Trong hoàn cảnh đó, 89% cử tri cả nước đi bỏ phiếu để bầu Quốc hội đầu tiên là một thắng lợi lớn. Kết quả đó chứng tỏ niềm tin của nhân dân cả nước đối với Nhà nước cách mạng non trẻ, thể hiện ý chí đoàn kết của cả một dân tộc thiết tha với độc lập, tự do. Đánh giá sự kiện trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối, hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc” (*). Cuộc Tổng tuyển cử thắng lợi đã góp phần nâng cao uy tín của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa giành được độc lập trên trường quốc tế. Đây thực sự là một cuộc vận động chính trị rộng lớn và sâu sắc nhằm biểu dương sức mạnh và ý chí thống nhất của khối đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm giữ vững độc lập, bảo vệ chính quyền cách mạng. Ngày 3-6-1946 Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I khai mạc tại Hà Nội đã cử ra Ban Thường trực Quốc hội do cụ Nguyễn Văn Tố - một nhân sĩ làm Trưởng ban, bầu cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Chính phủ và Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ tịch Chính phủ. Quốc hội đã quyết định thủ tiêu mọi chế độ lập pháp cũ và thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp do Chủ tịch Chính phủ trực tiếp làm Trưởng ban. Quốc hội do dân bầu và Chính phủ do Quốc hội cử ra theo đúng pháp luật lúc này đang đứng trước những khó khăn gay gắt. Ở miền Nam, quân Anh được phái vào tước vũ khí của quân Nhật ngầm tạo điều kiện để ngày 23-9-1945 thực dân Pháp nổ súng mở đầu cuộc chiến tranh hòng xâm lược nước ta một lần nữa. Ngoài Bắc, Quốc dân Đảng Trung Hoa kéo 18 vạn quân vào với danh nghĩa tước vũ khí Nhật, đem theo bọn phản cách mạng Việt Nam có vũ trang để thực hiện âm mưu đen tối của chúng là: “Tiêu diệt Đảng Cộng sản Đông dương”, “Phá tan Việt Minh”, giúp bọn phản động Việt Nam lật đổ chính quyền nhân dân để lập một chính phủ phản động làm tay sai cho chúng. Các đảng phái phản động tay sai của Pháp, Nhật cấu kết với các tổ chức phản cách mạng, tay sai của Quốc dân Đảng Trung Hoa khiêu khích, cướp bóc, ám sát và âm mưu làm đảo chính. Trước tình hình thù trong, giặc ngoài, bốn phía bị bao vây, Hồ Chủ tịch và Đảng ta nhận định: “Cách mạng Việt Nam lúc này vẫn là cách mạng giải phóng dân tộc. Cuộc cách mạng đó đang tiếp diễn vì nước ta chưa được độc lập hoàn toàn”. Vì thế, khẩu hiệu vẫn là: Dân tộc trên hết! Tổ quốc trên hết. Kẻ thù chính là thực dân Pháp xâm lược. Phải huy động cao độ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để chống thực dân Pháp xâm lược. Chủ trương của ta lúc này là lập Mặt trận Dân tộc thống nhất chống thực dân Pháp; mở rộng Việt Minh để thu hút mọi tầng lớp nhân dân, chú trọng vận động địa chủ và đồng bào các tôn giáo tham gia Việt Minh; phát triển các tổ chức cứu quốc, tổ chức thêm nhiều đoàn thể cứu quốc tham gia Việt Minh như Công giáo cứu quốc, Hướng đạo cứu quốc đoàn v.v... bên cạnh những tổ chức đã có như Phật giáo cứu quốc. Để làm thất bại âm mưu của Quốc dân Đảng Trung Hoa hòng “tiêu diệt Đảng Cộng sản”, đồng thời cũng để tránh mũi nhọn tấn công của bọn phản động trong nước, chủ động duy trì và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, đưa đất nước vượt qua mọi nguy hiểm, Đảng ta rút vào hoạt động bí mật dưới danh nghĩa tuyên bố tự giải tán vào ngày 11-11-1945. Để ngăn chặn và phân hóa hàng ngũ các đảng phái chính trị, phản động theo chân quân Tưởng về chống phá cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo Việt Minh ký Tuyên ngôn đoàn kết với Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội; ký thỏa hiệp với Việt Nam Quốc dân đảng; ra Thông cáo chung giữa Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội và Việt Nam Quốc dân đảng về việc giao thiệp giữa hai bên; ký thỏa thuận giữa Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội và Việt Nam Quốc dân đảng về việc thành lập Chính phủ liên hiệp v.v... Nhiều đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng trong Chính phủ là cán bộ Việt Minh được Quốc dân Đại hội Tân Trào bầu ra đã tự nguyện nhường lại 70 ghế trong Quốc hội cho Việt Quốc (50 ghế), Việt Cách (20 ghế) không qua bầu cử. Nghĩa cử cao đẹp đó không chỉ thể hiện đạo đức trong sáng, tất cả vì dân, vì nước của cán bộ Đảng, cán bộ Việt Minh mà còn thể hiện chính sách đại đoàn kết trước sau như một của Đảng, của Mặt trận và Hồ Chủ tịch. Bằng uy tín cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ được nhiều nhân vật tiêu biểu, kể cả những người có chức vụ cao trong chế độ cũ tham gia Mặt trận Dân tộc thống nhất. Những hoạt động yêu nước sôi nổi và nhiệt thành của các tầng lớp nhân dân do Việt Minh tổ chức và phát động đã góp phần quan trọng vào việc đoàn kết toàn dân chung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ cách mạng nhằm giữ vững độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Thông qua các đoàn thể cứu quốc, Việt Minh đã tuyên truyền, vận động quần chúng tự nguyện và hăng hái tham gia các phong trào sản xuất, cứu đói, hũ gạo tiết kiệm, tuần lễ vàng, bình dân học vụ v.v... nhằm phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân để đất nước vượt qua những khó khăn về kinh tế, tài chính. Mặt trận cùng các đoàn thể cứu quốc vận động và tổ chức để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, xây dựng Hiến pháp mới, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm cho chính quyền do nhân dân xây dựng lên thực sự là chính quyền của dân, gắn bó mật thiết với nhân dân. Khối đại đoàn kết toàn dân được xây dựng theo tư tưởng Hồ Chí Minh thực sự trở thành nền tảng, thành chỗ dựa vững chắc để chính quyền cách mạng chống lại thù trong, giặc ngoài. Nhờ có khối đại đoàn kết toàn dân, bằng sức mạnh của nhân dân, các cơ quan của Nhà nước vừa mới được thành lập đã phát hiện, trừng trị nhiều hành động phá hoại của bọn phản động, tay sai của thực dân Pháp và quân Tưởng. Dựa vào dân, chính quyền nhân dân đã kịp thời xử lý nhiều vụ phá hoại cách mạng như vụ Ôn Như Hầu, vụ đảo chính của tổ chức Đại Việt do Trương Tử Anh cầm đầu. Cũng do biết dựa hẳn vào khối đại đoàn kết toàn dân, Nhà nước cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã thực hiện thành công sách lược khôn khéo, mềm dẻo và linh hoạt. Lúc đầu tạm hoãn và nhân nhượng với quân Tưởng để tập trung chống thực dân Pháp ở miền Nam. Sau khi hiệp ước Hoa - Pháp được ký kết, ta kịp chuyển sang hòa hoãn với Pháp để đẩy nhanh quân Tưởng về nước. Ở hoàn cảnh mới giành được độc lập, vận mệnh đất nước đứng trước họa “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra và thực hiện chủ trương: thống nhất bên trong, tìm bạn bên ngoài, tăng cường thực lực cách mạng trên cơ sở dựa chắc vào khối đại đoàn kết toàn dân được tập hợp trong Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc. Nhờ đó, con thuyền cách mạng Việt Nam đã vượt qua mọi thác ghềnh nguy hiểm, giữ vững chính quyền, chủ động chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. *** Trong lịch sử cách mạng nói chung, lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam nói riêng, giai đoạn từ ngày giành được chính quyền (2-9-1945) đến ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) là giai đoạn ngắn, vẻn vẹn có 15 tháng. Nhưng chính trong thời gian ngắn đó đã diễn ra nhiều sự kiện trọng đại liên quan đến vận mệnh của đất nước, sự tồn vong của Đảng. Khác với các thời kỳ cách mạng trước đó, đây là thời kỳ mà trong cùng một lúc chúng ta có nhiều kẻ thù là những tên đế quốc và các hạng tay sai. Tuy chúng mâu thuẫn nhau về quyền lợi nhưng lại thống nhất với nhau trong một mặt trận chung là chống lại cách mạng, phản dân tộc với những âm mưu, thủ đoạn thâm độc nhằm bóp chết chính quyền cách mạng non trẻ. Đó là những tập đoàn thực dân, đế quốc dù đã bị thiệt hại nặng nề trong đại chiến thế giới lần thứ hai, song vẫn là những nước có tiềm năng to lớn, đang chi phối cục diện thế giới. Vì vậy, thắng lợi mà nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh giành được trong thời kỳ này là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất. Nó chứng tỏ sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trong Mặt trận Dân tộc thống nhất là vô địch, là nhân tố cực kỳ quan trọng giúp cho nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng không ngừng phát triển. Nguyễn Túc Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam (*). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 189

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=22037&menu=1427&style=1