Cuộc thi đại học khó nhất thế giới, nhìn từ trong cuộc

Học sinh Trung Quốc phải trải qua nhiều năm học đầy căng thẳng, bên cạnh những kỳ vọng tới mức phi lý của phụ huynh, để chuẩn bị cho thử thách cuối cùng: Thi vào đại học. Những học sinh giỏi nhất có thể trông chờ vào tương lai xán lạn, nhưng với những người không thành công thì hệ thống này thực sự vô cùng tàn khốc.

Yuan Qi ngồi trong phòng riêng tại căn hộ của cha mẹ ở Bắc Kinh

Cuộc thi quan trọng bậc nhất đời người

Trong buổi chiều 8.6 năm nay, ngày cuối cùng của cuộc thi cao khảo (gaokao) 2016, cha mẹ các học sinh chầu chực bên ngoài một ngôi trường ở Bắc Kinh, sốt ruột ngóng tin con. Lúc 5h chiều, một học sinh có tên Yuan Qi bước ra, tay nắm chặt hộp bút, gương mặt mệt mỏi. Theo sau cậu là hàng trăm học sinh khác.

Cha Qi giơ cao điện thoại để ghi lại khoảnh khắc con làm xong bài thi. Ông nhẹ nhàng chúc mừng con rồi dẫn Qi tới chỗ mẹ đẻ. “Bài thi khó không?", một phụ huynh hỏi khi hai cha con đi ngang. "Cũng tùy bác ạ," Qi trả lời và mắt cha cậu ánh lên niềm kiêu hãnh.

Qi năm nay 18 tuổi, gầy gò và trông rất lo lắng. Cậu là học sinh tại Bắc Kinh 101, một trong những ngôi trường trung học danh giá nhất thủ đô Bắc Kinh. Kể từ khi còn là một cậu bé lớn lên ở Hồ Bắc, Qi đã thể hiện tài năng với môn toán, khoa học và giải quyết vấn đề.

Qi nhớ rằng lần đầu tiên thầy giáo đề cập tới cao khảo là lúc cậu đang học tiểu học. Khi đó, những từ này được dùng để so sánh với việc học hành chăm chỉ. Dần dần từ cao khảo liên tục xuất hiện ở trường học và tại bữa ăn tối của gia đình, cho tới khi cậu thấm nhuần rằng việc thi đỗ có giá như thế nào.

Trong khi ở mọi đất nước, thi đầu vào đại học luôn rất gay cấn thì ở Trung Quốc, sự cạnh tranh thực sự vô cùng khốc liệt. Các trường đại học điểm thường có tỉ lệ chọi cao khủng khiếp, lên tới 1/50.000.

Việc sinh viên theo học trường nào thường có tác động trực tiếp tới không chỉ sự nghiệp mà còn cả triển vọng hôn nhân của anh ta. Những chuyện này được quyết định bởi một yếu tố duy nhất: Điểm cao khảo gồm 3 con số.

Do chuyện được và mất phụ thuộc nhiều tới vậy vào cao khảo, không lạ khi gian lận thi cử là vấn đề lớn ở Trung Quốc. Camera quay lén, thiết bị truyền sóng vô tuyến và tai nghe để chuyển đề thi ra ngoài và nhận đáp án đã được tìm thấy trong mỗi kỳ thi. Chúng được giấu kỹ trong đồ trang sức, ví, bút, thước kẻ và cả quần áo lót.

Phần lớn phòng thi hiện đều lắp các máy ghi hình giám sát và một số còn dùng cả máy dò kim loại. Năm ngoái, cảnh sát đã phá tan một băng nhóm ở Giang Tây, nơi những kẻ thi hộ thu phí các phụ huynh lên tới 1 triệu NDT (200.000 USD) để giả dạng con họ.

Tại Luoyang, một thành phố nằm ở tỉnh Hà Nam, ban tổ chức thi cao khảo còn triển khai máy bay không người lái dò tín hiệu vô tuyến gửi ra và vào tòa nhà diễn ra cuộc thi. Máy nhận dạng vân tay và quét võng mạc cũng được sử dụng để nhận dạng học sinh.

Các tờ giấy chứa bài làm của thí sinh được bảo vệ áp tải đưa về các ngôi trường, trên những chiếc xe được theo dõi bằng thiết bị giám sát vệ tinh GPS. Những người ra đề thì bị cách ly chặt chẽ để đảm bảo không rò thông tin ra ngoài. Năm nay, Trung Quốc còn ban hành quy định mới, có thể khiến những ai gian lận thi cử lãnh án tù tới 7 năm.

"Đặc sản" của nền giáo dục Trung Quốc

Cao khảo là sản phẩm đặc trưng của nền giáo dục Trung Quốc. Ở phương Tây, nền giáo dục ấy được xem là cứng nhắc và dựa nhiều vào sự học vẹt, nhưng ở Trung Quốc nó lại được cho là khó nhưng công bằng.

Ở Châu Mỹ và Châu Âu, có một quan điểm tồn tại cho rằng những ngôi trường ở Trung Quốc chỉ tạo ra các cỗ máy tự động, không có khả năng tư duy sâu sắc. Nhưng ở Trung Quốc, nhiều người lại cho rằng các lớp học phương Tây đầy những sinh viên đứng trên bục giảng và xé sách giáo khoa, không tôn sư trọng đạo.

Tuy nhiên từ chỗ bị chỉ trích là dựa nhiều vào học vẹt, nay hệ thống giáo dục khắc nghiệt của Trung Quốc và tiêu chuẩn rất cao đi kèm với nó, lại đang được ca ngợi ở nước ngoài. Thomas Friedman, cây viết bình luận nổi tiếng của tờ New York Times, đã từng múa bút khen ngợi hệ thống giáo dục ở Thượng Hải. Năm ngoái, BBC mời 2 giáo viên Trung Quốc lên sóng để giảng dạy học sinh lớp 6 ở Anh, trong phim tài liệu "Con cái của chúng ta có đủ sự mạnh mẽ?".

Ở Trung Quốc, người dân không mơ hồ, cho rằng hệ thống giáo dục trong nước đã hoàn hảo, tới mức thế giới cần phải học theo. Thực tế thì kỳ thi cao khảo luôn bị chỉ trích do đặt áp lực khủng khiếp lên học sinh.

Nhưng về cơ bản thì đa phần dân Trung Quốc vẫn ủng hộ cao khảo, hoặc thấy rằng chẳng có lựa chọn nào khác để thay thế nói. "Trung Quốc quá đông dân" là lời lý giải hay được sử dụng để bào chữa cho cao khảo và gần như mọi thứ khác ở nước này, từ tình trạng giao thông đông đúc cho tới vấn đề nghèo khổ ở nông thôn.

Do sự cạnh tranh khốc liệt để dành lấy nguồn lực cho giáo dục bậc cao vốn hạn chế, người ta cho rằng phải có cách gì đó để phân biệt "giữa gạo với trấu" và để học sinh chăm chỉ từ tầng lớp nghèo có cơ hội vươn lên đầu.

Truyền thống thực hiện một bài thi duy nhất để quyết định cả một đời người đã có từ rất lâu đời ở Trung Quốc. Các kỳ thi để lấy người làm quan (keju) đã xuất hiện từ đời nhà Hán (206 trước CN tới 220 sau CN) và trở thành phương thức lựa chọn người duy nhất thịnh hành kể từ thế kỷ thứ 7, cho tới khi nó bị hủy bỏ vào năm 1905.

Trong những kỳ keju, các thí sinh mang lều chõng đi thi trong 3 ngày, ăn ngủ tại chỗ. Bài thi làm thơ thất ngôn bát cú là quan trọng nhất và tác phẩm phải tuân theo nhiều quy định khác nhau. Tất cả các thí sinh đều bị kiểm tra xem có dấu "tài liệu" không. Viết sẵn đáp án bài thi vào đồ lót là hình thức gian dối phổ biến nhất khi ấy.

Tỉ lệ đỗ trong các kỳ thi keju chỉ là 1%. Thí sinh sụp đổ về tinh thần là chuyện diễn ra thường xuyên và còn có cả những câu chuyện ma xuất hiện quanh kỳ thi này, như chuyện nói về Zhong Kui, một thí sinh đã tự sát khi bị đánh trượt ngay trong ngày đầu.

Dù không phải là "hậu duệ" trực tiếp, thi cao khảo vẫn được xem là "họ hàng xa" của kỳ thi. Cao khảo lần đầu được ban hành vào năm 1952, bị tạm ngưng dưới thời Cách mạng văn hóa và sau đó được phục hồi vào năm 1977 với hình thức hiện đại. Kể từ năm 1978, thi cao khảo đã diễn ra đều đặn mỗi năm một lần.

Mỗi kỳ thi cao khảo thường gồm 4 bài thi, mỗi bài có thời gian thực hiện trong 3 tiếng, thuộc các môn tiếng Trung, tiếng Anh, toán và một môn khoa học do thí sinh tự chọn (sinh học, hóa học, vật lý thuộc khoa học tự nhiên hoặc địa lý, lịch sử, chính trị thuộc khoa học xã hội).

Các câu hỏi phần lớn là dạng trắc nghiệm và rất khó. Theo phóng viên Guardian, bài thi toán trong kỳ thi cao khảo Trung Quốc khó bằng toán đại học ở Anh. Nhưng với phần lớn học sinh Trung Quốc, phần thi khó nhất là bài luận trong môn tiếng Trung.

Các học sinh chỉ có 1 giờ để viết về 1 trong 2 đề bài luôn chứa nhiều ẩn ý. Các đề bài hồi năm 2015 là: "Cánh bướm có màu sắc không?" và "Bạn ngưỡng mộ ai nhất, một nhà nghiên cứu sinh học, một thợ hàn hay một nhiếp ảnh gia?".

Không có gì ngạc nhiên khi học sinh phải chịu áp lực khổng lồ từ cha mẹ, thầy cô và chính bản thân. Thí sinh thi trượt năm nay có thể tham gia kỳ thi năm sau. Nhưng nếu thí sinh tiếp tục trượt thì không hề có tấm lưới an toàn hay một lối đi khác vào đại học.

Tự sát luôn là yếu tố song hành với các kỳ thi cao khảo. Năm 2014, một nghiên cứu tuyên bố căng thẳng thi cử là yếu tố xuất hiện trong 93% vụ học sinh tự sát. Năm ngoái, một trường trung học ở tỉnh Hồ Bắc đã cho rào lại mọi ban công của các tầng cao trong trường, sau khi hai học sinh nhảy xuống dưới tự sát trước kỳ thi cao khảo.

Và áp lực học hành đã để lại hậu quả từ rất sớm. Tháng 7 năm nay, một học sinh 10 tuổi đã tìm cách lao đầu vào xe hơi tự sát sau khi tranh cãi với mẹ về việc học hành ở trường. Tuy nhiên cỗ máy học hành và thi cử ở Trung Quốc vẫn vận hành như cũ sau những biến cố ấy.

Chỉ bắt đầu sống sau cuộc thi cao khảo

Thành lập vào năm 1946, Bắc Kinh 101 ban đầu chỉ được dùng để giáo dục con cái các quan chức hàng đầu Trung Quốc. Vào được ngôi trường điểm này đã là thành tựu không nhỏ của Qi. Tại trường phổ thông cơ sở của Qi ở Hồ Bắc, lớp học thường có từ 70-80 học sinh. Nhờ cha chuyển hộ khẩu tới Bắc Kinh, cậu đã vào một trường trung học cơ sở tốt hơn và sau khi đạt điểm tốt trong kỳ thi trung khảo thì vào Bắc Kinh 101 năm 16 tuổi.

Nằm cách Bắc Kinh 101 chỉ chừng một trăm mét là Đại học Bắc Kinh. Với lịch sử lấp lánh, các khu giảng đường nằm cạnh những hồ nước và cầu đá tuyệt đẹp, Đại học Bắc Kinh được so sánh với các trường danh giá như Oxford và Cambridge. Kể từ khi còn là đứa trẻ, Qi đã mơ được tới đó để học toán và cậu đặt áp lực khổng lồ lên bản thân mình.

“Vào trung học cơ sở, tôi thấy rằng việc học ở phổ thông cơ sở thật dễ dàng”, cậu chia sẻ. "Và ở trung học, tôi thấy việc học cấp hai không thể dễ hơn”. Ở Bắc Kinh 101, các lớp học chỉ có từ 20-30 học sinh, nhưng việc học hành lại nặng nề gấp đôi trường bình thường. Do điểm số của Qi cao nên cậu được đưa vào 1 trong 4 lớp học thực nghiệm trong khóa đó, vốn luyện học sinh với cường độ cao hơn các bạn.

Việc học ở Bắc Kinh 101 thực sự là cực hình. Vào lúc 6h30 sáng, Qi ra khỏi giường ở khu nội trú và tới 6h50’ đã ăn sáng ở căng tin. Tới 7h20 là nửa giờ tự học. Từ 8h, cậu có 5 tiết học dài 40 phút mỗi tiết. Tạm nghỉ giữa các buổi học là nửa giờ thể dục. Buổi chiều học sinh có thêm 3 tiết học nữa. Các lớp học kết thúc vào lúc 4h05’ chiều, nhưng khi về khu nội trú, học sinh thường phải dành thêm 3-4 giờ nữa để làm bài tập trước khi có thể đi ngủ.

Khi mùa Hè tới, không khí trong trường trở nên khẩn trương hơn. Qi và bạn thường xuyên phải xem lại chi tiết các đề thi trước đây. Sau mỗi ngày học, các học sinh đều phải tham gia cuộc thi thử dài 2 tiếng đồng hồ. Và tất cả vẫn phải làm hết bài tập về nhà, bên cạnh việc tham gia 5 lớp học thêm diễn ra vào mỗi thứ Bảy. Trong các Chủ Nhật, cha mẹ Qi lại thuê gia sư dạy con tiếng Anh và tiếng Trung. Thời gian nghỉ ngơi thư giãn duy nhất của Qi chỉ là khi chơi điện tử trên máy tính.

Trước khi Qi nhận ra thì chỉ còn 30 ngày nữa là tới cuộc thi cao khảo. Rồi thời gian nhanh chóng rút xuống còn 15, 10 và 5 ngày. Khi chỉ còn 3 ngày nữa là tới thời điểm thi, tức ngày 4/7, Bắc Kinh 101 tổ chức cuộc thi thử lớn nhất tại giảng đường chính của trường, đồng thời giúp nhắc nhở các học sinh về các quy trình của cuộc thi.

Cha mẹ chờ tin con thi cao khảo ở Bắc Kinh.

Cuối buổi hôm đó, các thầy cô giáo xếp hàng rồi vẫy tay chào học sinh, chúc tất cả thi tốt. Với việc này, 12 năm học phổ thông đã kết thúc. Qi về nhà và lập tức chúi đầu vào chuẩn bị cho môn thi đầu tiên.

2 tuần sau khi cuộc thi cao khảo diễn ra, Qi ngồi trong một quán ăn nhanh McDonald chờ tin. Phần lớn học sinh tự kiểm tra kết quả trên Internet, nhưng Qi quá căng thẳng nên nhờ cha xem hộ kết quả và nhắn tin cho cậu. Tới trưa, tin nhắn xuất hiện với kết quả là 664 điểm, xếp thứ 1020 ở Bắc Kinh. Điểm số này rất cao, nhưng thấp hơn sự kỳ vọng của Qi và không thể giúp cậu vào Đại học Bắc Kinh. Qi đã không giấu nổi sự thất vọng khi nghe tin và thế giới như đang đổ vỡ dưới chân.

Dù sao, điểm số cao vẫn khiến Qi được nhận vào Đại học hàng không không gian Bắc Kinh. Đây cũng là một trường tốt, dù không phải tốt nhất như mong ước của cậu và cha mẹ. Hoạt động học tập tại ngôi trường này bắt đầu từ tháng 9.

Quãng thời gian chờ đợi nhập học là lúc Qi thực sự được sống đời mình. Cậu đi học bơi, học cách đạp xe... những điều mà bản thân không ưu tiên và không có thời gian thực hiện trong suốt hơn một thập kỷ chuẩn bị cho cuộc thi quan trọng nhất cuộc đời.

Ở Trung Quốc, cao khảo đôi khi còn được gọi là cầu độc mộc, một con đường rất khó mà ai cũng phải đi qua. Nhưng một số người đi qua cầu với đôi giày tốt hơn kẻ khác. Các gia đình giàu có rải tiền thuê gia sư cho con cái của họ. Điều này khiến Jiang Xueqin, một học giả người Canada gốc Trung Quốc, gọi là một cuộc chạy đua vũ trang trong các gia đình Trung Quốc nhằm tăng cơ hội thành công cho con họ.

Hương Giang

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/cuoc-thi-dai-hoc-kho-nhat-the-gioi-nhin-tu-trong-cuoc-603684.bld