Cuộc sống người dân treo theo dự án tỷ đô của Berjaya

Cách đây hơn 8 năm, thông tin Tập đoàn Berjaya Berhad đầu tư Dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế Việt Nam (VIUT), nhiều người hy vọng tương lai sẽ có một khu đô thị mang tầm cỡ quốc tế được hình thành ở vùng đất anh hùng Củ Chi.

Những căn nhà tạm bợ của người dân nằm trong khu quy hoạch Dự án VIUT của Berjaya. Ảnh: VIệt Dũng

Tuy nhiên, hy vọng bao nhiêu để rồi thất vọng bấy nhiêu, khi đến nay, dự án này vẫn nằm trên giấy. Điều đang diễn ra là sự thống khổ của người dân trong vùng quy hoạch, đi không được, ở cũng không xong.

Từ giấc mơ dự án tỷ đô

Khu đô thị Tây Bắc TP. HCM là 1 trong 3 khu đô thị vệ tinh quan trọng của Thành phố, bên cạnh Khu đô thị Nam Sài Gòn và Khu đô thị Thủ Thiêm. Khu đô thị Tây Bắc có diện tích hơn 900 ha, thuộc địa bàn huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn, cách trung tâm TP. HCM khoảng 20 km. Cùng với một số xã thuộc huyện Củ Chi, xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn) là một xã nằm trong vùng quy hoạch thuộc Dự án Khu đô thị Tây Bắc.

Hơn 10 năm trước, Công ty Berjaya Land Berhad, một công ty thuộc Tập đoàn Berjaya Berhad (Malaysia) đã đặt vấn đề biến vùng đất hơn 900 ha này thành một trung tâm đào tạo đại học hiện đại bậc nhất Đông Nam Á. Năm 2008, chính quyền TP. HCM đã ký thỏa thuận với tập đoàn này và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trao giấy chứng nhận đầu tư dự án với tên gọi Khu đô thị Đại học Quốc tế Việt Nam (VIUT). Dự án có tổng mức đầu tư lên tới 3,5 tỷ USD và được chia thành 4 phân khu chức năng, gồm giáo dục đại học, đô thị kế cận, trung tâm dịch vụ tổng hợp và khu công viên cây xanh, phúc lợi công cộng.

Tại thời điểm năm 2008, VIUT là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có vốn đăng ký lớn nhất được cấp phép vào TP. HCM và được chính quyền Thành phố đặt nhiều kỳ vọng, bởi Berjaya được đánh giá là nhà đầu tư bất động sản lớn. Tuy nhiên, sau gần 10 năm được cấp phép đầu tư, hiện dự án vẫn là đồng cỏ bỏ hoang, lác đác vài ngôi nhà tạm bợ của những hộ dân chưa di dời khỏi vị trí quy hoạch.

Có nhiều nguyên nhân gây nên sự hoang tàn này, song có nguyên nhân cốt yếu khiến dự án này bị treo lơ lửng suốt nhiều năm qua là do dự án có quy mô quá lớn, trong khi chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính để triển khai.

Đến nỗi khổ người dân trong dự án

Điều đáng nói là Dự án VIUT bị treo bao lâu, thì cuộc sống của những người dân sống trong khu vực này bị khổ bấy lâu, do cuộc sống cũng bị treo theo quy hoạch dự án.

Có mặt tại khu vực Dự án VIUT cuối tuần trước, trái ngược với sự háo hức như ban đầu, theo ghi nhận của phóng viên Đầu tư Bất động sản, hiện tại, người dân ở đây đang tỏ ra mệt mỏi, ngao ngán mỗi khi nhắc tới dự án.

Tại khu đô thị có vốn đầu tư hàng tỷ USD này hiện chỉ có những căn nhà lợp tôn đơn sơ do dân lao động ở các tỉnh đến xây dựng để tạm trú. Họ phải trả tiền thuê đất để cất nhà và mượn đất của những “đại gia đất chết” ở đây để làm nông nghiệp, nhằm trang trải cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Nga, quê ở miền Tây tới đây mướn đất để tạm trú khá lâu. Căn nhà của chị chỉ tạm bợ, tường bao là những tấm tôn cũ nát dựng lên, mỗi khi trời mưa dù lớn hay nhỏ, bên trong nhà chẳng khác nào bên ngoài trời. Những tấm tôn cũ nát đã hoen rỉ theo thời gian, ngửa mặt lên trên mái nhà thì thấy những chỗ thủng trắng xóa cả một mảng.

“Mỗi khi trời mưa, mặc dù đã lấy thau hứng nước, nhưng trong nhà cũng như bên ngoài trời, chỗ nào cũng ướt”, chị Nga tâm sự.

Không chỉ những người tạm cư như chị Nga, một số hộ gia đình đã sống ở đây hơn 40 năm, đất đai do ông bà để lại khá lớn, nhưng cuộc sống cũng không khá hơn.

Bà Nguyễn Thị Lệ Hoa, đã sống ở đây được hơn 40 năm, đến nay cũng để dành được chút tiền, muốn cất lại căn nhà để ở cho đàng hoàng, nhưng khi làm đơn trình lên UBND xã thì không được chấp thuận. Bà Hoa cũng thắc mắc hỏi tại sao, thì được cán bộ xã trả lời rằng, khu đất nhà bà đang ở nằm trong khu quy hoạch của dự án, nên không được xây dựng. Sau một thời gian lên xuống, trình bày đủ kiểu, cuối cùng UBND xã cũng đồng ý cho gia đình bà xây dựng, nhưng với điều kiện chỉ được xây cao lên 1 m.

“Nhà cho người ở chứ có phải cho heo ở đâu mà cao 1 m”, bà Hoa bức xúc. Nhưng vì đất gia đình đang nằm trong dự án, nên cũng chẳng biết làm sao. Bà về bàn bạc với gia đình rồi xây tường cao lên 1 m, sau đó mua tôn về dựng nối tiếp lên cho cao.

Đặc biệt, cơ sở hạ tầng ở đây đang xuống cấp trầm trọng do từ lâu đã không được nâng cấp, làm mới. Đoạn đường dẫn vào khu dự án này chỉ được đổ một lớp đá lót sơ sài, trong khi xe tải đi lại nhiều, cộng với mưa lớn kéo dài thời gian qua, biến nhiều chỗ trên tuyến đường này trở thành những vũng nước lớn, bùn đất lầy lội, khiến việc lưu thông trong khu vực này rất khó khăn. Một số hộ gia đình đã tự bỏ tiền túi của mình ra để đổ thêm một lớp đá lên trên mặt đường đoạn qua nhà mình, tránh trường hợp nắng thì bụi, mưa thì đất ngoài đường trôi vào nhà.

Hơn nữa, người dân sinh sống tại đây cho biết, nếu muốn đi ra Quốc lộ 22, họ phải đi ngược vào sâu trong địa phận xã Xuân Thới Sơn, sau đó băng qua một cây cầu bê tông (rộng chưa tới 2m) đến đường Đặng Công Bỉnh, rồi mới có thể chạy ngược ra quốc lộ. Vì vậy, để tiết kiệm thời gian di chuyển, nhiều người dân ở đây đã sắm ghe để băng qua sông cho tiện.

“Con em chúng tôi đi học khổ lắm, mỗi sáng phải chèo ghe đưa nó sang đường Đặng Công Bỉnh rồi mới tự đạp xe đi học được”, qnh Tiến, tạm trú tại khu vực này cho biết.

Hiện tại, hơn 100 hộ dân ở đây đang phải “dở khóc, dở cười” vì dự án treo này. Khó khăn ngày càng chồng chất khi họ có đất nhưng không thể sử dụng, cũng không thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

“Nếu chủ đầu tư có làm dự án thì làm cho nhanh, còn không làm thì phải trả lại đất cho dân để xây nhà, sản xuất. Tình trạng này cứ kéo dài đến bao giờ, cuộc sống của chúng tôi cứ như thế này mãi sao, bao giờ mới được ổn định?”, một số người dân sống trong khu vực dự án bức xúc.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Theo Việt Dũng
Báo Đầu tư Bất động sản

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/bds-phap-luat/cuoc-song-nguoi-dan-treo-theo-du-an-ty-do-cua-berjaya-168882.html