Cuộc sống khốn khó của hai chị em mắc chứng đầu nhỏ

Không chỉ thiệt thòi hơn với những đứa trẻ bình thường, hai chị em họ Giàng tại thôn Giang Đông (xã Ea Dah, H. Krông Năng, tỉnh Đắc Lắc) còn khốn khổ trong các sinh hoạt thường ngày vì mắc chứng đầu nhỏ. Sau một thời gian dài chứng kiến đầu của hai con không chịu lớn, vợ chồng chị Chi vô cùng lo lắng, không hiểu nguyên nhân nào dẫn đến chứng bệnh kì lạ này của con.

Chị Chi ngậm ngùi nói về cuộc sống của hai cháu Duy và Tuyến.

Để hiểu hơn về những khó khăn trong cuộc sống của hai chị em họ Giàng, chúng tôi đã có mặt tại thôn Giang Đông. Theo đó, hai chị em bị mắc chứng đầu nhỏ là Giàng Thị Kim Tuyến (7 tuổi) và Giàng A Đức Duy (4 tuổi). Nhìn hai con với vẻ mặt ái ngại, chị Sùng Thị Chi (28 tuổi, mẹ của cháu Tuyến và Duy) chia sẻ: "Sau khi cưới nhau, vợ chồng tôi sinh được 4 người con. Đứa con đầu 9 tuổi chào đời rất khỏe mạnh và phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng, sau 9 tháng 10 ngày mang thai, tôi hạ sinh cháu Tuyến thì không khỏi sửng sốt phát hiện đầu của con mình nhỏ bất thường. 3 năm sau đó, tôi tiếp tục mang bầu và sinh cháu Duy. Chẳng khác gì cháu Tuyến, Duy chào đời với cái đầu rất nhỏ khiến ai cũng bàng hoàng không hiểu nguyên nhân vì sao. Không ít người đồn đại và nói rằng hai con của vợ chồng tôi bị quái thai. Cho đến đứa con thứ 4 thì lại rất bình thường".

Khi tôi hỏi về những dấu hiệu bất thường trong thời gian mang thai hai cháu Tuyến và Duy, chị Chi khẳng định: "Những tháng mang thai hai cháu, tôi ăn uống bình thường và không hề có biểu hiện sốt hay ngã bệnh. Tôi cũng không đi phun thuốc bảo vệ thực vật cho hoa màu để đến nỗi khiến con mình bị dị tật. Hơn thế, vợ chồng tôi kết hôn cũng không phải trường hợp cận huyết thống. Do điều kiện kinh tế quá khó khăn nên nhiều năm nay, vợ chồng tôi không đưa hai cháu đi khám bệnh ở đâu. Chúng tôi chỉ mong các cơ quan y tế quan tâm, giúp đỡ để tìm ra nguyên nhân khiến cháu Tuyến và Duy mắc chứng đầu nhỏ".

Cháu Duy ngơ ngác khi thấy những người lạ.

Cùng với cái đầu nhỏ, hai cháu Tuyến và Duy chỉ nhìn rõ một bên và rất chậm nói. Dù đã 7 tuổi nhưng cho đến nay, cháu Tuyến chỉ mới tập nói. Tương tự, cháu Duy dù nghe được nhưng không nói thành lời những gì mình muốn. Những lúc buồn hay giận, hai cháu lại đập đầu vào tường hoặc nền gạch như không hề cảm nhận được nỗi đau đớn. Không những thế, những lúc bị té, hai cháu cũng không có phản xạ trụ lại mà cứ thế rơi tự do, toàn thân đập xuống đất.

Do con không thể nhận thức được những gì diễn ra xung quanh nên vợ chồng chị Chi phải trực tiếp làm tất cả những sinh hoạt cá nhân cho chị em Tuyến. Chị Chi tâm sự: "Nuôi một đứa trẻ bình thường vốn đã rất vất vả nhưng với hai đứa con đầu nhỏ của tôi thì lại càng vật vã hơn. Hằng ngày, hai cháu lang thang ra đường hoặc tìm đến mọi ngóc ngách trong nhà để đào đất, làm những điều mình thích. Lo sợ các con gặp nguy hiểm nên lúc nào tôi cũng phải bám theo và không dám rời nửa bước. Nhiều hôm trở trời, Tuyến và Duy sổ mũi hay lên cơn sốt thì tôi lại thức trắng để lo cho các con. Không ít lần, tôi ngậm ngùi, bật khóc và không biết làm gì để bù đắp những thiệt thòi cho hai con".

Mới đây, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người cho rằng hai cháu Tuyến và Duy giống trường hợp của cháu H'Lẹ Mlô (5 tháng tuổi, xã Cư Pơng, H. Krông Búk, tỉnh Đắc Lắc) mắc chứng đầu nhỏ nghi do nhiễm virus Zika. Giải thích về điều này, bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đắc Lắc cho hay: "Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh đầu nhỏ. Do vậy, để xác định nguyên nhân dẫn đến bệnh đầu nhỏ của hai chị em cháu Tuyến thì cần phải trải qua nhiều xét nghiệm".

Nguyên Trịnh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_156378_cuo-c-so-ng-kho-n-kho-cu-a-hai-chi-em-ma-c-chu-ng-.aspx