Cuộc sống cặp song sinh từ tinh trùng người bố đã mất giờ ra sao?

Mặc dù sinh đôi nhưng hai bé có những nét khác nhau, Đức vừa giống bố, vừa giống mẹ, còn Hải thì giống bố và bên nội nhiều hơn.

Ảnh sinh nhật tròn 2 tuổi của anh em Đức và Hải - Ảnh: NVCC

Câu chuyện về chị Hoàng Thị Kim Dung, giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội sinh được hai bé trai sinh đôi từ tinh trùng người chồng đã mất vì tai nạn giao thông cách đấy 3 năm đã khiến nhiều người cảm phục.

Chúng tôi đến thăm gia đình nhỏ của chị Dung ở KĐT Pháp Vân (Hoàng Mai, Hà Nội) vào một buổi chiều cuối tuần của tháng 6. Nhìn căn hộ nhỏ xinh luôn ngập tràn ngập tiếng cười, tiếng nô đùa của hai đứa trẻ và nhìn cách chị chăm sóc, âu yếm các con tôi hiểu rằng con chính là niềm an ủi lớn nhất trong cuộc đời của chị.

Đức và Hải chơi cùng chị gái - Ảnh: NVCC

Hai bé sinh ra vào ngày 9/12/2013 tại Bệnh Viện Phụ sản Trung ương, được đặt tên là Hồ Sỹ Hoàng Đức và Hồ Sỹ Hoàng Hải. Ở tuổi lên ba, cũng như bao đứa trẻ khác hai bé cũng rất hiếu động và thích khám phá mọi thứ xung quanh, đặc biệt ở lớp hai bé rất nghịch. Mặc dù vậy, nhưng hai bé rất ít khi làm nũng mẹ.

Bé Đức nô đùa cùng mẹ

Chị Dung chia sẻ: Vất và nhất là lúc chị mới sinh, nhưng nhờ có ông bà nội, ngoại thay nhau lên chăm sóc nên cũng đỡ được phần nào. Cũng may là hai bé ít khi ốm, chỉ thỉnh thoảng bị ốm vặt mỗi khi thời tiết thay đổi. Nhưng vì sinh đôi, nên hai anh em hay bị ốm cùng nhau. Giờ các cháu đã cứng cáp hơn, cả hai đều được khoảng15 kg.

Bé Hải rất thích chơi xe ôtô.

Mặc dù là hai anh em sinh đôi nhưng hai bé lại có những nét khác nhau, bé Đức vừa có nét giống bố, vừa có nét giống mẹ, còn bé Hải thì giống bố và bên nội nhiều hơn. Vì còn bé, nên Đức và Hải chưa ý thức được sự thiếu vắng hình bóng người cha, chỉ có bé Bình con gái lớn (7 tuổi) của chị Dung hay hỏi về bố, nhưng giờ bé cũng đã phần nào hiểu được.

Vừa đóng vai trò là người mẹ, người cha của 3 đứa con, vừa phải kiếm tiền để trang trải cuộc sống. Mặc dù công việc rất bận rộn, nhưng về đến nhà là chị quẳng hết công việc sang một bên để dành thời gian bên các con.

Hai anh em Đức và Hải đang đi học lớp mẫu giáo gần nhà - Ảnh: NVCC

Làm mẹ đơn thân ở tuổi đời còn quá trẻ, lại quyết định sinh thêm con với phương pháp thụ tinh nhân tạo, chị biết sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng bằng tình yêu, ý chí và nghị lực của một người vợ, người mẹ chị đã vượt qua tất cả. Sự chào đời của hai thiên thần nhỏ phần nào giúp chị và gia đình vơi đi những nỗi đau, mất mát quá lớn mà họ đã phải chịu đựng.

Chị chia sẻ: Để đưa ra quyết định này là vì chị muốn lưu giữ lại nhiều nhất những gì thuộc về anh. Chị nói trước khi cưới anh chị đã xác định với nhau là sau này dù trai hay gái cũng phải có hai con, nên chị coi đó như một cách để thực hiện lời hứa và tâm nguyện cuối cùng của người chồng quá cố.

Khi biết con gái định sinh thêm con, bố mẹ đẻ chị đã không nói gì mà chỉ im lặng từ đầu đến cuối. Còn bố mẹ chồng thì không phản đối, cũng không ủng hộ mà chỉ bảo: “như thế liệu có vất vả cho con lắm không? Nếu vậy thì bố mẹ chịu ơn con lắm!”. Chị tâm sự đó là việc phải thưa chuyện với ông bà, còn chị đã quyết định rồi thì phải thực hiện.

Người thân, bạn bè cũng khuyên chị nên đi bước nữa, chị nghĩ: “Có thể người đàn ông đó sẽ yêu thương mình thật lòng, nhưng còn con mình? Chị còn trẻ, không quá khó để tìm được hạnh phúc mới, nhưng chị lo cho con nếu thế thật thì tương lai của con sẽ ra sao?”. Bởi vậy chị đã không bao giờ nghĩ đến chuyện đó nữa.

Chị Hoàng Thị Kim Dung và anh Hồ Sỹ Ngọc đều sinh ra và lớn lên ở Nghệ An. Họ quen nhau từ thời cấp 3 rồi cùng thi đỗ vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Mối tình đồng hương nhanh chóng gắn kết hai người lại với nhau và không biết từ lúc nào trong hai người đã dành cho nhau những tình cảm đặc biệt. Sau khi tốt nghiệp đại học, chị Dung đi Pháp du học rồi ở lại làm luận án tiến sĩ. Năm 2009 chị về nước cùng anh lo đám cưới rồi trở lại Pháp bảo vệ luận án.

Hoàn thành khóa học chị về nước, rồi đứa con gái đầu lòng chào đời. Những tưởng hạnh phúc đang mỉm cười với đôi vợ chồng trẻ, nhưng khi con gái chưa đầy 6 tháng, vợ mới bắt đầu thích nghi cuộc sống chung thì anh Ngọc mất đột ngột vì tai nạn giao thông, khi đó anh chưa đầy 30 tuổi.

Ngay sau khi chồng mất chị đã chị đã nhờ bạn bè liên hệ các bệnh viện để tìm hiểu về phương pháp lưu trữ tinh trùng. Và rồi như một cơ may, bạn bè chị đã được giới thiệu đến bác sĩ Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội. Và khoảng 6 giờ sau khi anh Ngọc qua đời BS Vệ đã trực tiếp đến lấy và thực hiện lưu trữ tinh trùng của anh Ngọc. 3 năm sau khi mãn tang chồng, chị đã thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm bằng tinh trùng của chồng mình.

Theo Phụ nữ Online

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/cuoc-song-cap-song-sinh-tu-tinh-trung-nguoi-bo-da-mat-gio-ra-sao-703021.html