Cuộc sống bên lề đường

Tại Mumbai và các thành phố khác ở Ấn Độ, các chiến lược mới giúp đỡ người vô gia cư đang được triển khai. Chính phủ Ấn Độ mong muốn nỗ lực của họ sẽ đáp ứng “thời hạn chót” trong mục tiêu toàn cầu nhằm giải quyết tình trạng người vô gia cư ngày càng phức tạp.

Bám trụ với vỉa hè
Đó là thời điểm gần nửa đêm, khi Anita Kharva trải chiếu trên vỉa hè đường phố Mumbai – thành phố lớn nhất Ấn Độ, thủ phủ bang Maharashtra - để ngả lưng vài tiếng. Không cần thay quần áo, không phòng tắm, không cửa ra vào, việc chuẩn bị giường ngủ của Kharva chỉ tốn vài giây. Cái mà cô gọi là “nhà” thực ra chỉ là một khoảng trống nhỏ, được bao quanh bởi những tấm bìa cũ kỹ. Bất chấp khả năng “nhà” có thể bị phá hủy bất cứ lúc nào, Kharva vẫn bám trụ ở đây hàng chục năm nay, bởi cô chẳng biết đi đâu khác.

Người dân ở Mumbai phải bám trụ vỉa hè để sinh tồn

Không chỉ riêng Kharva, hàng ngàn phụ nữ và trẻ em khác ở Ấn Độ cũng đang trong cảnh “màn trời, chiếu đất”.
Cuộc sống về đêm của những người vô gia cư ở Mumbai không dễ dàng. Sống cùng 4 em trai, 3 em gái và cha mẹ, song Kharva hiếm khi cảm thấy an toàn đủ để có một giấc ngủ sâu. Kharva và cô bạn “hàng xóm”
Sangeeta cho biết họ thường xuyên phải thức cả đêm để đối phó với những gã đàn ông hung tợn, có “máu dê” đi ngang qua.
Cách đây hơn 20 năm, Kharva được sinh ra ngay trên vỉa hè. Cha mẹ cô cũng cưới nhau ngoài đường và suốt 50 năm qua, gia đình họ tắm giặt, ăn uống, làm việc, vui chơi, nghỉ ngơi…ở phần vỉa hè nhỏ. Do “nhà” không có tường che chắn, Kharva buộc phải phơi bày thói quen sinh hoạt hàng ngày trước mắt bàn dân thiên hạ.

Tháng 9/2015, 193 thành viên của Liên hiệp quốc đã thông qua Chương trình Nghị sự Toàn cầu về phát triển đến năm 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó việc giải quyết vấn đề người vô gia cư và đảm bảo nhà ở “an toàn, đầy đủ” cho mọi người được đặt lên hàng đầu trong mục tiêu số 11 là “xây dựng các thành phố an toàn, bền vững”.

Là chị cả, Kharva có sự tự tin, quyết đoán cần thiết để sống ở một thành phố mà lâu này vấn đề người vô gia cư dường như bị xao nhãng. Chính quyền Mumbai chưa xây dựng được những khu nhà để các gia đình vô gia cư tạm nương thân. Trong khi đó, mùa mưa kéo theo dịch bệnh, sốt, đôi khi là những cái chết không đáng có. Người vô gia cư không có nước sinh hoạt và không có tiền để trả phí sử dụng nhà vệ sinh, phòng tắm công cộng. Họ luôn ở thế sẵn sàng bị đẩy đuổi khỏi đường phố bất cứ lúc nào.

Vào mỗi sáng, Kharva tới chợ gần “nhà” để bán quần áo cũ mà cô gom nhặt được từ các bà nội trợ. Tiền mỗi bộ quần áo rất rẻ (chỉ từ 20-50 rupi, khoảng hơn 5.000 - 16.000 đồng) nhưng đủ để nuôi sống gia đình Kharva. Ngoài ra, số tiền tiết kiệm giúp cô thực hiện ước mơ cải thiện cuộc sống là đưa gia đình vào ở trong một căn phòng nhỏ an toàn, đúng nghĩa là Nhà. Giống hầu hết trẻ đường phố khác, Kharva phải bỏ học để phụ giúp gia đình. Mù chữ trở thành vật cản khiến Kharva không thể có công việc với mức lương tốt hơn. Vì thế, Kharva cho biết sẽ làm mọi thứ để có tiền cho thế hệ con cháu cắp sách tới trường.
Khi đến Mumbai, cha mẹ Kharva không thể ngờ rằng họ sẽ ở lại vùng đất này cả nửa thế kỷ. Nhưng họ cũng nhanh chóng nhận ra rằng “thành phố của những giấc mơ”- nơi quy tụ các ngội sao Bollywood và được mệnh danh là Phố Wall của Ấn Độ - không trải thảm đỏ cho tất cả mọi người.

Nỗ lực giảm tình trạng vô gia cư
Tại nhiều nơi trên thế giới, tình trạng vô gia cư chỉ là giai đoạn tạm thời trong cuộc đời của một người và thường bắt nguồn từ những khó khăn kinh tế. Ở thành phố New York (Mỹ), chỉ có 6% những người vô gia cư sống trong các khu nhà tạm quá 6 tháng. Ở Hongkong (Trung Quốc), 60% người vô gia cư sống ngoài đường phố không quá 3 năm. Nhưng ở Mumbai, người vô gia cư thường phải sống vất vưởng nhiều thập kỷ trên đường phố. Họ có thể là người buôn bán lặt vặt, người dọn rác, công nhân xây dựng hoặc người giúp việc. Nhiều lao động công nhật, lao động không thường xuyên với mức lương thấp thậm chí không thể trú trong các túp lều tạm qua đêm tại các khu “ổ chuột” rộng lớn của thành phố do giá thuê lên tới 10.000 rupi (hơn 3 triệu đồng/tháng).

Người vô gia cư tràn lan là thách thức lớn với Chính phủ Ấn Độ

Thống kê sơ bộ của Chính phủ Ấn Độ cho thấy số người vô gia cư ở Mumbai (không tính những người sống trong các khu “ổ chuột” hay những túp lều tạm qua đêm) là hơn 57.400 người (chiếm 1% trong tổng số hơn 12 triệu dân của thành phố). Tuy nhiên, con số không chính thức có thể là hơn 300.000 người. Cả Ấn Độ có khoảng 249 triệu người vô gia cư trên tổng dân số hơn 1,2 tỷ người.
Tình trạng vô gia cư trở thành một trong những vấn đề “đau đầu” nhất của các chính quyền Ấn Độ kể từ khi xuất hiện những dòng người di cư tới các trung tâm kinh tế lớn của đất nước theo chính sách tự do kinh tế những năm 90 thế kỷ trước. Năm 2010, để Thủ đô Delhi gọn gàng hơn khi tổ chức Đại hội thể thao Khối Thịnh vượng chung, chính quyền địa phương đã nhanh chóng san ủi một khu lều tạm giữa trung tâm thành phố. Hành động này khiến 250 người vô gia cư phải trải qua những đêm giá lạnh ngoài trời, trong đó có 2 người thiệt mạng vì thời tiết.

Theo một khảo sát (năm 2005) của Liên Hợp Quốc, thế giới có khoảng 100 triệu người vô gia cư. Năm 2013, tại Ấn Độ có khoảng 69.000 hộ gia đình không có nhà cửa. Các bang Uttar Pradesh, Maharashtra, Rajasthan và Madhya Pradesh chiếm ½ tổng số người vô gia cư ở Ấn Độ.

Trước sức ép của dư luận, Tòa án Tối cao Ấn Độ sau đó buộc chính quyền Delhi phải bố trí lại các lều tạm cho người vô gia cư, yêu cầu chính quyền các địa phương khác trên toàn lãnh thổ Ấn Độ phải lập tức có hành động giúp đỡ người vô gia cư. Trong vòng một năm, 62 thành phố phải xây dựng các khu nhà cố định, hoạt động 24/24h dành cho người vô gia cư, hoặc là đối mặt với việc vi phạm Hiến pháp vì không đảm bảo quyền phẩm giá con người. Bộ Nhà ở và Giảm đói nghèo thành thị Ấn Độ đã chi hơn 160 triệu USD vào việc xây nhà cho 900.000 người vô gia cư. Đến nay, 14 bang ở Ấn Độ đã xây hơn 200 khu nhà cho người vô gia cư.
Tại bang Tamil Nadu, chính quyền đã chi ngân sách xây dựng 200 “Nhà hàng của Mẹ” nhằm trợ cấp các bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh, giá bình dân cho những người nghèo và người vô gia cư. Mỗi ngày, các bếp ăn “Nhà hàng của Mẹ” phục vụ 100.000 suất ăn cho người vô cư, lao động tự do, người nhập cư… Mô hình “Nhà hàng của Mẹ” không chỉ là nguồn cung cấp thực phẩm sạch mà còn tạo việc làm cho nhiều phụ nữ. Ở Mumbai, có 9 khu lều trại dành cho trẻ em vô gia cư nhưng chưa có khu nào cho phép các gia đình sống chung với nhau.
Không giống Mumbai, Delhi hiện có hơn 30 khu nhà dành cho các gia đình vô gia cư, 1 khu nhà ở đặc biệt dành cho các bà mẹ bỉm sữa. Tại Chennai – thành phố thủ phủ lớn thứ 4 của Ấn Độ, các khu nhà cho người vô gia cư ở phía Đông được trang bị giường, có các dịch vụ thiết thực như khám sức khỏe và ăn uống.

Hiện nay, mô hình lều “ekShelter “ do Công ty giải pháp nhà ở tại Delhi thiết kế đang ngày càng thịnh hành ở các thành phố lớn của Ấn Độ, do “ekShelter” chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết, được làm từ các chất liệu sẵn có và dễ dàng lắp đặt. Năm 2016, chính phủ Ấn Độ cũng đã đồng ý xây dựng 82.000 căn nhà xã hội tại Tây Bengal, Telangana, Bihar, Rajasthan, Uttarakhand…

Một số tổ chức phi chính phủ tại Ấn Độ đang hướng dẫn người vô gia cư có được phiếu cung cấp lương thực của chính phủ, giấy chứng minh cử tri, tìm kiếm việc làm, hiểu biết thêm về các chương trình chính phủ về nhà ở, giáo dục trẻ em, phòng chống bạo lực phụ nữ…Tất cả nhằm thể hiện rằng người vô gia cư cũng có quyền công dân và một chỗ đứng trong xã hội Ấn Độ.

Một trong những khó khăn của việc xây dựng nhà cho người vô gia cư là không có đất dư thừa tại các thành phố đang phát triển nóng. Gần đây, cố vấn pháp luật bang Maharashtra đã yêu cầu tất cả cơ quan chính quyền hạn chế lấy đất để có chỗ xây dựng các lều bạt mới cho người vô gia cư gần với nơi họ đang sinh sống, làm việc. Trước đó, nhiều người vô gia cư chạy xe kéo (rickshaw) thường ngủ luôn ở xe, bởi các khu nhà dành cho người vô gia cư không có chỗ để xe an toàn.

Khó khăn của Ấn Độ trong quá trình xây nhà cho người vô gia cư thể hiện thách thức mà nước này đang phải đối mặt nhằm đạt được mục tiêu tham vọng của Liên hiệp quốc về việc đảm bảo mọi người trên thế giới có nhà ở vào năm 2030. Các đô thị của Ấn Độ thiếu khoảng 25 triệu căn nhà. Điều này có nghĩa là chính phủ phải xây dựng được 9.781 căn nhà mỗi ngày. Các chuyên gia cho rằng khó đạt con số này bởi sự thiếu hụt về công nghệ, nguồn vốn…

Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng Ấn Độ phải tiêu tốn hơn 14 tỷ USD để thực hiện Chương trình Nghị sự Toàn cầu về phát triển đến năm 2030 của Liên hiệp quốc (SDGs). Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao không đủ giúp Ấn Độ bỏ ra số tiền lớn như vậy cho SDGs. Trong khi đó, để SDGs thành công, Ấn Độ phải đóng vai trò dẫn đầu.

Các nhà xã hội học cho rằng muốn giải quyết tình trạng người vô gia cư thì không chỉ cần tới nỗ lực to lớn của các chính quyền, mà còn cần sự tham dự, tiếng nói của chính những người vô gia cư trong quá trình hoạch định chính sách xóa đói - giảm nghèo, bởi hơn ai hết những người vô gia cư hiểu rõ họ mong muốn gì.

Thùy Dương

Nguồn Ngày Nay: http://www.ngaynay.vn/ho-so/cuoc-song-ben-le-duong-30548.html