Cuộc 'khủng hoảng nghĩa trang' với người tị nạn Syria

Những người tị nạn Syria ở Lebanon đang phải đối mặt với một thực tế vô cùng nghiệt ngã là thiếu nơi chôn cất người quá cố. Cuộc khủng hoảng người di cư Syria vẫn đang diễn ra, trong khi khoảng 10.000 người tị nạn Syria chết ở Lebanon mỗi năm.

Nhiều người tị nạn Syria ở Lebanon chết mà không tìm được nơi an nghỉ cuối cùng

Nghĩa trang đặc biệt cho người tị nạn Syria

Abu Abdo, người phụ trách nghĩa trang dành cho người tị nạn Syria ở Daraya, Lebanon nói rằng, cuộc “khủng hoảng nghĩa trang” đang diễn ra khi nhiều người tị nạn chết mà không tìm được nơi an nghỉ cuối cùng. Abu Abdo không phải là người tị nạn. Ông rời Syria vào năm 1993 đến Lebanon làm thợ sửa ống nước. Cuộc sống của ông ở Lebanon đã ổn định khi chiến tranh ở Syria diễn ra. Ông quyết định xây dựng nghĩa trang cho người tị nạn Syria ở Lebanon khi một người thân của ông mất vào năm 2014.

“Chồng của bác gái tôi chết ở Lebanon. Ông ấy là một người tị nạn. Trong vài ngày, chúng tôi không tìm được đất để chôn cất ông. Đó cũng là lúc tôi nghĩ đến việc xây dựng nghĩa trang đặc biệt cho người Syria”, ông Abu Abdo nói. Với sự giúp đỡ của bạn bè và một tổ chức phi chính phủ ở địa phương, ông Abu Abdo đã có đủ tiền để mua một mảnh đất rộng 16.145m2 tại ngôi làng ông đang sống. Kể từ khi “mở cửa” vào tháng 1-2016 đến nay, nghĩa trang đã trở thành nơi an nghỉ của 250 người lớn và hơn 100 trẻ em. Tất cả đều là người Syria tị nạn trên khắp lãnh thổ Lebanon.

Ban đầu, ông Abu Abdo xây dựng một trang Facebook để giới thiệu về nghĩa trang nhưng sau đó phải tạm dừng theo yêu cầu của các nhà chức trách Lebanon. Hiện nay, ông Abu Abdo giao dịch qua WhatsApp. Khi cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Lebanon kéo dài, số người đăng ký mai táng ở nghĩa trang này tăng nhanh. Phí tang lễ là 150USD/người. “Tôi chôn cất từ 3 đến 4 người chết mỗi tuần. Hiện nghĩa trang chỉ còn khoảng 100 chỗ”, ông Abu Abdo cho biết.

Việc xây dựng nghĩa trang cho người tị nạn của ông Abu Abdo bị nhiều người dân địa phương chỉ trích. “Khi tôi ra chợ mua bánh mì hay thịt, người ta lại xì xào là tiền tôi có được từ người chết. Giờ đây, tôi đã quen với những lời chỉ trích đó”, ông Abu Abdo nói. Ghassan Shehade, đại diện tổ chức phi chính phủ ở địa phương hỗ trợ ông Abu Abdo xây dựng nghĩa trang nói rằng, việc xây dựng nghĩa trang cho người tị nạn chết là nhu cầu bức xúc nhưng đang thiếu vắng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

“Ăn theo” dịch vụ vận chuyển người chết

Ước tính, hiện có hơn 1 triệu người tị nạn Syria sống ở Lebanon. Số lượng người chết không được thống kê đầy đủ nhưng ước tính, khoảng 10.000 người tị nạn Syria chết ở Lebanon mỗi năm. Phần lớn trong số họ là người Hồi giáo Sunni, có đức tin cấm hỏa táng. Ở một quốc gia có diện tích nhỏ như Lebanon, không gian chôn cất người chết trở thành vấn đề “nóng” được đặt ra.

Ban đầu, người Syria được chôn cất tại các nghĩa trang địa phương cùng với người Lebanon nhưng quỹ đất ngày càng cạn kiệt và giá cả tăng lên. Lệ phí cho một ngôi mộ trong nghĩa trang Lebanon vào khoảng 400 USD. Tại các thành phố, mức giá này tăng lên gấp 10 lần và ở Beirut có thể lên tới 10.000 USD. Đây là khoản phí mà hầu hết người tị nạn Syria không có khả năng chi trả. Nhiều gia đình bị buộc phải chôn người thân ở bất cứ nơi nào.

Azzam 22 tuổi, người tị nạn Syria sống trong một nhà máy Pepsi bỏ hoang ở ngoại ô Sidon, miền Nam Lebanon ở kể lại rằng, khi con trai nhỏ tuổi của anh mất vào năm ngoái, gia đình không có đủ tiền để mua đất chôn cất cho con. “Nghĩa trang yêu cầu nộp 400 USD nhưng gia đình đành chịu vì không có khoản tiền lớn như vậy. Tôi đã phải chôn thi thể con trai ngoài đồng. Tôi làm điều đó vào buổi tối. Nếu ai đó nhìn thấy, tôi sẽ gặp rắc rối thực sự", anh Azzam nói. Chôn cất người chết bên ngoài nghĩa trang là việc làm bất hợp pháp ở Lebanon.

Một số gia đình tị nạn đã phải gửi thi thể người thân về Syria thông qua những tay buôn người di cư. Rajaa, một người tị nạn 37 tuổi đến từ Idlib, Syria kể lại, anh trai cô mất cách đây 2 năm và cô quyết định gửi thi thể của anh về Damascus mai táng. “Tôi đã trả 400 USD cho một tay buôn lậu. Hắn ta nhận tiền, thi thể của anh trai tôi và biến mất kể từ thời điểm đó. Tôi đã gọi nhiều lần nhưng không liên lạc được. Điều gì đã xảy ra với thi thể của anh trai tôi? Chúng tôi không có câu trả lời”, Rajaa nói.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/cuoc-khung-hoang-nghia-trang-voi-nguoi-ti-nan-syria/737080.antd