Cuộc gặp mặt không có hoa ngày 20/11 của người học trò cũ và cô giáo già

20/11, những người trò sẽ cùng nhau về thăm thầy cô của mình với hoa và nhiều tiếng cười nhưng chị Thủy đã không làm được điều này. Giữa dòng người tấp nập, chị vội vã về bên cô, không kịp mua một đóa hoa nào, chỉ kịp nắm lấy đôi bàn tay gầy guộc của cô và nghẹn ngào... Cô giáo của chị là cô Nguyễn Thị Nga – một Giảng viên Trường ĐH Thương Mại suốt đời miệt mài với những bài giảng, “quên” cả việc lập gia đình riêng.

Tình cờ chứng kiến cuộc gặp xúc động đúng dịp ngày nhà giáo Việt Nam tại khoa Cấp cứu BV Huyết học Truyền máu Trung ương, tôi đã không thể kìm lòng và ghi lại những khoảng khắc xúc động về tình thầy trò này.

Trong căn phòng bệnh nhỏ nhưng ngăn nắp, chỉ có cô giáo Nga, 1 vài người thân của cô và chị Thủy - người học trò cũ. Chị Thủy đã ở tuổi trung niên, chị lặng lẽ tới giường bệnh và nắm lấy bàn tay cô giáo. Đôi bàn tay cô có nhiều vết bầm tím bởi những đường ven đã vỡ. Cơ thể cô gầy, xanh, cô nằm bất động, không nói được vì mệt nhưng ánh mắt vẫn nhìn và nhận ra trò của mình. Trong một khoảnh khắc, người trò vội quay đi để quệt những giọt nữa mắt lăn sau cặp kính.

Giữa dòng người tấp nập, chị vội vã về bên cô, không kịp mua một đóa hoa nào, chỉ kịp nắm lấy đôi bàn tay gầy guộc của cô giáo Nguyễn Thị Nga và nghẹn ngào...

Chị Thủy kể: cô Nguyễn Thị Nga 68 tuổi - quê Nghĩa Hưng - Nam Định. Trước đây cô Nga giảng dạy chuyên ngành Môi trường tại trường ĐH Thương Mại. Cô Nga không lập gia đình, suốt một đời mải miết với nghiệp trồng người.

Bà Nguyễn Thị Phượng - chị gái cô Nga cũng tâm sự: Sức khỏe của cô Nga trước nay không có vấn đề gì nhưng hơn 1 tháng gần đây, những cơn sốt triền miên đã khiến cô mệt, yếu, không thể ăn được và nằm bệt trên giường. Lúc nào cô cũng luôn thấy đắng miệng và sút cân nhanh chóng.

Hiện giờ, cô Nga chỉ có thể ăn bằng xông và chẳng nói được nên lời nữa và cô đã được đưa về Nam Định để gần những người thân trong gia đình.

Tuy ốm mệt suốt thời gian vừa qua nhưng cô Nga không muốn cho mọi người biết mình bị ốm, cô sợ phiền mọi người và mãi tới bây giờ, trong phút gấp gáp, tôi mới biết tin trong một buổi chiều muộn do các cháu của cô Nga gọi điện báo.

Cô giáo Nguyễn thị Nga - Giảng viên trường ĐH Thương Mại

Trong phút xúc động, bên hành lang bệnh viện - chị Thủy chia sẻ với tôi: cô Nga không lập gia đình nhưng cô ít có thời gian sống 1 mình bởi trong nhà cô luôn có con cháu hoặc học sinh ở quê về Hà Nội. Cô được nhà trường phân cho một căn phòng nhỏ số 247 rộng 18 m2 trên tầng 2 của khu tập thể Trường Đại Học Thương Mại đã mấy chục năm nay.

Gặp lại cô, những kỷ niệm ùa về trong chị Thủy. Theo chân chị về khu tập thể trường Đại học Thương Mại nơi cô ở - khu nhà xây từ những năm 60 cũ kỹ, xuống cấp. Bước lên cầu thang, lúc nhập nhoạng tối, ánh điện vàng lờ mờ khiến người đi phải cẩn thận vì sợ vấp ngã. Căn hộ 18 m2 của cô Nga nằm gần cuối dãy hành lang hun hút.

Trong căn nhà, vẫn có 3 cậu sinh viên có hòn cảnh khó khăn - là người cùng làng quê Nghĩa Hưng- Nam Định của Cô Nga lên Hà Nội học được cô cho ở nhờ. “Cô thường vẫn hay cưu mang những người có hoàn cảnh khó khăn như vậy nhiều năm nay” – chị Thủy cho biết.

Căn phòng 18 m2 tại Khu tập thể trường ĐH Thương Mại của cô Nga hiện vẫn cưu mang những sinh viên khó khăn

Chị Thủy kể: Cách đây 2, 3 năm cô Nga vẫn ở lại đây nhưng do tuổi đã lớn, đi lại khó khăn, căn phòng quá tồi tàn lại không có nhà vệ sinh riêng mà phải dùng chung cho cả dãy nên cô Nga đã chuyển về Đông Anh ở cùng các cháu ruột để tiện sinh hoạt.

Rời khỏi căn căn phòng 18 m2 của cô Nga, chị Thủy bỗng nói với tôi: “Một đời cô Nga dậy học và tâm huyết nhưng cô thật giản dị. Cô vẫn không bao giờ ngừng giúp đỡ mọi người ngay cả khi cô không giầu có. Căn phòng 18 m2 của cô vẫn còn là chỗ che mưa nắng cho những người khó khăn”.

Một thoáng trong ánh mắt của chị, tôi thấy có chút lấp lánh và chị nói: “Như trong một quyết định cấp phát nhà, Trường Đại học Thương Mại có thể sẽ thu hồi lại căn phòng 18 m2 này của cô sau khi cô ra đi. Nếu điều đó diễn ra, chắc cô sẽ buồn vì những người cô đang cưu mang sẽ mất đi chỗ che mưa nắng”.

Một câu chuyện xúc động về tình thầy trò trong không khí ngày 20/11 nhưng để thấy, quanh ta có nhiều tấm gương những thầy cô giáo thật đáng kính, suốt một đời lặng lẽ tỏa hương như những loài hoa thơm khiêm nhường.

Khu tập thể trường ĐH Thương Mại - nơi cô Nguyễn Thị Nga sống nhiều năm

Thanh Loan

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/cuoc-gap-mat-khong-co-hoa-ngay-20-11-cua-nguoi-hoc-tro-cu-va-co-giao-gia-n125018.html