'Cuộc đua' giữa báo chí và mạng xã hội: Nhanh nhạy chưa đủ, cần chính xác

Hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, thậm chí hằng giây, những thông tin nóng hổi trên các trang mạng xã hội (MXH) làm báo chí truyền thống hốt hoảng chạy theo và đôi khi phải sực tỉnh. Không thể “mãi là người đến sau”, nhưng cũng không thể “cầm đèn chạy trước”… mà không kịp xác minh. Tuy nhiên, phải công nhận rằng, chính nhờ MXH mà nhiều thông tin trở nên minh bạch hơn, khó bị bưng bít hơn; ngoài ra, sự tương tác giữa người dùng và những vấn đề trên MXH đã khiến cho bản chất sự việc được bộc lộ rõ ràng, đa chiều hơn, cách ứng xử với thông tin cũng phải cởi mở hơn.

BTV Tạ Bích Loan làm “dậy sóng” mạng facebook vì “60 phút mở”.

Mạng xã hội bùng nổ thông tin

Cá chết, C2, Rồng Đỏ nhiễm chì, Tân Hiệp Phát và con ruồi trớ trêu, thực phẩm bẩn, chặt cây xanh, dọn rác, du khách bị cướp giật, ném phao thi và cả “60 phút mở”... tất cả đều trở thành tâm bão trên MXH. Trên đó, mỗi người tùy nghi thể hiện quan điểm của mình, phẫn nộ hay thích thú, kêu gọi tẩy chay hay làm lơ…Trong đó, có cả tiếng nói của những nhà chuyên môn, của những cây bút mạng nổi tiếng với lượt view, like “khủng”. Từ đây, có thể thấy MXH nhanh, nhạy, dễ bùng nổ hơn nhiều so với báo chí truyền thống, có một sức mạnh lợi hại khó lường.

Theo số liệu đưa ra tại Hội thảo “Tương tác báo chí và mạng xã hội” vào tháng 5 vừa qua tại Hà Nội, năm 2014, số người sử dụng mạng xã hội trên toàn cầu đạt 1,79 tỉ người. Tại Việt Nam, tính đến hết 1.2015, con số này là 30 triệu người, tương đương 1/3 dân số. Chính sự phát triển mạnh mẽ của MXH trên thế giới cũng như tại Việt Nam thời gian qua đã tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của báo chí truyền thống.

Báo mạng lấn át báo giấy, youtube lấn át đài truyền hình, phần doanh thu quảng cáo, PR của thị phần báo chí truyền thống cũng bị thu hẹp lại. Và cho đến khi live facebook bùng nổ, những hình ảnh truyền đi chóng mặt khiến các nhà đài cũng phải “ngẩn ngơ”. MXH là một cuộc “cách mạng về thông tin”, dù chưa nói chính xác hay không, và báo chí buộc phải thay đổi phong cách lẫn sự tiếp cận, phải chạy theo các vấn đề được phản ánh trên MXH để đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả. Thậm chí, để có được lượng view đáng mơ ước, báo chí cũng có lúc “đánh mất quyền lực thông tin” của mình là truy đến cùng sự thật, chỉ vì mải chạy theo bề nổi của MXH.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, mạng xã hội là sản phẩm thành tựu của khoa học công nghệ, do đó rất khó kiểm soát về chất lượng, nội dung. Chưa kể, đó là quyền tự do ngôn luận của người dân nên không thể có biện pháp kiểm soát cứng nhắc. Đáng mừng là hiện nay, nhiều báo đã có những bước thay đổi, khai thác tốt thông tin trên MXH để phản ánh nhằm đưa tờ báo đến gần với người dân, sống động hơn. Các bài viết khai thác qua MXH nếu hay, phát huy được mặt tích cực thì nên khuyến khích.

Vai trò “gác cổng thông tin” của báo chí vẫn còn đó

“Một trong những nguyên nhân lớn nhất, theo tôi, là khả năng thông tin rộng rãi và tự do ngày hôm nay, nhờ vào sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông”, ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus, nhấn mạnh.

“Người tiêu dùng có thể tiếp cận với rất nhiều nguồn thông tin, chứ không phụ thuộc vào các cơ quan báo chí chính thống nữa. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, không phải nguồn tin nào họ tìm thấy trên mạng Internet cũng đều đúng và chính xác, khách quan. Người tiêu dùng cũng biết điều đó chứ, nhưng một số trong họ lựa chọn phản ứng thụ động là không tin vào nguồn tin nào cả.

Còn một số khác, lại chỉ tin theo một vài nguồn tin nào đó, bất chấp thực tế là nguồn tin đó cũng có thể sai. Nguy hiểm hơn nữa, báo chí - về lý thuyết là nguồn thông tin khách quan - cũng hành xử như một cá nhân trên MXH, viết lại những gì họ nhìn thấy trên MXH, thay vì thực hiện chức năng của báo chí là phát hiện - xử lý thông tin - thông tin khách quan - định hướng dư luận…”.

MC Phan Anh trở thành "người hùng" của cộng đồng mạng nhờ việc bảo vệ quan điểm của mình về MXH.

Lấy nguyên những câu chuyện trên mạng, thêm thắt và bình luận cho có mà không có sự điều tra, làm rõ, và thậm chí, liên lạc với các nhân vật liên quan là “căn bệnh” thường gặp ở không ít tờ báo mạng nói riêng, truyền thông và truyền hình nói chung. Trong thời đại ngày nay, ai cũng có thể trở thành “nhà đưa tin”, hay sang hơn, “nhà báo công dân”, chỉ cần với chiếc điện thoại di động, camera…, thì mặc nhiên, ăn nhau ở tính chính xác của nguồn tin.

MXH là nơi ngồn ngộn thông tin, nhưng vấn đề là kiểm chứng thế nào. Từ các vụ đạo nhạc, đạo phim, scandal lộ ảnh sex, đến những vụ tìm kiếm người nhà, nhận trẻ lạc, hay giải cứu nông sản cho nông dân, từ việc giúp đỡ du khách bị cướp giật cho đến tìm một chàng trai mất tích khi leo núi… tất cả đều nhờ sự phát hiện hay đưa tin nhanh của cư dân mạng. Các nhà báo trở nên lạc lõng khi chỉ đưa tin tức, sự kiện “ở ngoài đời”, mà quên mất cả ở “thế giới ảo”, là bởi, từ ảo bước ra thật không còn nhiều ranh giới, nhất là khi mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, với những video clip chấn động vì sức ảnh hưởng của chúng.

Vì thế, vai trò “gác cổng thông tin” của báo chí vẫn còn đó. Vấn đề là tỉnh táo lọc sự kiện, xác minh hay chạy đua với Internet về thời gian, bất chấp đúng sai, lướt web mỗi ngày tìm các tài khoản của sao để săn tin hay bổ sung phân tích, nhận định cho những sự kiện nóng sốt trên MXH vẫn là những mối quan tâm và sự tự vấn của các nhà báo ở khía cạnh đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, thử tưởng tượng không có mạng xã hội, báo chí truyền thông sẽ còn “độc quyền” thông tin theo kiểu của mình đến bao giờ, và làm sao có một nguồn tin dồi dào, bất ngờ, rộng mở và nhiều tính tương tác đến thế?

Nhìn chung, làm thế nào để khai thác hiệu quả MXH trong tác nghiệp báo chí để tránh tình trạng biến mạng xã hội thành “con dao hai lưỡi” lại là bài toán mà những người làm báo hiện đại đang đi tìm lời giải!

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/cuoc-dua-giua-bao-chi-va-mang-xa-hoi-nhanh-nhay-chua-du-can-chinh-xac-564666.bld