Cuộc đời của nữ Tổng thống Brazil bị phế truất

Sau phiên luận tội với kết quả 61 phiếu thuận và 20 phiếu chống, nữ Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã chính thức bị Quốc hội phế truất.

Tổng thống Brazil Rousseff đã chính thức bị phế truất trong phiên bỏ phiếu ở Quốc hội với tỷ lệ 61 phiếu đồng ý và 20 phiếu chống. Ảnh: Bà Dilma Rousseff phát biểu lần cuối cùng trên cương vị người đứng đầu Brazil tại Cung điện Alvorada ngày 31/8/2016.

Bà Dilma Vana Rousseff sinh vào ngày 14/12/1947 ở thành phố Belo Horizonte. Bà là con gái của luật sư gốc Bulgary là Pedro Rousseff. Trong ảnh, Bé gái Dilma Rousseff chụp ảnh cùng gia đình.

Ở tuổi 16, bà tham gia vào các tổ chức chính trị chống lại chính phủ quân sự ở Brazil. Trong bức hình trở nên nổi tiếng, cô gái Rousseff dự phiên tòa xét xử và sau đó ngồi tù gần 3 năm (1970-1972). Sau khi được thả ra, bà tiếp tục việc học và tốt nghiệp ra trường với tấm bằng cử nhân kinh tế học của Đại học Rio Grande do Sul.

Trong quá trình đất nước chuyển giao sang dân chủ hồi đầu thập niên 1980, bà đã có công thành lập Đảng Lao động Dân chủ (PDT). Ảnh: Bà Dilma Rousseff bắt tay với Leonel Brizola, một trong những thủ lĩnh của phong trào chống lại chính phủ quân sự và là đồng sáng lập PDT.

Năm 2000, bà gia nhập Đảng Công nhân và trở thành cố vấn về các chính sách năng lượng cho ông Luiz Inacio Lula da Silva 2 năm sau. Sau đó, Tổng thống Brazil Lula da Silva bổ nhiệm bà làm Bộ trưởng Năng lượng và tiếp đó là Chánh văn phòng Tổng thống vào năm 2005. Ảnh: Ông Lula da Silva, bà Rousseff và Bộ trưởng Quốc phòng sau đó Nelson Jobim năm 2007.

Bà Rousseff bắt đầu đi tháp tùng Tổng thống Brazil trong các chuyến công du nước ngoài. Ảnh: Bà Dilma Rousseff bắt tay với Tổng thống Mỹ Obama ở Nhà Trắng năm 2009.

Năm 2010, bà trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Brazil với 56% số phiếu tán thành sau khi đánh bại đối thủ Jose Serra thuộc Đảng Dân chủ Xã hội Brazil.

Tiếp nối người tiền nhiệm, Tổng thống Rousseff duy trì các chính sách xã hội có từ thời ông Lula da Silva và tăng cường sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế, bao gồm các biện pháp buộc ngân hàng công hạ lãi suất. Ảnh: Tổng thống Dilma Rousseff ký tặng trong buổi lễ khách thành một giàn khoan dầu ngoài khơi hồi tháng 6/2011.

Vụ bê bối tham nhũng trong công ty dầu khí quốc doanh Petrobras đã làm chấn động nền kinh tế Brazil và cả uy tín của Tổng thống Rousseff. Ảnh: Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 4/2015 với Bloomberg, bà Rousseff cho biết, bà không hay biết về kế hoạch chi trả tiền lại quả trong công ty Petrobras mà bà làm chủ tịch trong giai đoạn 2003-2010.

Căng thẳng giữa Tổng thống Rousseff và Phó Tổng thống Michel Temer lên cao vào cuối 2015 khi Hạ viện phê chuẩn đề nghị mở phiên luận tội bà Dilma, gây nên sự bất ổn chính trị mới ở Brazil. Sau đó, bà Rousseff cáo buộc ông Temer là “người lên kế hoạch đảo chính”.

Ngày 12/5/2016, bà Rousseff chính thức bị đình chỉ chức vụ Tổng thống để phục vụ công tác điều tra. Ảnh: Bà Rousseff phát biểu với những người ủng hộ bên ngoài tư dinh tổng thống sau quyết định đình chỉ chức vụ.

Bà Rousseff đã trả lời các câu hỏi của những thượng nghị sỹ trong phiên điều trần luận tội kéo dài gần 15 tiếng.

Thanh Nga (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/the-gioi/cuoc-doi-cua-nu-tong-thong-brazil-bi-phe-truat-735695.html