Cuộc đời bi kịch của người chế tạo 'siêu pháo' cho Saddam Hussein

Trong một buổi tối yên tĩnh của tháng 3.1990, tại vùng ngoại ô Uccle ở Thủ đô Brussel của Thổ Nhĩ Kỳ, Gerald Bull rảo bước dọc theo một hành lang dẫn tới căn hộ chung cư của ông và rút chìa khóa định mở cửa. Đó là hành động cuối cùng người đàn ông này thực hiện trong đời.

Vụ ám sát một nhà khoa học

Phía sau lưng ông, lẩn trong bóng tối, là một sát thủ đang chờ sẵn. Gã này lặng lẽ tiếp cận Bull, rút súng bắn liền hai phát đạn 7,65mm vào sau gáy, lập tức tước đi mạng sống của ông.

Vụ sát hại Bull có đầy đủ dấu vết của một màn ra tay chuyên nghiệp. Không ai nghe thấy tiếng súng nổ, do sát thủ sử dụng thiết bị hãm thanh. Họ cũng chẳng phát hiện tiếng động do một xác người mới sụp xuống sàn tạo ra. Không người nào nhìn thấy gã sát thủ. 20.000USD tiền mặt mà Bull mang theo bên mình vẫn còn nguyên. Nhưng khi bị giết trong ngày hôm đó, Bull không chỉ chết một mình. Cùng ra đi là giấc mơ đã ám ảnh cả đời ông: Chế tạo một siêu pháo đủ khả năng bắn vệ tinh hay đạn pháo đi xa tới cả ngàn cây số.

2 tuần sau, nhà chức trách Anh đã thu giữ 8 ống thép khổng lồ với đường kính 1.000mm ở Teesport. Với mác “ống dẫn dầu”, chúng được Công ty Sheffield Forgemasters sản xuất và đang được chờ để đưa lên tàu tới Iraq. Nhưng chúng không phải ống dẫn dầu mà là thành phần của một khẩu pháo siêu lớn, siêu dài mà Bull đang chế tạo dở dang tại Iraq.

Chỉ trong vài tháng, các cấu kiện thuộc về một siêu pháo của Iraq lần lượt được tìm thấy tại 5 quốc gia Châu Âu khác. Dự án Babylon, kế hoạch chế tạo siêu pháo này, hóa ra lớn hơn so với những gì người ta tưởng và liên quan tới hàng chục hoạt động buôn lậu vũ khí tới Iraq, có trị giá hàng chục triệu USD.

Nhưng Dự án Babylon không chỉ là một thương vụ vũ khí đã chết yểu. Nó có chứa trong đó câu chuyện về một nhà khoa học tài năng, tức giận với việc phương Tây không ủng hộ giấc mơ lớn của bản thân, đã quay sang hợp tác với chính quyền Iraq - một đối thủ của phương Tây.

Sinh năm 1928 tại North Bay, Ontario, Canada, Bull mất mẹ khi ông mới được 3 tuổi. Khi cha đẻ từ bỏ việc nuôi Bull và 9 anh em ruột của ông, một người chú và một người dì đã bao bọc tất cả các cháu. Nhưng tình thương của họ không đủ để khỏa lấp những nỗi đau trong con người Bull.

Lớn lên, ông sang Mỹ làm việc, trở thành một kỹ sư của quân đội nước này. Ông thông minh tài giỏi, nhưng khó gần, với tâm hồn đầy sự tổn thương và cảm giác người khác xa lánh mình. Ở tuổi 22, ông trở thành người trẻ nhất có bằng tiến sĩ tại Đại học Toronto, Canada. Ông nổi tiếng về khả năng sáng tạo và sự hiểu biết về kỹ thuật.

Tình yêu với những khẩu pháo lớn

Bull đặc biệt yêu mến các khẩu pháo lớn và thực sự có tài trong việc nghiên cứu pháo. Ông bắt đầu làm việc trong các dự án nghiên cứu siêu pháo mà chính quyền Mỹ hợp tác với Canada từ những năm 1960. Ban đầu các kỹ sư dùng thiết kế của ông để thử nghiệm hoạt động bay siêu âm mà không cần dùng tới các đường hầm gió đắt tiền, thông qua việc bắn các đầu đạn qua nòng một khẩu pháo lớn, đi trên một quãng đường ngắn.

Một lần nọ, Bull được tiếp xúc với một bản thảo hiếm trong gia đình Fritz Rausenberger - người chế ra siêu pháo Paris Gun cho quân đội Đức trong thế chiến thứ nhất. Cần phải nói một chút về siêu pháo này. Dù sử dụng các công nghệ sơ khai, khẩu pháo vẫn có khả năng bắn một quả đạn lên độ cao hơn 40km, xa tới hơn 110 km. Đây là các kỷ lục mà những khẩu pháo khác cùng thời không làm được và chỉ bị vượt qua khi Đức chế ra tên lửa V2 trong thế chiến thứ hai. Khẩu pháo này từng bắn trúng Nhà thờ St. Gervais ở trung tâm Paris trong ngày 29.3.1918 làm 91 người thiệt mạng.

Những thông tin về khẩu Paris Gun khiến Bull vô cùng hứng thú. Ông nghiền ngẫm nó, đồng thời nảy ra ý tưởng cải tiến: Nếu gắn thêm các động cơ tên lửa vào quả đạn pháo, nó có thể bay đi xa hơn nhiều so với bình thường.

Năm 1961, Bull bắt đầu làm việc trong Dự án nghiên cứu độ cao lớn (Harp) - một dự án nghiên cứu siêu pháo hợp tác giữa chính quyền Mỹ và Canada. Sử dụng một khẩu pháo cũ của hải quân Mỹ, Bull và các cộng sự đã bắn các thiết bị kiểm tra thời tiết vào quỹ đạo thấp của trái đất và đưa chúng trở lại, sử dụng các viên đạn đặc biệt có gắn động cơ phản lực.

Tuy nhiên cuộc chiến tranh Việt Nam gây tốn kém quá mức đã khiến dự án này bị hủy bỏ vào năm 1967, trước khi Bull có thể bắn bất kỳ thứ gì lên tới độ cao quỹ đạo mà các vệ tinh vẫn hoạt động. Nhưng nó đã cho Bull thấy rằng hoàn toàn có thể tạo ra một siêu pháo đủ sức bắn một thứ như vệ tinh cỡ lớn lên quỹ đạo.

Ý tưởng của Bull là siêu pháo sẽ loại bỏ nhu cầu sử dụng tầng 1 của các quả tên lửa đẩy đa tầng, vốn có phí chế tạo rất cao. Tầng một này thường phải tiêu tốn một lượng năng lượng khổng lồ chỉ để giúp quả tên lửa chuyển động, bởi trọng lượng tên lửa là lớn nhất khi còn ở dưới mặt đất và bầu không khí ở gần mặt đất cũng đặc nhất.

Bull tin chắc rằng siêu pháo của ông là dự án khả thi, nhưng ông cần tiền để tiếp tục nghiên cứu. Vấn đề là vào những năm 1970, thế giới đã không còn quan tâm tới siêu pháo nữa. Chẳng ai muốn chìa tay ra giúp Bull.

Một siêu pháo của phát xít Đức

Siêu pháo Paris Gun đã truyền cảm hứng sáng tạo cho Bull.

Bắt tay với Iraq vì thất vọng với phương Tây

Để tìm nguồn tiền, Bull bắt đầu bán vũ khí và tiếp tục phát triển siêu pháo như một dự án phụ. Ông thành lập công ty tư nhân là Tập đoàn nghiên cứu không gian Quebec và bắt đầu bán súng đạn cho chính quyền Nam Phi. Năm 1976, Bull bị bắt ở Nam Phi do vi phạm lệnh cấm vận vũ khí LHQ và ông đã phải ngồi tù 6 tháng ở Mỹ. Sau khi ra tù, ông lại bán vũ khí cho Nam Phi lần nữa và bị phạt 55.000 USD vì hành vi này.

Mệt mỏi với sự can thiệp của các chính quyền Canada và Mỹ vào công việc của mình, ông dọn qua sống tại Brussels, Bỉ và bắt đầu hoạt động qua một công ty Châu Âu. Những trải nghiệm cay đắng đã qua khiến Bull dần hình thành cảm giác xa lạ, thậm chí là thù ghét thế giới phương Tây. Ông tin rằng người ta cố tình cản trở chỉ vì ganh ghét với tài năng của ông. Đó là khi một ngã rẽ khác trong cuộc đời Bull xuất hiện.

Năm 1981, chính quyền Iraq bắt liên lạc với Bull, đề nghị hợp tác. Thời điểm này, Saddam Hussein mới chỉ là Bộ trưởng Quốc phòng. Ông rất khoái Bull cùng các thiết kế vũ khí của nhà khoa học này, bởi chúng đã chứng tỏ khả năng trong các chiến dịch quân sự của Iraq.

Khi đó, làm việc với Hussein không phải là quyết định gây nhướn mày ở phương Tây, bởi Iraq không phải là mối đe dọa. Do tiến hành chiến tranh với Iran, Iraq còn được sự ủng hộ từ phương Tây. Bản thân Hussein muốn trở thành một lãnh đạo trong thế giới Arab và muốn khoe ra thành công của đất nước ông với một công nghệ mới. Ông muốn công nghệ đó liên quan tới một chương trình vũ trụ và mục tiêu này cũng phù hợp với điều Bull mong muốn.

Cuối cùng, vào năm 1988, chính quyền Iraq trả cho Bull 25 triệu USD để ông triển khai Dự án Babylon với mục tiêu chế siêu pháo vũ trụ. Phía Iraq chỉ có điều kiện duy nhất là ngoài Dự án Babylon, Bull phải tiếp tục nghiên cứu các hệ thống pháo cho họ, chuyện dễ như trở bàn tay với chuyên gia hàng đầu như ông.

Dự án Babylon bắt đầu được khởi động, với tổng cộng 3 siêu pháo. Chúng gồm 2 khẩu Big Babylon cỡ nòng 1.000mm và một khẩu pháo thử nghiệm cỡ nòng 350mm có tên Baby Babylon. Mỗi khẩu Big Babylon có chiều dài nòng pháo lên tới 156m. Tổng cộng khẩu pháo này nặng 1.500 tấn, quá lớn để di chuyển nên người ta phải đặt nó theo một góc 45 độ trên một ngọn đồi.

Big Babylon đã có thể trở thành một siêu pháo lớn nhất trong lịch sử nhân loại, còn lớn hơn cả nhiều khẩu pháo từng sử dụng cho mục đích quân sự khác, như các khẩu pháo khổng lồ của phát xít Đức trong Thế chiến thứ hai.

Sử dụng 9 tấn thuốc súng đặc biệt, về lý thuyết Big Babylon có thể bắn một đầu đạn nặng 600kg đi qua một khoảng cách tới 1.000km. Và như thế, siêu pháo này hoàn toàn có thể bắn từ Iraq tới Kuwait hay Iran. Ngoài ra, pháo còn có thể được dùng để bắn một đầu đạn nặng 2.000kg có gắn các động cơ tên lửa, mang theo vệ tinh nặng 200kg, lên quỹ đạo.

Để bắn khẩu pháo này, người ta cần một ngòi nổ cỡ lớn. Các chuyên gia đánh giá một khẩu pháo khổng lồ như Big Babylon mang tới các vấn đề kích nổ quả đạn rất phức tạp so với những khẩu pháo bình thường. Nhưng họ cho rằng Bull có thể đã giải quyết được các thách thức và khiến khẩu pháo của ông hoạt động bình thường.

Nếu Bull có thể giải quyết các vấn đề nêu trên, khả năng của Big Babylon sẽ biến nó thành một siêu pháo với khả năng phóng vệ tinh với giá siêu rẻ. Chi phí phóng vệ tinh sẽ tụt xuống chỉ còn khoảng 1.727 USD/kg, so với mức 22.000 USD/kg theo ước tính của NASA.

Cái chết của một giấc mơ

Trong suốt quá trình Bull theo đuổi Dự án Babylon, phía Iraq quan tâm nhiều hơn tới khả năng ứng dụng quân sự của các khẩu pháo. Bull dĩ nhiên cũng biết tới việc Iraq có thể dùng công nghệ siêu pháo để bắn tên lửa và các đầu đạn nguy hiểm khác vào kẻ thù của nước này.

Nhưng ông đã bào chữa cho hành động của mình bằng cách chỉ ra rằng vũ khí bắn đi từ pháo ông sẽ có ít giá trị ứng dụng thực hiện. Bởi kích cỡ khổng lồ có nghĩa sẽ rất khó xê dịch khẩu pháo sau khi nó được xây dựng xong. Pháo chỉ bắn được theo một góc cố định, về một hướng duy nhất và người ta hoàn toàn có thể phá hủy nó một cách dễ dàng, vì nó luôn đứng yên.

Nói một cách khác thì ai cũng biết khẩu pháo nằm ở đâu. Người ta cũng biết khi nào khẩu pháo khai hỏa, dựa vào sóng chấn động hình thành từ hoạt động của nó. Các ước tính cho thấy riêng lực giật do khẩu pháo tạo ra khi bắn có thể lên tới 27.000 tấn, bằng với một vụ nổ hạt nhân.

Về phía mình, chính quyền Iraq vẫn muốn có khẩu pháo này, bất chấp các điểm yếu của nó. “Khẩu pháo này dùng để phục vụ việc tấn công mục tiêu ở cự ly dài và làm mù vệ tinh của đối phương”, Tướng Hussein Kamel al-Majeed, người giám sát chương trình phát triển vũ khí của Iraq, từng tiết lộ như thế sau khi ông đào tẩu sang Jordan để làm việc cùng với LHQ.

“Các nhà khoa học của chúng tôi đang làm việc nghiêm túc về dự án này. Nó được thiết kế để khiến một quả đạn pháo phát nổ trong vũ trụ, bắn ra một vật liệu bám dính mạnh vào các vệ tinh và khiến chúng bị mù”, ông nói.

Tới tháng 5.1989, khẩu Baby Babylon dài 45 mét đã hoàn tất, được đặt lên một ngọn đồi và các cuộc thử nghiệm bắt đầu diễn ra. Khẩu súng nhỏ này đã có thể bắn một đầu đạn đi xa tới 750km.

Cùng lúc đó, các linh kiện dùng để chế tạo hai khẩu Big Babylon được bí mật sản xuất ở Anh, Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Italy và Tây Ban Nha. Tuy nhiên chỉ một năm sau, dự án đã đột ngột kết thúc, cùng với vụ ám sát Bull.

Cho tới nay người ta vẫn không thể biết rõ ai đã giết Bull. Có tin cơ quan tình báo Mossad của Israel đã đoạt mạng Bull, bởi khẩu pháo này đe dọa tới an ninh của quốc gia Do Thái. Số khác cho rằng tình báo Mỹ, Anh và Nam Phi có thể đã ra tay trừ khử ông, vì lo ngại Iraq sẽ dùng khẩu pháo để gây ra hậu quả khó lường.

Sau khi ông chết, dự án Babylon không còn nhận được sự quan tâm nữa. 2 tuần sau cái chết của ông, Hải quan Anh thu giữ các thành phần của khẩu pháo đang được chuyển tới Iraq. Chính quyền Iraq đem quân vào Kuwait sau thời điểm đó không lâu và cuộc chiến đã chấm dứt mối quan hệ của phương Tây với chính quyền Iraq.

Cuối cuộc chiến, LHQ đã thu giữ và phá hủy khẩu pháo Baby Babylon, bên cạnh các cấu kiện của hai khẩu Big Babylon. Hiện những gì còn lại của các siêu pháo huyền thoại này hiện đang được trưng bày trong bảo tàng Royal Armouries ở Fort Nelson, Hampshire, Anh. Chúng chính là những di sản cuối cùng còn sót lại của Gerald Bull: Một con người với giấc mơ cao tận trên không gian đã khiến ông phải trả giá bằng mạng sống của mình.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/cuoc-doi-bi-kich-cua-nguoi-che-tao-sieu-phao-cho-saddam-hussein-536081.bld